Chuyện về nghệ nhân thầm lặng cuối cùng của “phố mộc” Tô Tịch
Giữa lòng phố Cổ, người ta thấy một căn nhà chừng 10m2 nằm lọt thỏm bên những cửa tiệm cao tầng lấp lánh. Không ghi biển hiệu, không bày biện trang hoàng nhưng tiếng đục đẽo nghe vừa lạ lùng, vừa vui tai cũng đủ khiến người ta ngoái đầu nhìn lại… Đó là căn nhà của ông Thắng, căn nhà đã ba đời thơm nồng mùi gỗ và đến nay là địa chỉ làm mộc thủ công cuối cùng ở phố cổ Hà Nội.
Nằm lọt trong khu phố cổ Hà Nội, Tô Tịch nối giữa phố Hàng Quạt và phố Hàng Gia. Theo sử cũ, Tô Tịch là thôn thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc vẫn gọi là ngõ Tố Tịch (Ruelle de Tố Tịch). Phố mới được mở rộng khoảng sau năm 1920.
Thời đó, nửa phố Tô Tịch phía Hàng Gai dãy số lẻ, là gia đình những người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) đã mang nghề tiện gỗ, khắc gỗ ra đây lập nghiệp. Trải qua gần 60 năm thăng trầm, phố Tô Tịch ngày nay ngập tràn biển hiệu, đèn điện lấp lánh từ những khách sạn cao tầng. Nghề tiện thủ công gần như biến mất, chỉ còn lại duy nhất một địa chỉ của gia đình ông Nguyễn Đình Thắng.
Ông Nguyễn Đình Thắng (SN 1967) là con trai cả trong gia đình có ba đời truyền thống làm nghề tiện thủ công. Năm 1988, ông Thắng đi bộ đội về và bắt đầu học nghề từ cha mình, sau 2 năm ông trở thành một người thợ tiện thạo việc. Trải qua nhiều thăng trầm của con phố Tô Tịch, đến nay, ông thắng là người duy nhất còn lại vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống như đúng “hơi thở” của phố cổ Hà Nội những năm 1960.
Cửa hàng của ông Thắng chỉ rộng khoảng 10m2, không biển hiệu, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, cửa kính sáng choang nhưng vẫn khiến người qua đường chú ý bởi người ta thấy đâu đó một nét rất riêng của Hà Nội.
Theo ông Thắng, trước đây, gia đình ông và hầu hết người dân sinh sống ở phố Tô Tịch đều là người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội). Cụ Lê Đình Trai là một thợ tiện lành nghề đã mang nghề tiện từ Nhị Khê ra lập nghiệp tại phố Tô Tịch, lâu dần cả con phố nhà nào cũng thơm mùi gỗ và rộn ràng tiếng đục đẽo. Người dân thường gọi phố Tô Tịch là “phố mộc”.
Ông Thắng được sinh ra trong gia đình có bảy anh em, có truyền thống 3 đời làm nghề mộc. Từ nhỏ, ông được lớn lên giữa lòng phố cổ và tận hưởng trọn vẹn cái “mùi” mộc mạc của Hà Nội xưa cùng tiếng gõ, đục lách cách quanh năm. Nhà đông con là vậy nhưng bây giờ, chỉ còn mình ông Thắng theo nghề truyền thống của gia đình.
Nghề tiện đòi hỏi người thợ đức tính kiên trì, đặc biệt phải có bàn tay tài hoa, khéo léo bởi đường tiện đi chính xác từng li mới tạo ra những chạm khắc đạt chuẩn.
Để tạo ra một sản phẩm tiện gỗ, người thợ phải khéo léo, tính toán trong từng công đoạn. Tùy vào độ khó của sản phẩm mà cần thời gian chế tác tương ứng. Gỗ trước khi đưa vào gia công được sơ chế, làm tròn các góc cạnh sau đó để khô vừa đủ rồi mới bắt đầu công đoạn chế tác.
Các sản phẩm truyền thống tại cửa tiệm nhà ông Thắng chủ yếu là đồ thờ cúng như: Cây cắm nến; đĩa đựng hoa quả, mâm hứng tàn hương, tràng hạt, ống hương… Ngoài ra còn có các sản phẩm đồ gia dụng như: ấm chén, gạt tàn, khay để bát đĩa, hộp bút, đồng hồ quả lắc…
Các sản phẩm được làm 100% thủ công nên đường nét đẹp đến từng chi tiết, chất lượng hơn hẳn những sản phẩm được tạo ra bằng máy móc. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi và hiện đại hóa của máy móc đã làm cho nghề tiện ở Tô Tịch không còn giữ được thời hoàng kim như trước.
"Sự mai một của nghề tiện ở Tô Tịch bất đác dĩ biến tôi trở thành người làm mộc độc tôn ở con phố này. Đôi khi tôi không biết mình nên vui hay nên buồn với điều đó vì chỉ có mình tôi thì không cần tranh giành khách với ai nhưng cũng chỉ có mình tôi thì không ai đồng hành và chia sẻ công việc những lúc cần" – Ông Thắng ngậm mùi chia sẻ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm gia dụng không còn đơn thuần được chế tác từ những nguyên liệu truyền thống mà được đa dạng hóa hơn. Người tiêu dùng từ đó có thêm nhiều lựa chọn mới. Không chỉ là câu chuyên duy trì nghề truyền thống mà giờ đây ông Thắng cũng phải đối mặt với nhiều thử thách đặc biệt là cách để ổn định thu nhập cho gia đình.
30 năm theo nghề, gìn giữ nghề không chỉ đòi hỏi ở ông Thắng sự công phu, tỉ mỉ mà còn hỏi cả một tinh thần vững vàng và ý chí thép. Có lẽ, do đã từng là một người lính được rèn dũa trong môi trường quân đội, ông Thắng đã mang tinh thần đó để giữ lấy nghề, giữ ngọn lửa nghề trong lòng mình luôn rực sáng.
Sau cùng, ông Thắng bảo: “Nghề tiện gắn với cuộc đời tôi như một cái duyên kỳ lạ. Mặc dù tôi cảm nhận được sự mong manh của nghề trước làn sóng phát triển nhưng tôi vẫn quyết giữ nghề truyền thống của gia đình đến hơi thở cuối cùng.”
Nghề này mang đến cho người đàn ông từng làm bồi bàn sự đam mê và rất nhiều tiền.
Nguồn: [Link nguồn]