Chỉ trồng cây này bán dịp Tết, nhiều nông dân Bến Tre thành tỷ phú
Cây này được rất nhiều người ưa chuộng trưng bày và trang trí trong dịp Tết. Nhiều gia đình tại Bến Tre có thu nhập cả tỷ đồng từ việc trồng và bán cây này.
Nhắc đến cây mai vàng, không ai không nghĩ đến ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre) – địa điểm nổi tiếng trồng mai vàng ở miền Tây. Tại đây, những vườn mai là trung tâm của vùng trồng hoa Cái Mơn, nơi có lịch sử hàng trăm năm trồng cây kiểng, lâu đời nhất nhì Nam Bộ.
Gia đình ông Trần Văn Thanh – chủ nhiệm Hội quán Mai vàng - bonsai Cái Mơn, trồng khoảng 6.000m2, những ngày thường thì chỉ mình ông chăm sóc. Còn dịp cận Tết, việc nhiều nên ông phải thuê gần chục người đến làm để kịp hàng bán.
Ông cho biết vườn nhà ông hiện tại có hàng trăm gốc mai với rất nhiều giống mai, trong đó một số giống mai đặc sắc như mai cúc – loại mai bông như hoa cúc nở quanh năm; mai đọt trắng hay mai đọt đỏ với màu sắc đặc trưng của lá.
Nhiều gia đình ở ấp Phú Hội có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ bán cây mai.
Mỗi gốc mai trong vườn nhà ông có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi gốc. Ông cho hay gốc mai đẹp nhất vườn của ông đã có người trả hàng trăm triệu đồng nhưng ông chưa bán. Ông chia sẻ dự định của bản thân là tiếp tục chăm sóc cây này trong vài năm để đạt được mức giá khoảng nửa tỷ đồng.
“Phần lớn hộ gia đình trong ấp Phú Hội đều có vườn mai và họ kiếm thu nhập chính từ cây mai. Mỗi hộ trồng diện tích từ 1.000m2 đến gần 10.000m2”, ông cho biết.
Theo ông, những cây mai vàng này đem về thu nhập cho mỗi hộ dân ít nhất 150 triệu đồng/năm. Đa phần các hộ trồng mai có thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm, cũng không ít gia đình thu trên 1 tỷ đồng/năm. Gia đình ông năm ngoái cũng bán cây mai được hơn một tỷ đồng.
Vì mai vàng bán quanh năm nhưng thị trường nhộn nhịp và sôi động nhất vào tháng giáp Tết, người trồng có lãi khoảng phân nửa giá bán. Tuy nhiên, năm nay, ông nhận thấy thị trường tiêu thụ có vẻ châm hơn.
Nhà ông Thanh có hàng trăm gốc mai, giá mỗi gốc từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/gốc.
Cũng trồng khoảng 7.000m2 mai, anh Lê Tấn Đạt cho biết năm ngoái gia đình anh có thu nhập hơn 500 triệu đồng. Năm nay, thị trường mua – bán mai chậm hơn năm ngoái, giá cũng giảm nhưng mỗi ngày vẫn bán được từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng mai ở đây, những cây mai được ươm từ hạt sẽ khỏe cây hơn nhưng khó lưu lại những tính chất tốt của cây bố mẹ. Vì vậy, đa phần mọi người chọn cách ghép phôi của cây mai đẹp vào gốc cây mai con.
Người trồng mai cho biết chỉ cần gốc mai khoảng 1 năm tuổi có thể dùng để ghép phôi. Mỗi gốc mai ghép này sẽ được bán giá 100.000 – 200.000 đồng. Còn cây mai thành phẩm sẽ có giá trị rất cao, lên đến cả tỷ đồng nhưng sẽ cần thời gian chăm sóc và tạo tác từ vài năm đến cả chục năm.
Anh Đạt năm ngoái thu nhập khoảng 500 triệu đồng nhờ vườn mai.
Giá trị mỗi gốc mai kiểng phụ thuộc vào thời gian chăm sóc, độ độc đáo, kỳ công của từng sản phẩm. Khác với hầu hết các loại cây kiểng, cây mai là dòng kiểng đại chúng, nhà nào cũng có nhu cầu, gốc càng già càng có giá.
Ông Trần Hữu Nghị - Phó trưởng Phòng NN&TTNT huyện Chợ Lách, cho biết toàn huyện có hơn 34 nghìn hộ, trong đó khoảng 15 nghìn hộ tham gia hoạt động trồng hoa kiểng, diện tích mai tập trung lớn nhất ở xã Vĩnh Thành.
“Mỗi năm huyện sản xuất khoảng 17 triệu sản phẩm hoa và cây kiểng, trong đó có khoảng 6 triệu sản phẩm dành riêng cho vụ Tết”, ông nói.
Theo ông, mai kiểng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những cây trồng khác ở địa phương. Cây mai cũng phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương nên đang được chính quyền quan tâm phát triển.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi tìm hiểu, một anh nông dân ở Đồng Nai nhận thấy tiềm năng kinh tế từ giống hồng xiêm “lạ” này nên quyết định đầu tư 200 triệu để mua 100 cây giống về trồng.