Cho cá lồng ăn thêm cây mắm tôm, bắt toàn con to, kiếm thêm tiền tỷ

Sự kiện: Kinh Doanh

Chọn sông Kinh Thầy làm nơi khởi nghiệp với nghề nuôi cá lồng, ông Trần Đình ở phường Tân Dân, TP Chí Linh, (Hải Dương) đã gây dựng được trang trại nuôi cá quy mô lớn, thu lãi tiền tỷ mỗi năm. Đặc biệt, tỷ phú Trần Đình có bí quyết giúp cá lồng khỏe, mau lớn là cho cá ăn thêm cây mắm tôm.

Đem tiền tỷ "đổ" ra sông

Từng tham gia quân ngũ và có thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, tính bền bỉ, kiên cường đã hun đúc giúp anh Trần Đình mạnh mẽ hơn mỗi khi quyết định dấn thân với thử thách mới trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Trước khi trở thành tỷ phú nuôi cá lồng, anh Đình từng làm đủ việc, đi khắp nơi để kiếm sống. Nhưng cuối cùng, dòng sông Kinh Thầy ở quê hương đã đánh thức khát vọng làm giàu với những ý tưởng và quyết định đầu tư táo bạo trong nghề nuôi cá lồng.

Khu nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy của gia đình anh Trần Đình nhìn từ Flycam. Ảnh: Nguyễn Chương.

Khu nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy của gia đình anh Trần Đình nhìn từ Flycam. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Cơ duyên" đưa anh Đình đến với nghề thủy sản đó là trong một lần nghe chuyện một người bạn phàn nàn nói về cước phí cao khi vận chuyển cá diêu hồng từ Nam ra Bắc bán. "Lúc đó khoảng cuối năm 2008, khi biết chuyện đó, tôi nghĩ trong đầu sao mình không mang loài cá này ra Bắc nuôi, chưa biết lãi lỗ thế nào nhưng chỉ cần lời 22.000 đồng/kg cước phí của bạn là mình đã thành công", anh Đình kể.

Nghĩ là làm, đầu năm 2009, anh Đình bắt đầu tìm hiểu và xin địa phương cho đấu thầu mặt nước ven sông Kinh Thầy để nuôi cá thử nghiệm ngay. "Lúc đầu bỏ tiền tỷ ra sông nuôi cá, nhiều người cũng can ngăn bảo "đổ" tiền xuống nước khác gì mang muối bỏ biển, dễ thất bại nhưng tôi vẫn quyết làm", anh Đình nhớ lại.

“Đoạn sông Kinh Thầy đoạn chảy qua Tân Dân có mặt nước rộng và thoáng, nguồn nước sạch và thủy triều lên xuống đều đặn, là điều kiện lý tưởng nuôi cá lồng. Người dân quen nuôi nhỏ lẻ, chưa ai nghĩ đến mô hình nuôi cá chuyên nghiệp để làm giàu nên mình bắt tay làm”, anh Đình cho hay.

Anh Trần Đình kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá trắm đen nuôi lồng trên sông Kinh Thầy. Anh Trần Đình cho biết, khu lồng cá nhà anh có những con cá to từ hơn 10kg đến 30kg...Ảnh: Nguyễn Chương.

Anh Trần Đình kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá trắm đen nuôi lồng trên sông Kinh Thầy. Anh Trần Đình cho biết, khu lồng cá nhà anh có những con cá to từ hơn 10kg đến 30kg...Ảnh: Nguyễn Chương.

Anh Đình kể, những ngày đầu do thiếu vốn, kinh nghiệm chưa có nên gặp rất nhiều khó khăn. Năm đầu tiên thử nghiệm thả nuôi 20 lồng, do thiếu kinh nghiệm nuôi, quản lý nên cá bị chết và hao hụt thiệt hại nhiều. Từ các năm sau, nhờ học hỏi kinh nghiệm, biết cách sử dụng thuốc phòng trị bệnh, chăm sóc nên cá ít hao hụt và lớn nhanh hơn.

Vừa nuôi cá, anh Đình vừa học nghề, anh vạch ra lộ trình và tìm mọi cách học hỏi kỹ thuật nuôi cá từ khắp nơi. Bài học nuôi cá đầu tiên là kinh nghiệm người dân địa phương đã nuôi theo cách truyền thống, cao hơn các diễn đàn chia sẻ kiến thức trên mạng internet. 

Sau nhiều lần thất bại, năm 2011 anh Đình đã bắt đầu gặt hái được thành công và thu lãi tiền tỷ đều qua các năm. Khởi nghiệp với 20 lồng cá ban đầu, tiền lãi từ mỗi vụ cá được tái đầu tư nhân rộng các lồng nuôi và bổ sung các giống cá mới có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trang trại nuôi cá lồng của gia đình anh Đình đã phát triển lên tới 60 lồng cá với tổng trị giá tài sản gần 20 tỉ đồng. 

Bí quyết nuôi cá khỏe

Hiện, trang trại của anh nuôi nhiều cá thương phẩm như cá điêu hồng, trắm đen, lăng, hô,… Kinh nghiệm của anh Trần Đình khi thu hoạch cá cũng khác người. Thường bà con nuôi cá lồng thu hoạch vào các tháng trước bão lũ như kiểu bán chạy lũ thì anh Đình lại thong dong mặc kệ, chờ mọi người bán hết anh mới xuất lồng theo kiểu nhỏ giọt, chứ không bán ồ ạt.

Anh Trần Đình và lao động tại bè cá luôn vệ sinh lưới, chuồng nuôi cá lồng, nhất là trong mùa mưa lũ, đảm bảo đàn cá phát triển tốt, khỏe mạnh...Ảnh: Nguyễn Chương.

Anh Trần Đình và lao động tại bè cá luôn vệ sinh lưới, chuồng nuôi cá lồng, nhất là trong mùa mưa lũ, đảm bảo đàn cá phát triển tốt, khỏe mạnh...Ảnh: Nguyễn Chương.

"Làm gì cũng vậy, chăn nuôi con nào cũng thế, phải có cách làm riêng, khác người thì may ra mới cạnh tranh được, chứ cứ làm ăn theo phong trào thì dễ bị ép giá và thất bại lắm", anh Đình giải thích.

Minh chứng rõ nhất là hiện toàn bộ 60 lồng cá đều đã đến tuổi bán, lái buôn ngày nào cũng gọi thúc giục nhưng vị chủ trang trại này vẫn làm ngơ. Anh Đình bảo: Dịp này mọi người cứ đua nhau bán đổ, bán tháo đi không khéo còn lỗ nặng chứ đừng nói đến chuyện lãi. Như cá của tôi đây, có con nặng hàng chục kg đến 30kg cũng cứ kệ, ai mua giá cao mới bán không cứ để ở lồng chăm chơi thôi.

Dù mùa lũ trên sông Kinh Thầy cũng dữ dội, nước chảy cuồn cuộn nhưng anh Đình cũng không sợ. Bởi các lồng cá đã được anh thiết kế rất chắc chắn. Bốn đầu lồng được anh buộc 4 bao cát to, xung quanh lồng anh siết phao thùng phi cứ nước chảy đi đâu lồng đi bơi theo tới đó, nâng dân thì lồng dân, cá vẫn cứ khỏe, bơi ầm ầm.

Để nuôi cá lồng hiệu quả, anh Đình cho biết: Cá nuôi ao đất và cá nuôi lồng có nhiều điểm khác nhau. Trong giai đoạn chuyển cá giống từ ao đất ra ương, nuôi ở lồng bè có sự khác nhau rất lớn về điều kiện môi trường nên cá dễ chết và tỷ lệ hao hụt thường cao. Bên cạnh đó, cần phải vệ sinh lồng bè thường xuyên, phòng bệnh cho cá định kỳ, kiểm tra lồng lưới tránh thất thoát cá.

Điêu hồng là 1 trong nhiều loài cá ngon được gia đình anh Trần Đình cơ cấu nuôi lồng trên sông Kinh Thầy. Ảnh: Nguyễn Chương.

Điêu hồng là 1 trong nhiều loài cá ngon được gia đình anh Trần Đình cơ cấu nuôi lồng trên sông Kinh Thầy. Ảnh: Nguyễn Chương.

Sau nhiều năm nuôi cá, mới đây anh Đình đã được địa phương định hướng và hỗ trợ chuyển hướng sang nuôi cá VietGAP, nói không với kháng sinh. Hàng ngày bên cạnh việc cho cá ăn bằng thức ăn sạch, anh Đình còn thường xuyên vệ sinh các lồng, tắm cá mỗi khi có nước lũ tràn về.

"Nhiều người nghe bảo cá dưới nước sao phải tắm nhưng đó là việc làm cần thiết. Bởi hiện nay nguồn nước sông đang thay đổi từng ngày, nghiêm trong hơn là mùa lũ về mang theo nhiều vi khuẩn có thể gây nguy hiểm cho đàn cá nên chúng tôi thường dùng một loại chế phẩm sinh học té xuống ao tắm cho cá tại các lồng. Bên cạnh đó, tôi còn dùng tỏi giã nát ngâm, ủ chua bỏ xuống cho cá ăn định kỳ nhằm phòng, kháng lại các bệnh, dịch nguy hiểm", ông Đình chia sẻ.

Bên cạnh đó, anh Đình còn cho công nhân đi lượm hái lá, ngọn cây phân xanh (hay còn gọi là cây mắm tôm) mọc ở các triền đê đưa về giã nát lấy nước trộn với thức ăn khô đổ xuống cho cá ăn thường xuyên để phòng bệnh. Nhờ có phương pháp nuôi độc đáo, sản phẩm cá của anh Đình luôn đảm bảo chất lượng, thơm ngon nên được các nhà hàng lớn khắp trong tỉnh và Hà Nội đặt mua đều đặn với giá cao.

Gương làm giàu của anh Đình nổi tiếng khắp tỉnh Hải Dương. Mỗi năm, trang trại của anh đón rất nhiều đoàn khách đến học tập kinh nghiệm và sinh viên mới ra trường về thực tập. Có thể nói, mô hình nuôi cá lồng của anh giờ đây đã đứng nhất, nhì huyện về năng suất và lợi nhuận kinh tế.

Nhờ có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất nông nghiệp, anh Trần Đình đã được xã, huyện, tỉnh tặng nhiều giấy khen và Bằng khen. Anh Trần Đình là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được Hội đồng chung khảo bình chọn 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.

Lương 8 triệu không đủ sống, chàng trai về nuôi con ”sặc sỡ” kiếm tiền gấp nhiều lần

Chàng trai trẻ tuổi bỏ công việc lương thấp và phát hiện ra bí quyết kiếm tiền nhờ con cá mua về làm cảnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Chương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN