Cựu kỹ sư lập trình chia sẻ bí quyết bán đất theo kg, biến 20 triệu đồng thành 40 tỷ đồng
Nghỉ việc lập trình ở thành phố, anh Vinh cầm 20 triệu đồng về quê làm vốn khởi nghiệp. Sau 5 năm, đến nay anh Vinh đã tài sản trên 40 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Công Vinh (39 tuổi, ngụ xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang) hiện đang là chủ hệ thống trang trại nuôi trùn quế (giun đất) lớn bậc nhất miền Tây. Anh Vinh cho biết, tổng diện tích trang trại chính và các trang trại liên kết mà anh đang vận hành rộng trên 100ha, cơ sở vật chất có giá trị trên 40 tỷ đồng.
Anh Vinh chia sẻ, trước đây anh là kỹ sư phần mềm cho một doanh nghiệp nước ngoài, có mức lương nghìn đô. Dù vậy, sau nhiều năm anh vẫn thấy mình không thích nghi được cuộc sống đô thị, cũng không tích cóp được gì nên dần “nhạt” tình yêu với nghề.
Khu chuẩn bị thức ăn cho trùn sử dụng hàng chục lao động.
“Ở thành phố hơn chục năm nhưng tôi vẫn thấy muốn sống ở quê, muốn làm nông nghiệp. Vì thế nên 6 năm trước tôi quyết định nghỉ việc, về quê nuôi trùn quế.
Lúc nói ra ý định, cả gia đình phản đối, làng xóm cũng không ai tin, ai cũng nghĩ tôi bị đuổi việc. Lúc đó tôi cũng chỉ có 20 triệu đồng trong túi nhưng vẫn quyết tâm làm”, anh Vinh kể.
Với số vốn ít ỏi, anh Vinh chỉ xây được một ô chuồng rộng 10m2. Ngày ngày anh đi nhặt phân bò, thu gom rau củ thải loại ở chợ về làm thức ăn cho trùn. Anh Vinh nói rằng “may trùn chỉ ăn rác nên nuôi không tốn kém, chỉ tốn chút công”.
Anh Vinh khởi nghiệp nuôi trùn quế từ 20 triệu đồng.
Cứ sau một tháng anh Vinh lại có một lứa trùn để bán. “Thu về 10 đồng thì hơn 9 đồng là tiền lãi. Mình lấy tiền lãi mở rộng quy mô rất nhanh”, anh Vinh nói.
Khuất trong vườn dừa, anh Vinh cứ âm thầm làm, diện tích ô chuồng cứ mở rộng dần. Anh cũng lên mạng học hỏi kỹ thuật rồi tự đúc rút được mô hình nuôi hiệu quả của riêng mình.
"Mình thấy các mô hình đều lót bạt hoặc đổ bê tông, mình cũng thử nhưng không ổn. Sau này mình lót chuồng bằng cát, duy trì độ ẩm rất tốt, trùn lớn nhanh, hiệu quả gấp mấy lần”, anh Vinh chia sẻ.
Sau vài năm, anh Vinh đã thành lập công ty, mở rộng điện tích trại nuôi.
Chỉ sau vài năm, từ 10m2 ban đầu, chuồng trại đã mở rộng đến hơn 3ha, anh thành lập công ty, chuyên môn hóa quy trình sản xuất. Anh cũng chế biến sâu phân trùn thành nhiều sản phẩm để đa dạng khách hàng.
Phân trùn được chế biến thành nhiều loại phân hữu cơ. Trùn được chế biến thành nhiều loại thức ăn cho gia cầm, tôm cá.
"Trùn ăn rác, ăn rau củ phế phẩm, ăn phân bò nên trang trại của mình góp phần làm sạch môi trường trong vùng. Hiện nay, để đủ phân bò cho trùn ăn, mình có hẳn một đội chuyên đi khắp tỉnh và các tỉnh lân cận để thu mua”, anh Vinh cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa ngày càng lớn, anh liên kết sản xuất cùng các hộ dân trong vùng. Công ty của anh cung cấp vốn, vật tư, con giống, bao tiêu sản phẩm. Bà con nông dân chỉ cần chuẩn bị mặt bằng và chịu trách nhiệm chăm sóc chuồng trại. Cứ 100m2 chuồng nuôi, hộ liên kết được anh chi trả 3 triệu đồng mỗi tháng, không phải chịu bất kỳ rủi ro nào.
Ô nuôi trùn là những bể đất khổng lồ.
Công việc nuôi trùn cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng, mỗi tuần người nuôi chỉ cần pha loãng phân bò tưới cho trùn ăn một lần, vì vậy ai cũng có thể làm được. Riêng trang trại chính anh Vinh đang sử dụng hơn 100 lao động chủ yếu ngoài 60 tuổi với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng.
"Hiện mỗi tháng mình xuất bán hơn 1000 tấn phân trùn và 3 tấn trùn thịt, doanh thu trên 4 tỷ đồng", anh Vinh chia sẻ.
Nhận thấy mô hình nuôi trùn của anh Vinh hiệu quả, không chỉ nông dân trong vùng, một số đồng nghiệp cũ của anh cũng đã đến trang trại “học nghề” để khởi nghiệp. Anh Phạm Thanh Chung quê Nghệ An từng làm cùng anh Vinh ở công ty phần mềm thì nay đang là nhân viên ở trại trùn quế.
Anh Chung chia sẻ: "Làm nông nghiệp vừa trong lành, vừa không áp lực. Nông nghiệp cũng là đam mê từ bé của mình. Sau khi học xong kỹ thuật mình sẽ về quê mở trang trại, ở quê chưa ai nuôi trùn cả”.
Lãnh đạo xã Thân Cửu Nghĩa cho biết mô hình nuôi trùn của anh Vinh là điển hình làm kinh tế ở địa phương. Mấy năm qua, trang trại đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, cũng góp phần làm sạch môi trường sống. Hiện xã Thân Cửu Nghĩa đang thúc đẩy, khuyến khích các hộ khác liên kết sản xuất trùn quế cùng anh Vinh để phát triển kinh tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỗi năm, loại cá này chỉ xuất hiện khoảng 2 tháng trong năm, nó chỉ to hơn đầu đũa một chút nhưng giá bán luôn cao vẫn “cháy” hàng.