Chỉ đi hái thứ lá này đem bán, có người kiếm nửa triệu mỗi ngày
Hiện tại, loại lá này chủ yếu tiêu thụ trong nước, còn mấy năm trước, thương lái cho biết còn xuất khẩu nước ngoài.
Lá lốt là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn như bò cuốn lá lốt, chả ốc lát lốt, lẩu ếch, ốc nấu chuối, thịt lợn cuốn lá lốt…
Theo Đông y, lá lốt vị cay thơm, tính ấm; vào tỳ vị, lá lốt có tác dụng ôn trung tán hàn, kiện tỳ tiêu thực, hạ khí chỉ thống. Loại lá này dùng cho các trường hợp đau bụng lạnh gây nôn thổ, tiêu chảy, hội chứng lỵ trên cơ địa hư hàn; đau đầu, đau răng, chán ăn đầy bụng hay chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân…
Vì vậy, loại lá này được rất nhiều người sử dụng trong việc chế biến các món ăn hàng ngày của gia đình.
Lá lốt hiện đang được thu mua với mức giá 10.000 đồng/kg.
“Mỗi ngày, tôi thu mua được khoảng 1-3 tạ của người dân. Tôi chỉ bán cho 3 đầu mối sỉ mà còn không đủ, phải chia ra mỗi nhà một ít. Vì họ thu mua nhiều lắm, có bao nhiêu cũng mua hết”, chị Phương – chuyên thu mua lá lốt tại Thành Sơn (xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cho hay.
Chị kể lại cách đây khoảng 3 năm, chị có một người em trai rủ đi hái lá lốt để bán cho một đầu mối xuất khẩu lá lốt sang Nhật Bản. Chị nhớ lại thời điểm đó 2 chị em bắt đầu đi tìm các bãi có cây lá lốt mọc trên các vùng đồi, núi ở quanh vùng.
Sở dĩ có những khu vực mọc lá lốt rất nhiều như vậy, chị cho biết trước đây người dân thường lên đó sinh sống để làm nương rẫy, họ thường mang theo một số cây gia vị, trong đó có cây lá lốt để trồng, làm gia vị đổi món cho các bữa ăn. Sau này, họ không còn sinh sống ở đó mà chỉ thi thoảng lui tới để chăm sóc và thu hoạch cây của họ trồng.
Người dân có thể thu được đến nửa triệu đồng mỗi ngày nhờ hái lá lốt bán.
Trong khi đó, những cây lá lốt lại dễ sinh trưởng và phát triển nên ngày càng tươi tốt và sinh ra nhiều cây con khác. Sau thời gian dài, nơi đó trở thành một khu vực lá lốt xen lẫn nhiều cây cỏ khác.
“Hồi đó, tôi tìm tới các nơi đó rồi thuê người hái, trả công họ là 300.000 đồng/ngày. Sau một ngày, chúng tôi cũng thu đủ 3 tạ lá to, đẹp, xanh 2 mặt để bán cho thương lái kia. Hai chị em thu lời mỗi người được gần 2 triệu đồng”, chị chia sẻ.
Sau lần đó, chị bén duyên với nghề bán lá lốt cho các đầu mối sỉ ở trong nước. Người dân từ đó cũng hái lá và đem đến nhà chị để bán. Chị cho biết khu vực chị sinh sống và vùng lân cận có rất nhiều khu vực lá lốt mọc lên tươi tốt, có những lá to như lá khoai. Vì vậy, người dân hầu như toàn đi tìm và hái, không mấy ai trồng để bán nên lá hoàn toàn sạch.
Thương lái cho biết lá lốt cần có đường kính trên 8cm, xanh 2 mặt và không rách là sẽ thu mua hết.
“Hầu như những người phụ nữ quá tuổi lao động hay không có công ăn việc làm… đều đi vào đồi, núi để tìm hái lá lốt về bán cho tôi. Nếu một ngày làm đủ 8 tiếng, một người có thể hái được 30-40 cân lá. Còn lại, mọi người cũng hái được chừng 20 cân lá để bán”, chị nói.
Hiện, chị đang mua với giá là 10.000 đồng/kg. Có thời điểm, lá lốt chị mua với mức giá lên đến 25.000 đồng/kg. Tính ra, một người dân đi hái cũng có thể kiếm được từ 200.000 – 500.000 đồng/ngày.
Theo chị được biết, có người ở khu vực chị sinh sống có thể thu được cả chục triệu đồng/tháng nhờ nghề đi hái lá lốt trong đồi, núi. Tuy nhiên, chị cho biết nghề này không phải dễ kiếm vì hái nhiều cũng đau tay và đau lưng, đôi khi cũng phải chịu khó đi tìm hiểu mới biết khu vực nào trồng nhiều lá lốt.
Đã 3 năm làm nghề thu mua lá lốt, chị cho biết có bao nhiêu chị cũng mua hết. Tiêu chuẩn lá chỉ cần cuống dài, không rách, lá xanh 2 mặt, kích thước đường kính 8cm trở lên là chị mua hết và mua quanh năm. Giá thu mua dao động tùy thời điểm.
Mỗi năm, con vật này chỉ xuất hiện vài tháng, người dân đi bắt có thể kiếm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày.
Nguồn: [Link nguồn]