Chốt cả trăm đơn hàng, bán hàng tấn nông sản trong 30 phút nhờ livestream
Ớt chuông, vài thiều, sầu riêng, mận Sơn La,... là những đặc sản nổi tiếng được nhiều người yêu thích. Nay, nhờ livestream bán hàng qua các kênh Facebook, TikTok,... chỉ trong 30 phút nhiều nhà vườn đã chốt hàng trăm đơn hàng với hàng tấn trái cây, nông sản.
Thời gian gần đây, nhờ ứng dụng các công cụ bán hàng từ mạng xã hội đã khiến nhiều nhà vườn đạt doanh thu “khủng” với hàng trăm đơn hàng chỉ trong thời gian ngắn, điển hình là các đặc sản như sầu riêng, vải thiều Bắc Giang, mận Sơn La...
Nhờ livestream, người dân tại một huyện của tỉnh Sơn La đã chốt hơn 200 đơn hàng sau 30 phút. Cụ thể, chỉ sau 30 phút quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội tại vườn mận hậu chín rộ ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Hợp tác xã Noọng Piêu đã chốt được hơn 200 đơn hàng, bán được hơn 1 tấn mận hậu.
Người dân tỉnh Sơn La đã chốt bán hơn 200 đơn hàng với hàng tấn mận sau 30 phút live stream
Bà Bùi Phương Thanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Noọng Piêu (tỉnh Sơn La), cho hay trước đây HTX vẫn bán mận hậu sỉ, lẻ trực tiếp và qua một số sàn thương mại điện tử, giao mận ngay sau khi thu hoạch. Nay, để tăng niềm tin về chất lượng sản phẩm, HTX đã livestream để giới thiệu sống động hơn về loại trái cây đặc sản Phiêng Khoài này.
Khi tài khoản mạng xã hội TikTok của HTX quay phát trực tiếp hình ảnh vườn mận chín đỏ trong khu vườn hơn 50ha, nhiều khách hàng đã liên hệ đặt mua, có người mua 5 - 10kg, có người mua mấy chục kg mận.
“Không chỉ bán được hàng trong lúc livestream mà sau đó, nhiều khách tiếp tục đặt mua các đơn hàng khác, cả mận hậu tươi và mận hậu sấy khô, tạo được hiệu quả tiêu thụ sản phẩm về lâu dài cho HTX, giá bán tốt hơn” - bà Bùi Phương Thanh thông tin.
Tương tự, nhờ bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, Nguyễn Thị Tường Thảo - một cô gái ở Đà Lạt (Lâm Đồng), đã mang về doanh thu 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Nguyễn Thị Tường Thảo - cô gái ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng thu cả tỷ đồng mỗi tháng nhờ livestream
Nhờ ứng dụng phương pháp bán lẻ trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok, sau chưa đầy 2 tháng, Nguyễn Thị Tường Thảo, nhân viên đóng rau tại Hợp tác xã (HTX) Vườn Nhà Đà Lạt đã xây dựng video với trên 4 triệu lượt xem.
Lần đầu tiên mở tính năng livestream bán hàng, chỉ sau 15 phút, cô gái trẻ đã chốt được gần 1.000 đơn hàng. Chưa hết, video giới thiệu sản phẩm bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem trở thành 1 "hiện tượng mạng". Có ngày cô nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này.
Được biết, sau hơn 4 tháng phát triển hình thức bán hàng qua video trên mạng xã hội, doanh thu Thảo mang về cho HTX Vườn Nhà Đà Lạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Các sản phẩm cô gái trẻ giới thiệu qua video là các loại rau quả độc lạ như: ớt trái cây Sweet Palermo, xuất xứ từ châu Âu, bí sợi mì có nguồn gốc Nhật Bản; cà rốt cầu vồng,... thu hút hàng triệu lượt theo dõi và tương tác. Nhờ đó, Nguyễn Thị Tường Thảo trở thành 1 trong những hiện tượng bán nông sản trên mạng trong thời gian qua.
Cũng là một “ngôi sao” bán hàng online hiệu quả, mới đây, chỉ trong chưa đầy 30 phút livestream, anh Đặng Mạnh Khương – một tiktoker (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã bán được 3 tấn sầu riêng Ri6 tại vườn.
Anh Khương cho hay, triệu lời quảng cáo hay không bằng 1 giây hình ảnh thực tế. Việc giới thiệu, tư vấn thiệt tình dễ thuyết phục khách hàng, nhưng quan trọng hơn nữa là khi giao đến tay khách, chất lượng sản phẩm phải đúng như lời giới thiệu, mới giữ được khách lâu dài.
Ngoài TikTok, anh Khương còn livestream trên Facebook giới thiệu vườn sầu riêng của các hộ trồng, với quy trình kỹ thuật rõ ràng, nguồn gốc minh bạch, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh đã bán được cả trăm tấn sầu riêng, giao đi cả nước. Theo anh, để thu hút đông người theo dõi, anh thường chọn thời điểm khách rảnh rỗi (giờ vàng của TikTok, Facebook) để livestream và làm nội dung càng chân thực càng tốt.
Nhiều nhà vườn tổ chức livestream tại vườn, bán nông sản tươi mang lại doanh thu cao bất ngờ
Nhận xét về khuynh hướng bán hàng online hiệu quả trong thời gian gần đây, ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế đánh giá, ngày càng nhiều HTX, nông dân tiếp cận được công nghệ, tổ chức livestream tại vườn, bán nông sản tươi khá hiệu quả. Họ bán chạy hàng là nhờ người thật, việc thật, thông tin rõ ràng về kỹ thuật trồng, chất lượng sản phẩm, giá cả, khiến người tiêu dùng tin rằng mình mua sản phẩm tận gốc.
Ở góc nhìn khác, tại Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Xu hướng và thị trường bán lẻ" mới đây, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp chia sẻ, gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch cũng không nằm ngoài hướng đi chung.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, ngành nông nghiệp, nông sản Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch vẫn còn yếu. Thông tin thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu nước ngoài.
“Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch được phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, cần phải có những giải pháp căn cơ và sát sườn”, ông Tiến nhấn mạnh.
Nói thêm về điều này, ông Đỗ Văn Việt, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn thương mại điện tử là kênh mua sắm thường xuyên bởi sự tiện ích nhiều mặt.
Hiện, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng 2 con số/năm. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người bán hàng chuyển mạnh sang thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng, nhất là trên các kênh như mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo...
Trong vườn nhà, có loại rau thường mọc dại như cỏ, sức sống mãnh liệt vô cùng, đó chính là rau sam. Đây chính là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.
Nguồn: [Link nguồn]