Chuyện lạ: Nông dân trồng ngô không lấy hạt, thương lái lùng tận ruộng “hốt” cả cây
Nếu như ngô lấy hạt phải mất hơn 4 tháng mới cho thu hoạch thì loại ngô đặc biệt này chỉ cần 3 tháng. Mỗi năm 3-4 vụ, thương lái về tận ruộng thu mua từ gốc đến ngọn với giá cao.
Trồng ngô sinh khối (ngô lấy cây) là một khái niệm mới xuất hiện ở một số địa phương trên cả nước, nơi ngành chăn nuôi bò phát triển. Ngô sinh khối là khi cây ngô cho bắp thì được cắt tận gốc, băm nhỏ và đem ủ ướp. Đây là nguồn cung cấp thức ăn thô xanh rất tốt cho bò.
Hàng nghìn tấn ngô cây sau khi thu hoạch, băm nhỏ được đem ủ ướp dưới những hố chôn để làm thức ăn cho bò. Ngô ủ ướp là loại thức ăn có thể dùng quanh năm, thêm vào đó, nhờ đã được lên men từ trước nên rất thích hợp với hệ tiêu hóa của bò.
Khi cây ngô cho bắp được thương lái về tận ruộng mua hết cả cây.
Trồng ngô sinh khối trên diện tích đất 1.500m2 tại bãi bồi sông Lam, anh Nguyễn Mai Tú, trú tại xã Tam Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) cho biết trước đây gia đình mình trồng ngô lấy hạt hoặc các loại đậu, lạc nhưng 3 năm trở lại đây chỉ trồng ngô sinh khối.
“Nhiều nơi họ trồng mỗi năm 4 vụ nhưng nhà tôi chỉ trồng được khoảng 3 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 6 tấn, với giá bán từ 800-900.000 đồng/tấn thì mỗi năm thu về được khoảng 15-16 triệu. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, nhân công thì lợi nhuận cao hơn một chút so với trồng ngô lấy hạt nhưng nhàn hơn”, anh Tú cho biết.
Mới trồng ngô sinh khối được hơn 3 năm nhưng đối với gia đình anh Trần Văn Minh, trú tại thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) thì đây là loại cây mang về thu nhập chính bởi chỉ với 1ha ngô sinh khối, mỗi vụ nhà anh thu về hơn 30 triệu đồng mà “khỏe người”.
“Ngô này quê tôi gọi là ngô bò sữa bởi được các trang trại chăn nuôi bò sữa thu mua làm thức ăn cho bò. Bà con chỉ việc làm đất, gieo hạt mà không phải chăm bón, làm cỏ hay thu hoạch vất vả như ngô lấy hạt”, anh Minh nói.
Người dân “khỏe người” bởi không mất nhiều công sức vận chuyển hay phơi phóng.
Cụ thể, theo anh Minh, nếu như trồng ngô lấy hạt, bà con phải mất hơn 4 tháng chăm sóc cẩn thận để cây ngô cho hạt đạt năng suất cao. Không những thế, khi ngô già phải mất thêm công sức thu hoạch về bóc vỏ, tách hạt, phơi khô rồi mang bán.
Trong khi đó ngô sinh khối lấy cây chỉ mất chừng 3 tháng, khi cây ngô cho bắp là thương lái đi ô tô đến tận ruộng thu mua cả thân và lá khiến chi phí và công sức giảm đáng kể.
“Trung bình 1ha trồng ngô sinh khối nhà tôi thu hoạch được khoảng trên 40 tấn, trừ các chi phí thu về được khoảng 30 triệu đồng/vụ. Nếu thời tiết thuận lợi, không bị ngập lụt, mưa bão và thối rễ thì có thể trồng 3 vụ, vừa tận dụng được đất phù sa bãi bồi, mang lại lợi nhuận cao hơn ngô lấy hạt vừa khỏe người”, anh Minh chia sẻ.
Trồng ngô sinh khối đang trở thành hướng đi mới cho bà con nông dân huyện Anh Sơn - Ảnh: Cảnh Thắng.
Nhận thấy lợi nhuận cao từ ngô sinh khối, nhiều bà con nông dân trong xã cũng đang triển khai trồng nhưng diện tích chưa nhiều bởi đường sá, giao thông ra tận ruộng chưa hoàn thiện.
“Một số ruộng chưa có đường bê tông vào tận nơi, nếu mưa gió xe ô tô thu mua của thương lái không ra được nên họ chưa triển khai. Hơn nữa, loại ngô này nhà máy họ mua khi hạt ngô đang ngậm sữa, nếu không bán được thì sẽ bị già, hạt không được năng suất như ngô lấy hạt nên nhiều hộ còn e dè”, anh Minh cho hay.
Theo mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến năm 2025, nước ta sẽ cố gắng nâng tổng đàn trâu lên 2,4 triệu con, bò thịt 6,6 triệu con và khoảng 552 nghìn con bò sữa, chưa kể các loại gia súc ăn cỏ khác như dê, cừu... cũng đang tăng nhanh về tổng đàn.
Đối với thịt bò, đến năm 2025, cố gắng nâng tỉ lệ thịt bò lên 10% tổng sản lượng thịt xẻ cả nước, cùng khoảng 1,8-2 triệu tấn sữa...
Ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000 ha ngô sinh khối mới phục vụ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đại gia súc.
Để đạt được những mục tiêu này, nhu cầu về thức ăn thô xanh phục vụ cho việc nâng tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước đang là vấn đề hết sức cấp thiết bởi mỗi con trâu, bò giai đoạn vỗ béo có thể có nhu cầu thức ăn thô xanh lên tới 40-50 kg/ngày.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm; trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn).
Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên chiếm 10% tổng cơ cấu thịt xẻ vào năm 2020, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000 ha ngô sinh khối (trồng liên tục cả 3 vụ/năm) mới đủ phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh.
Nguồn: [Link nguồn]
Dưới lớp vỏ cứng ngắc là lớp ruột trong như thạch, mềm mịn, ăn giòn sần sật với vị thơm đặc biệt, quả hồng da...