Dân gặp khó vì thịt heo tăng giá
Không chỉ thịt heo mà thịt bò, cá, tôm… cũng rủ nhau tăng giá dù chưa bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm.
Trong vòng một tháng nay, giá thịt heo tại các chợ, siêu thị tăng đột biến. Trong đó có loại lên gần gấp đôi so với cách đây vài tháng đã khiến nhiều người dân, nhất là người thu nhập thấp kêu trời, còn tiểu thương méo mặt.
“Đành tiết kiệm chi tiêu chứ biết làm sao”
Theo khảo sát của chúng tôi, mỗi loại thịt hiện giá đã tăng từ 30% đến 50%, tương đương khoảng 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại trong hơn một tháng qua. Đây là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. Chị Dương (quận 12, TP.HCM) cho hay giá heo tăng khiến chị khi đi chợ phải chi tiêu nhiều hơn, tốn kém hơn.
“Hai đứa con mình thích ăn thịt ba rọi với sườn non chứ kén ăn phần thịt khác. Giá hai loại này tăng khủng khiếp. Trước đây ba rọi chỉ 90.000-100.000 đồng/kg, mới hai tuần trước giá vọt lên 120.000 đồng/kg, giờ giá lên 130.000 đồng/kg. Sườn non đã lên đến đỉnh 170.000-190.000 đồng/kg, có nơi bán hơn 200.000 đồng/kg. Giá tăng vọt nhưng mình làm về muộn, ghé mấy cửa hàng Co.op Food hay Satra Food cũng không còn sản phẩm này để mua” - chị Dương chia sẻ.
Chị Dương tính toán thịt heo là thực phẩm chiếm phần lớn trong bữa ăn. Thông thường mỗi tuần cả nhà chị ăn khoảng ba ngày thịt heo, còn lại là thịt gà, cá, thịt bò. Tính chung chi phí riêng tiền thức ăn hết khoảng 6 triệu đồng, trong đó riêng tiền thịt heo chiếm 2 triệu đồng mỗi tháng. Giá thịt heo tăng, vị chi mỗi tháng chị phải chi thêm tiền mua thức ăn khoảng 500.000-1 triệu đồng. “Tôi phải chuyển sang mua cá nhiều hơn” - chị Dương nói.
Một số tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết từ tháng 10 đến nay người mua thịt heo giảm, nhiều bà nội trợ đã chuyển qua các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt vịt. Chính vì vậy giá thịt gà, thịt vịt cũng tăng theo. Ví dụ gà thả vườn sống trước đây khoảng 110.000 đồng/kg đối với gà trống, 130.000 đồng/kg gà mái thì nay tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg.
Một số mặt hàng thủy hải sản cũng tăng giá. Chẳng hạn cá lóc đồng nay tăng lên 70.000-80.000 đồng/kg, cá điêu hồng 60.000-65.000 đồng/kg. Đối với thịt bò, giá đã tăng 20.000-30.000 đồng/kg. Hiện giá thịt bò phi lê 300.000-320.000 đồng/kg, thịt bò đùi 250.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, hàng loạt quán bún giò, bún mọc, cơm bình dân... tăng giá. Tuấn Kiệt, một sinh viên ở TP.HCM, cho biết giá cơm bình dân cũng tăng không chỉ món thịt heo mà những món khác cũng tăng lên 5.000 đồng/suất. “Chỗ em hay ăn trước đây giá mỗi suất ăn chỉ 22.000 đồng/phần nhưng giờ lên 27.000 đồng/phần. Đã vậy miếng thịt kho trứng, sườn nướng… nhỏ hơn. Em cũng phải tính toán lại tiền ăn, chắc mỗi tháng phải nhịn ăn sáng vài hôm” - Kiệt cười.
Chị Nguyệt, công nhân may ở Khu chế xuất Sóng Thần, than thở với thu nhập cả tăng ca chưa tới 6 triệu đồng/tháng. Tiền trọ đã 1 triệu đồng/tháng/người, giá phòng trọ cũng tăng lên 500.000 đồng/phòng từ đầu tháng 10. Tiền điện mỗi ký (kWh) cũng tăng từ 3.000 đồng/kWh lên 3.500 đồng/kWh. “Giờ mình lâu lâu mới dám ăn thịt, ăn cá, gà. Đành tiết kiệm chi tiêu hơn thôi chứ biết làm sao đây” - chị Nguyệt tâm sự.
Thời gian qua, giá heo hơi biến động mạnh, đẩy mặt bằng giá thịt heo bán lẻ lên mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: TÚ UYÊN
Tiểu thương than bán ế, lỗ
Dù mới 10 giờ sáng 25-11 nhưng không ít sạp bán thịt heo dọc hai bên hông chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình,TP.HCM) rất rảnh rỗi, có sạp thì không thấy người bán đâu. Chỉ vài sạp lác đác người ghé đến mua.
Chị H., một tiểu thương bán thịt tại đây than thở do dịch tả heo châu Phi nên giá thịt heo tăng cao, mỗi ngày mỗi giá nên bán rất chậm. Lượng thịt heo lấy vô bán giảm 50%, giá cao quá nên người mua cũng giảm đi chợ hẳn. “Với tình hình ế ẩm như vầy chắc tôi sẽ nghỉ bán” - chị H. buồn rầu.
Trong khi đó chị Nỉ, tiểu thương chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) vừa bán 30.000 đồng thịt nạc vừa kể đúng là giá heo cao quá thì bán khó khăn hơn. Như hôm nay (25-11), heo mảnh mua vô tăng lên 95.000 đồng/kg, cộng chi phí vận chuyển, công… nên tính ra 100.000 đồng/kg rồi. Tuy nhiên, giá bán lẻ không thể tăng theo giá heo ở chợ đầu mối được.
“Mối của tui là các nhà hàng, quán ăn họ vẫn lấy đều hàng chứ không giảm nhưng họ than không có lời. Ví dụ, họ bán dĩa cơm, tô bún tăng 5.000 đồng chứ tăng thêm nữa sao được. Trong khi đó, những người mua hằng ngày nay họ cũng giảm ăn thịt. Bình thường họ mua cả ký thì nay mua chỉ vài lạng thịt chứ không bỏ hẳn” - chị Nỉ nói.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, thông tin năm ngày nay lượng heo về chợ giảm mạnh từ 317 tấn xuống còn 298 tấn. Giá heo hơi tăng lên 69.000 đồng/kg. Qua trao đổi với thương nhân ai cũng than bán chậm, lỗ nhưng vì muốn duy trì các mối hàng nên họ vẫn phải bán. Trước đây họ bán 10 con/ngày, trong đó có sáu con bán cho mối, bốn con bán cho khách vãng lai. Khi giá cao, tiêu thụ giảm, nếu họ tiếp tục gồng sẽ lỗ nên tạm dừng bán bốn con cho khách vãng lai nên lượng heo về chợ giảm là như vậy.
“Cũng có người muốn nghỉ bán nhưng vì mối quen sẵn có bao lâu nay nên họ tiếp tục bán huề vốn. Tình hình mua bán của thương nhân rất là khó khăn” - ông Tiển nói.
Nhiều giải pháp ổn định giá thịt heo Nhiều công ty chăn nuôi dự báo giá heo sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt. Lý do là đàn heo ở trang trại đã cạn, các trại nuôi trong dân cũng không còn nhiều. Ngoài ra, giá heo hơi của Trung Quốc ở mức 13-15 triệu đồng/tạ, chênh gấp đôi so với giá heo hơi Việt. Do đó, có tình trạng thương lái gom heo bán sang Trung Quốc khi giá chênh lệch quá lớn. Đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định đang đưa ra các giải pháp để giúp ổn định nguồn cung giữa các vùng, như khuyến khích đưa heo từ những nơi dồi dào tới nơi khan hiếm để tránh tăng giá đột biến; chỉ đạo cho tái đàn. Song song đó, bổ trợ thêm nguồn cung từ các loại thực phẩm khác. Cụ thể, nguồn cung gia cầm tăng 13,5%, gia súc ăn cỏ tăng 4,2%-4,5%, thủy hải sản tăng 6,5%. Do đó, thời gian tới nguồn cung có thiếu nhưng không nhiều và giá cũng sẽ không tăng đột biến. |
Tại các chợ truyền thống, giá thịt lợn vẫn duy trì mức giá cao, trung bình 170.000 đồng/kg. Mức giá này duy trì khoảng gần...
Nguồn: [Link nguồn]