Chiêm ngưỡng “gia tài” của chàng trai 19 tuổi xứ Nghệ với hàng trăm tổ ong “khổng lồ”
Nhìn khu vườn rộng hàng nghìn m2 treo la liệt hàng trăm tổ ong vò vẽ to bằng chiếc nón hay cái thùng gánh nước hầu như ai cũng phải trầm trồ. Đặc biệt hơn, đây chính là “gia tài” của của một chàng trai mới 19 tuổi.
Đến xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), hỏi về người nuôi ong vò vẽ lấy thịt với số lượng nhiều nhất, hầu như không ai là không biết đến anh Hồ Thanh Tịnh, trú tại xóm 1, người sở hữu khoảng 300 tổ ong vò vẽ.
Theo anh Tịnh, ngày bé, không ít lần nghịch ngợm lấy cây chọc phá tổ ong rồi chạy tán loạn khiến anh Tịnh bị đốt “sưng mặt”. Việc săn bắt ong vò vẽ cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu tại địa phương, dùng trong các bữa ăn hàng ngày.
Khắp mọi ngõ ngách trong khu vườn nhà anh Tịnh đều được treo la liệt hàng trăm tổ ong vò vẽ.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, thấy nhiều người đi tìm mua những tổ ong vò vẽ với giá cao để ngâm rượu nên mỗi mùa hè đến, anh lại cùng một số người vào rừng kiếm tổ ong về bán.
Nghĩ đến việc mang ong rừng về nhà nuôi vừa có thể kiếm tiền lại giúp nhiều người tránh được việc vô tình động vào tổ ong và bị đốt nên anh bắt tay vào làm. Để lấy được nhiều ong nhất, anh phải lặn lội lên các khu rừng trong và ngoài xã để bắt những tổ ong mới bắt đầu xây tổ mang về vườn nhà nuôi.
Chỉ vào khu vườn với hàng trăm tổ ong “khổng lồ” màu nâu đất treo lủng lẳng ở khắp vườn, anh Tịnh cho biết, toàn bộ số ong này là ong vò vẽ, được anh đi bắt ở các cánh rừng gần nhà từ khi mới bằng nắm tay hay bát ăn cơm. Những năm trước, anh chỉ nuôi vài chục tổ nhưng năm nay anh nuôi khoảng gần 300 tổ.
Anh bắc cây trên các trụ bê tông để nuôi ong vò vẽ.
Theo anh Tịnh, ong vò vẽ thường xây tổ vào mùa hè, vì vậy, khoảng tháng 4-5, anh cùng một số người bạn đi theo từng nhóm vào rừng tìm kiếm tổ ong. Để cắt ong, thợ ong phải mặc đồ bảo hộ kín mít rồi cắt tổ ong vào bao tải, mang về, buộc cố định trên các cành cây bằng dây thép.
“Để ngăn kiến và các loại côn trùng khác leo vào tổ ong, tôi phải dùng mảnh vải có thấm dầu hỏa, cuốn quanh nhánh cây dẫn ra tổ ong. Đồng thời, để ngăn mưa, nắng ảnh hưởng đến việc xây tổ, người nuôi cũng phải dùng lá cây che chắn phía trên khi tổ còn nhỏ. Điều quan trọng nhất là không được để vỡ tổ khiến ong bay đi mất”, anh Tịnh cho hay.
Thậm chí cây cam trong nhà cũng chi chít những tổ ong khổng lồ.
Anh Tịnh cũng cho rằng, loại ong này nếu không ai động đến tổ của chúng hoặc làm chúng sợ thì sẽ không sao. Việc nuôi ong vò vẽ cũng không tốn kém hay khó khăn gì khi chúng tự đi kiếm thức ăn và tự xây tổ. Chỉ khoảng 1-2 tháng treo trong vườn nhà là có thể thu hoạch.
Dựa vào kích cỡ to hay nhỏ mà mỗi tổ ong cho lượng nhộng nhiều hay ít. Những năm trước, ong thu hoạch đến đâu được thương lái khắp nơi tìm về mua hết đến đó để phục vụ cho các quán nhậu hoặc xuất đi Trung Quốc với giá từ 250-350.000 đồng/kg tùy loại. Trung bình, mỗi tổ ong anh Tịnh thu về được khoảng 300-800 đồng, tùy tổ to hay nhỏ.
Chỉ sau vài tháng mang về nhà nuôi, những tổ ong vò vẽ to bằng nắm tay đã to bằng cái thùng đựng nước.
Hàng trăm tổ ong vằn vè, dữ tợn được nuôi tại nhà.
Mỗi tổ có thể bán được từ 300-800.000 đồng tùy kích cỡ.
Khi còn nhỏ, anh Tịnh lấy lá và các tấm bạt nhỏ che nắng và che mưa phía trên nhưng hiện tại tổ ong đã to hơn cả tấm bạt.
Thậm chí là không cần che đậy gì nhưng ong vẫn tự lớn.
Tổ ong khổng lồ trên cành cây vú sữa.
Theo anh Tịnh, ong vò vẽ là loại ong có nọc độc nhưng sẽ không làm hại ai nếu không đến gần hoặc chạm vào tổ của chúng.
Ong được thương lái thu mua để phục vụ quán nhậu hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Giá nhộng ong dao động ở mức 250-350.000 đồng/kg.
Mỗi tổ ong có thể thu được từ 1-3kg nhộng.
Chàng trai 19 tuổi bày binh bố trận nuôi ong trong vườn.
Toàn bộ số ong này đều được anh tự tay bắt từ rừng về nuôi với số lượng khoảng 300 tổ.
Năm nay, khoảng gần 10 ngày nữa ong của anh mới được thu hoạch nhưng những tổ ong đã to bằng chiếc nồi cơm điện, thậm chí có tổ to bằng chiếc xô nước, hứa hẹn một mùa ong bội thu.
“Tôi chỉ thu hoạch tổ lấy nhộng bán, còn lại ong chúa và ong thợ sẽ lại tiếp tục xây tổ, chuẩn bị cho kỳ nghỉ đông kéo dài 3 tháng và duy trì nòi giống cho mùa sau. Ngoài nuôi ong vò vẽ, tôi còn đang nuôi thêm gần 50 tổ ong mật, xây dựng thêm mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm và lươn đồng để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập”, anh Tịnh cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
“Ước mơ mua nhà mặt đất ở Thủ đô, mua xe ô tô bằng tiền chính tay mình làm ra và tích cóp của vợ chồng em đã thành...