Đặc sản "trời cho" vào mùa: Những ngày cao điểm luôn “cháy hàng”
Mọc tự nhiên trên các mỏm đá, các bờ suối đầu nguồn, “đặc sản” trời cho không chỉ là món ăn dân dã, mà còn trở thành đặc sản hấp dẫn du khách, thậm chí “cháy hàng” dù giá không hề rẻ.
Rêu đá là món ăn mà ai mới nghe thoáng qua tên gọi cũng thấy vô cùng lạ lẫm và đặc biệt. Rêu đá được lấy từ các bờ suối đầu nguồn, nơi có nguồn nước sạch, chảy xiết.
Đến hẹn lại lên, từ tháng 9 đến tháng 12, người dân vùng cao Tây Bắc thường xuống các con suối nhặt rêu bám trên đá về làm món ăn hoặc bán. Theo kinh nghiệm của đồng bào ở Tây Bắc, khi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, vì ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon.
Người dân Tây Bắc thu hoạch rêu đá từ tháng 9 đến tháng 12
Những nơi có nhiều rêu đá thường được thương lái thu mua để cung cấp cho các nhà hàng chế biến các món ăn. Ngoài ra, họ bán cho du khách làm quà biếu tặng.
Tại các vùng Tây Bắc, từ lâu rêu đá thường dùng làm món ăn để tiếp đãi khách quý, hoặc dùng trong những bữa ăn quan trọng như tiệc cưới, mừng nhà mới.
Rêu đá được chế biến thành nhiều món hấp dẫn, như rêu hấp, canh rêu, rêu xào, nộm rêu, rêu nướng...
Các món ăn được chế biến từ rêu đá như rêu hấp, canh rêu, rêu xào, nộm rêu, rêu nướng… tùy theo sở thích của mỗi người.
Theo người dân sinh sống ở địa phương, món ngon nhất là làm mọc rêu (còn gọi là chả). Để chế biến chả, rêu được tẩm ướp với gạo tấm, ớt cay, hạt tiêu rừng, sả, thịt heo mỡ giã nhỏ, sau đó dùng lá chuối gói lại, đem nướng hoặc bỏ vào nồi hấp trong một tiếng.
Anh Hoàng Văn Toàn – người dân tại huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) cho biết, vài năm gần đây, cứ đến mùa, anh và người thân lại ra suối hái rêu về ăn và đem bán. Ngày càng có nhiều khách biết đến và ưa chuộng những món ăn được chế biến từ loại rêu suối này.
Rêu được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn nhưng ngon nhất, đặc trưng nhất phải kể đến món rêu nướng. Rêu được nêm nếm với các loại rau thơm, gia vị rồi gói vào lá chuối hoặc lá dong, sau đó dùng kẹp tre nướng trên bếp than hồng.
Món rêu nướng với hương vị đặc trưng
"Với món rêu nướng, thường được ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà… vô cùng hấp dẫn” – anh Toàn thông tin.
Tuy nhiên, công việc hái rêu và sơ chế rêu mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Sau khi hái, rêu sẽ được nhặt sạch rồi dùng rổ, rá để đãi sạch sạn cát... có lẫn trong rêu. Tiếp đến, rêu được thả vào những chậu nước lớn để giặt.
Khảo sát được biết, rêu sau khi sơ chế được nặn thành từng tảng hình tròn, nặng khoảng trên dưới 1kg với giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/nắm tùy từng vùng.
Vào mùa cao điểm, trung bình mỗi ngày chị Lò Thị Viên huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) cùng những chị em khác cũng kiếm được hơn trăm nghìn. Những ngày cuối tuần đông khách du lịch, món đặc sản này luôn “cháy hàng”, chị Viên bán được từ 200.000 đến 300.000 đồng một ngày.
Mỗi nắm rêu sau khi được sơ chế có giá trung bình 30.000 đồng/nắm
Lần đầu tiên được thưởng thức các món ăn chế biến từ rêu suối khi tới du lịch Yên Bái, anh Tùng – một du khách đến từ Hà Nội không quên hương vị đặc trưng của món ăn này. "Khi chín, rêu không còn giữ được màu xanh lá lạ mắt nhưng ăn rất lạ miệng, có vị thơm ngon” – anh Tùng chia sẻ.
Theo bà con dân tộc vùng Tây Bắc, các món ăn từ rêu không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt mà còn có tác dụng chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Thời điểm này, giá cua hoàng đế đang giảm mạnh, lên đến 1 triệu đồng/kg nhưng khách hàng không mấy mặn mà.
Nguồn: [Link nguồn]