Đặc sản “tiến vua” được mùa, nông dân “nằm im” chờ lên giá
Được gọi là “đặc sản tiến vua”, nhãn Hưng Yên cho quả ngọt thơm mà ít vùng đất nào sánh được do thổ nhưỡng thích hợp lại được phù sa từ dòng sông Hồng bồi đắp nên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhãn chỉ còn 7.000-10.000 đồng/kg, nhiều người chưa muốn bán vì tiếc của.
Hưng Yên là thủ phủ của các loại nhãn nổi tiếng cả nước bởi hương vị thơm ngon hiếm nơi nào có được như nhãn lồng, nhãn nước, nhãn gỗ, nhãn Hương Chi, nhãn Miền Thiết…
Vào mùa nhãn hàng năm, thương lái đổ về Hưng Yên mua nhãn đông như chảy hội với giá trên 30.000 đồng/kg nhưng năm nay theo một số hộ dân, giá nhãn xuống chỉ bằng ½ so với năm ngoái.
Nhãn được mùa nhưng mất giá.
Chị Gia Hân ở Phù Cừ (Hưng Yên) cho biết, vườn nhãn Hương Chi nhà mình dự tính được khoảng 1 tấn quả, tuy nhiên thương lái đến chỉ trả 3,5 triệu đồng nếu mua cả vườn nên chị chưa muốn bán.
“Nếu như năm ngoái, nhà tôi vẫn bán được 25.000 đồng/kg thì năm nay giá chưa bằng một nửa vì thương lái ép giá chỉ mua với giá 8.000 đồng/kg nếu mình thuê người hái xuống, còn họ tự hái thì 3,5 triệu đồng cả vườn”, chị Hân nói.
Cùng cảnh được mùa mất giá, chị Diễm ở thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi (Hưng Yên) cho hay, gia đình chị trồng 4 mẫu với khoảng 500 cây nhãn giống Miền Thiết ghép trên gốc Hương Chi hơn 20 năm tuổi.
Những quả nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng khắp cả nước bởi vị ngọt thơm ít nơi nào sánh được.
Theo chị Diễm, nếu như mọi năm vườn nhãn nhà chị được thương lái mang ô tô đến mua tận nơi với giá gần 30.000 đồng/kg thì năm nay họ trả có 7.000-12.000 đồng/kg. Với giá này thì người trồng nhãn không có chút tiền công nào nên chị chưa muốn bán.
“Năm 2019, nhà tôi cho thu hoạch khoảng 8 tấn, năm nay được khoảng 10 tấn nhưng giá xuống quá nửa. Quả to đẹp họ trả 10-12.000 đồng/kg, còn quả bé, xấu hơn chỉ được 7-8.000 đồng/kg. Với giá này, trừ tiền thuê người hái 250.000 đồng/ngày cộng thêm tiền phân bón, làm cỏ, cắt cây, tỉa cành… thì lỗ nặng”, chị Diễm nói.
Đăng bài “giải cứu” nhãn lồng với giá 99.000 đồng/5kg trên chợ mạng, chị Thu Hương (trú tại Phan Trọng Tuệ, Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng chưa năm nào nhãn lại rẻ như năm nay.
“Những cây nhãn cổ lâu năm, thương lái chê quả nhỏ không bán ra thị trường được nên nhà tôi phải bán cho một số hộ mua làm long nhãn với giá 7.000 đồng/kg, những cây quả to hơn thì tôi bảo bố mẹ hái rồi đăng bán lên chợ mạng, được đồng nào hay đồng đó”, chị Hương nói.
Theo chị Hương, tại các hàng hoa quả ở Hà Nội, giá nhãn vẫn ở mức 30-40.000 đồng/kg nên khi chị rao bán combo 5kg chỉ với 99.000 đồng nên được rất nhiều người ủng hộ.
“Nhãn Hưng Yên có vị ngọt và thơm đặc trưng hiếm nơi nào có được, năm nay giá lại rẻ nên có bao nhiêu tôi bán hết đến đó. Vì bố mẹ tôi tiếc công thuê người nên tự hái, mỗi lần chuyển ra được 2-3 tạ nên tôi bán nhanh hết lắm”, chị Hương cho biết.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhãn lồng xuống thấp chỉ còn từ 7.000-10.000 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có trên 4,5 nghìn hecta trồng nhãn. Trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng trên 3,5 nghìn hecta, tập trung nhiều tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên. Hiện nay, nhãn lồng Hưng Yên đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, nhãn được mùa, sản lượng dự kiến đạt 50 nghìn tấn quả.
Nhãn Hưng Yên gồm 3 trà chính là trà sớm, trà chính vụ và trà muộn, gồm các giống chất lượng cao như: Nhãn Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Miền Thiết, nhãn T6... Trong đó, các giống nhãn chín sớm và chính vụ được trồng chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Nhãn chín muộn chủ yếu được trồng ở huyện Khoái Châu.
Trái nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”, được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu Nhãn lồng Hưng Yên.
Hiện tại, nhãn lồng vẫn chưa vào chính vụ. Phần lớn nhãn Hưng Yên trên thị trường Hà Nội là nhãn xấu, nhãn loại hai.
Nguồn: [Link nguồn]