Choáng ngợp "biển người" chen chân ở siêu thị sắm Tết, chờ mỏi chân chưa được thanh toán
Hàng nghìn người đổ xô về các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội để mua sắm Tết những ngày cuối năm.
Chỉ vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, người dân ùn ùn đổ về để mua sắm Tết khiến không khí trở nên đông đúc, nhộn nhịp chưa từng có trong một năm.
Hàng nghìn người đổ về siêu thị và trung tâm thương mại mua sắm Tết.
Tận dụng thời gian nghỉ trưa, chị Bùi Thị Thơm, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đến trung tâm thương mại trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) để sắm Tết. Tuy nhiên, phải chờ hơn 30 phút chị Thơm mới được thanh toán.
Hệ thống thang cuốn đi lên hầu như không còn chỗ trống.
“Hôm cuối tuần, vợ chồng tôi định đi nhưng sợ đông nên tôi bảo để hôm sau đi mua. Ai ngờ hôm nay còn đông hơn”, chị Thơm nói.
Quầy bánh kẹo với đa dạng chủng loại được bày bán cũng đông nghịt khách.
Theo chị Thơm, sở dĩ chị chọn đi mua sắm tại trung tâm thương mại vì hàng hoá đa dạng, cái gì cũng có, giá cũng rất hợp lý.
“Ví dụ dưa hấu ở bên ngoài từ 25-30 nghìn đồng/kg nhưng ở đây dưa hấu không hạt chỉ 23,7 nghìn đồng, dưa hấu ruột đỏ chỉ 11,7 nghìn đồng. Các loại táo nhập khẩu giá cũng chỉ từ 39 nghìn đồng/kg. Thậm chí hộp bánh tôi mua bên ngoài 48 nghìn đồng nhưng ở đây chỉ 42 nghìn đồng”, chị Thơm phân tích.
Lối đi lại giữa các quầy hàng hầu như không còn chỗ trống.
Ngoài các loại bánh kẹo, trái cây thì các loại rau củ quả cũng không tăng giá đột ngột như ngoài chợ. Vì vậy, chị Thơm lựa chọn đi trung tâm thương mại mua rồi về quê luôn vào ngày 28 tháng Chạp.
Dưa hấu có giá chỉ từ 11,7 nghìn đồng/kg.
“Ở đây lúc nào cũng đông nghịt, người đã đông rồi mỗi người một chiếc xe chở đầy hàng hoá, chen chúc nhau nhích từng chút một mà cảm giác như sắp nghẹt thở. Tôi lựa hơn một tiếng mới sắm đủ nhưng chờ nửa tiếng, mỏi cả chân vẫn chưa được thanh toán vì ai cũng mua nhiều, một người thanh toán phải mất tầm 5-10 phút mà tôi đứng xếp hàng sau gần chục người”, chị Thơm nói.
Việc di chuyển giữa các gian hàng tương đối khó khăn do quá đông người.
Việc di chuyển qua lại giữa các gian hàng hết sức khó khăn vì đông người và mỗi người đều có một chiếc xe đẩy hàng.
Cùng đứng xếp hàng chờ thanh toán, anh Hiếu, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, hôm chủ nhật cả nhà anh 5 người kéo nhau đi siêu thị để mua đồ nhưng đến cửa đã vội quay về luôn.
Quầy cân đồ bị quây kín.
“Hôm chủ nhật, vợ chồng tôi dẫn cả bà ngoại và hai đứa con đi siêu thị sắm đồ cho vui nhưng đông quá, vào được một lúc mẹ tôi bảo chóng mặt, khó thở nên phải ra về vội. Hôm nay có hai vợ chồng tôi đi thôi nhưng còn đông hơn hôm qua. Ai cũng chất đầy cả xe nên chờ thanh toán lâu lắm”, anh Hiếu nói.
Hàng dài người xếp hàng chờ thanh toán.
Theo quan sát của PV, hàng chục quầy thu ngân của siêu thị hoạt động liên tục với hàng trăm người đứng xếp hàng dài chờ thanh toán. Hệ thống âm thanh của siêu thị liên tục ra thông báo nhắc nhở siêu thị đang quá tải, hết xe chở hàng ở tầng 2 nên yêu cầu khách hàng lấy xe chở hàng ngay sảnh tầng 1.
Để được thanh toán, mỗi người phải chờ khoảng 30 phút.
Trao đổi với PV, ông Vũ Thanh Tân, đại diện truyền thông của Central Retail Việt Nam cho biết, nhằm tạo điều kiện để khách hàng mua sắm thuận tiện nhất, hệ thống siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm tới tận trưa ngày 30 Tết và đóng cửa duy nhất ngày mùng 1 Tết nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Ai cũng chất đầy hàng hoá trên các xe chở hàng.
“Bất chấp những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Central Retail dự báo sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng, do đó công ty đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tân cho hay.
Khung cảnh nhộn nhịp, đông đúc, tràn ngập không khí Tết.
Ông Tân cũng nhận định, trong những ngày gần đây, lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm tăng mạnh và tăng trên 100% so với những ngày bình thường.
Các quầy thu ngân hoạt động hết công suất.
Vì vậy, hệ thống phải tăng cường thêm nhân sự làm việc bán thời gian, tăng thêm thời gian phục vụ của siêu thị. Những ngày trước Tết, sẽ mở cửa siêu thị từ 7:00 - 23:00; Ngày 30 Tết mở cửa tới 12h, hoặc 14h (tùy nơi). Nghỉ ngày mùng 1 Tết.
Những ngày cận Tết, các siêu thị, trung tâm thương mại luôn trong tình trạng "quá tải" từ sáng đến tối muộn.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hàng hoá Tết sẽ được phục vụ tại 29 trung tâm thương mại, 137 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hoá trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thị trấn.
Ngoài ra, hàng hoá Tết còn được bán và phân phối ở 159 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thị nông lâm sản an toàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm thuỷ sản của 43 tỉnh, thành phố, 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Nguồn: [Link nguồn]
Với giá chỉ từ 50-120 nghìn đồng/cành, cành hoa đào mini được nhiều người tìm mua dịp gần Tết.