Đặc sản núi “ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng”, dân buôn bán vài tạ hốt bạc mỗi ngày
Được giới thiệu là “ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng”, loại cua sống trong các hốc đá ở những con suối trên núi có giá chỉ 139.000 đồng/kg đang được chị em rao bán rầm rộ trên các chợ online.
Theo quan sát, nhưng con cua này nhìn hình dạng khá giống các loại cua khác nhưng to bằng nắm tay, có màu sắc khá đậm, chân dài, càng ngắn nhưng to và chắc khỏe. Mỗi con cua nặng khoảng 0,2kg.
Chị Phan Thảo (trú tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cua núi là đặc sản chỉ có tại các vùng núi cao. Chúng thường sống trong các hốc đá, khe đá ven suối… được người dân đi bắt về mang bán cho các mối buôn.
Những con cua núi sau khi bắt về phải buộc càng lại vì chúng rất khỏe, có thể cắp nhau gãy càng.
“Cua núi hay còn gọi là cua đá mùa này là ngon nhất, thịt ngọt và chắc nịch. Có thể hấp bia, hấp xả, rang me, thả lẩu, giã lọc thịt nấu canh, làm lẩu riêu cua… Vì là cua tự nhiên nên chất lượng thịt ngon hơn cua biển”, chị Thảo nói.
Với giá bán chỉ 139.000 đồng/kg size 6-8 con/kg tại Hà Nội thì cua núi rẻ hơn cả cua đồng nên mỗi lần có cua núi, chị Thảo chỉ cần rao bán trong thời gian ngắn là hết. Thậm chí nhiều khách đặt trước nhưng không có hàng để bán.
Tùy vào thức ăn chúng ăn được sẽ có màu sắc khác nhau.
Chuyên thu mua cua núi, chị Lèo Thị Nga ở Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, khác với loại cua sống ở biển, ở đầm hay ở đồng ruộng, cua núi hay còn gọi là cua đá thường sống trong các hốc đá ở trên núi. Thịt chắc, thơm vì thế cua núi nhập về bao nhiêu hết bấy nhiêu, chưa bao giờ ế hàng.
Cua núi thường ra khỏi hang vào những ngày mưa, bò dọc theo các con suối. Mùa này, ban ngày cua thường chui vào hang đá nên cứ khoảng 5 giờ chiều là người dân quanh đây lại cầm đèn lên núi bắt cua.
Mỗi con cua núi có thể nặng tới 200g.
Theo chị Nga, càng đi lên núi cao thì càng nhiều cua và cua càng to. Vì thế, để leo lên được đỉnh núi thì người dân phải đi bộ mất 2 giờ.
“Họ đi cả đêm, sáng ra ai cũng vác cả bao cua to tướng mang đến các điểm cân. Thường người dân sẽ phải dùng que sắt để móc cua nhưng sau mỗi trận mưa, cua sẽ chui ra nhiều, dễ bắt hơn. Cách đây nửa tháng, có cặp vợ chồng một đêm bắt được 40kg cua núi, mang về bán được cả triệu đồng”, chị Nga chia sẻ.
Nhập cua núi của người dân khoảng 3 năm nay, sau khi mua về, chị lọc những con to từ 5-6 con/kg bán với giá 110.000 đồng/kg; loại nhỏ từ 7-8 con chị bán với giá 95.000 đồng/kg; loại 10-12 con/kg thì chỉ 50.000 đồng/kg. Cua chủ yếu vận chuyển đi các tỉnh như Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình… để bán online hoặc bán cho nhà hàng.
Cua núi rẻ và ngon nên có bao nhiêu chị Nga cũng bán hết bấy nhiêu.
Chị Nga cho hay, mùa cua núi chỉ có từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm vì mùa lạnh, thời tiết giá rét, sương muối nên người dân không đi bắt nữa. Vào mùa hè cua nhiều, giá rẻ, thịt ngon nên có bao nhiêu cua núi cũng bán hết bấy nhiêu.
“Những ngày nắng nóng, cua chui vào hang, chỉ đến đêm khi sương xuống cua mới bò ra khỏi hang để kiếm ăn, mỗi người đi rừng chỉ bắt được khoảng 10-15kg/tối nên tôi chỉ gom được khoảng 2 tạ/ ngày. Tuy nhiên, vào những ngày mưa to, nước ngập hang nên cua bò ra lổm ngổm, người dân đi bắt trúng lớn, cả xóm mang cân được hơn 4 tạ mà tôi cũng bán hết veo”, chị Nga cho hay.
Cua núi hấp bia là ngon nhất.
Đặt mua 2kg cua núi trên chợ mạng về ăn thử, chị Trịnh Thu Huyền ở Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng nói như người bán là ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng thì không đúng.
“Cua biển vỏ mỏng hơn, con to hơn, ăn ngon hơn, nhưng với số tiền 139.000 đồng/kg cua núi thì thật sự đáng tiền bởi ăn cũng rất ngon, thịt chắc, thơm. Trong khi cua đồng ngoài chợ mua về nấu canh cũng phải 200.000 đồng/kg rồi”, chị Huyền chia sẻ.
Sau lớp vỏ cứng là lớp thịt thơm và ngọt.
Theo chị Huyền, nếu hấp cua còn sống, gặp nước nóng sẽ rụng chân nên trước khi hấp nên dội qua nước đá hoặc dùng tăm nhọn cắm vào tim cua rồi mới xếp vào nồi. Cua đá rửa sạch, để nguyên con hấp bia là cách chế biến nhanh nhất mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Ngoài hấp bia, còn có thể chế biến các món khác như cua đá rang muối, hấp sả, bún riêu cua đá.
Hoa Ưu Đàm, loài hoa theo Kinh Phật nói 3.000 năm mới nở một lần vừa bất ngờ mới được phát hiện tại nhà vườn Phúc...
Nguồn: [Link nguồn]