Choáng ngợp biển người đổ xô về siêu thị, trung tâm thương mại mua sắm Tết
Mới đầu giờ sáng, siêu thị, trung tâm thương mại đã “chặt như nêm” vì lượng khách ùn ùn kéo nhau đi mua sắm Tết.
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân trên địa bàn Hà Nội đã đổ về các siêu thị, trung tâm thương mại như Aeon Maill Hà Đông, Tops Marker Lê Trọng Tấn, Big C Thăng Long… để mua sắm hàng hoá.
"Biển người" mua sắm Tết tại Trung tâm thương mại.
Chị Lương Thuỳ Mai, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, ngày hôm nay vợ chồng chị và 2 con mới được nghỉ Tết nên đi mua sắm từ sáng sớm để chuẩn bị mai về quê. Tuy nhiên, siêu thị vẫn đông “nghẹt thở”.
Càng về trưa, lượng người đến mua sắm càng đông đúc.
“Tôi tưởng trưa hoặc tối mới đông, vậy mà mới 10 giờ sáng, tất cả các quầy thu ngân đều chật kín, phải chờ hơn 30 phút mới được thanh toán, một số lối đi chính phải nhích từng chút một”, chị Mai nói.
Các lối đi chật ních người qua lại kèm xe đẩy hàng hoá.
Theo chị Mai, sở dĩ mình lựa chọn đi siêu thị mua sắm Tết là vì hàng hoá rất đa dạng. Sau khi lên danh sách những thứ cần mua ở nhà vào giấy, đến siêu thị cái gì cũng có. Ngoài ra, giá cả ở siêu thị không bị tăng vọt như một số cửa hàng tạp hoá nhỏ, lẻ.
Các quầy hàng hoa quả tươi thu hút lượng khách lớn.
Khoe hoá đơn mua hàng Tết dài cả sải tay với tổng chi phí 2,8 triệu đồng, anh Nguyễn Trung Hiếu, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đây là “thành quả” sau gần 2 giờ đồng hồ mua sắm.
Khu vực chờ cân hàng.
“Biết là siêu thị mấy ngày này sẽ đông nhưng không nghĩ là sáng sớm đã đông như vậy rồi. Sợ nhất là quầy cân đo bánh kẹo, trái cây và lúc thanh toán. Chưa kể lúc di chuyển, mỗi người một chiếc xe đẩy, nhích mãi mới đến chỗ mình cần mua”, anh Hiếu nói.
Quầy rau, củ, quả cũng đông không kém.
Theo anh Hiếu, đông khách nhất phải kể đến các quầy hàng bánh, kẹo, trái cây nhập khẩu, bia, rượu và nước giải khát.
Quầy bánh kẹo Tết.
“Tôi có thói quen mua sắm gì cứ mua ở Hà Nội rồi mang về quê vì các loại bánh kẹo ở đây cũng đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hơn một số cửa hàng nhỏ lẻ. Ngay cả mua rượu, bia, giỏ quà tôi cũng mua ở đây cho nhanh, về quê là chỉ nhậu thôi”, anh Hiếu cười tươi nói.
Thang máy đông như "trẩy hội".
Lối đi từ khu vực gửi xe vào trung tâm mua sắm cũng đông kín khách.
Hầu hết các lối đi đều chật ních người qua lại.
Khu vực thanh toán xếp hàng dài và phải chờ từ 20-30 phút mới đến lượt.
Giá cả ổn định, thậm chí còn có nhiều khuyến mãi hấp dẫn nên nhiều người lựa chọn kênh siêu thị để mua sắm dịp Tết.
Đại diện Sài Gòn Co.op Hà Nội cho biết, siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng cụ thể với lượng dự trữ hàng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chủ lực kinh doanh trong giai đoạn cao điểm Tết này là bánh kẹo, trái cây, bia, nước giải khát, mì, trà… với tổng giá trị gần 70 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm ngoái.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C &GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc cho biết, để chuẩn bị cho Tết, đơn vị đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ Quý II/2022 và dự trữ hàng từ đầu tháng 10 năm 2022, với nguồn hàng dồi dào, tổng giá trị hàng đạt 351 tỷ đồng, tăng gần 22% so với Tết năm 2022.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho biết ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2022.
Cách đây 3 năm, từng có người ngỏ ý muốn mua bộ bàn ghế này với giá hơn 1 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán.
Nguồn: [Link nguồn]