Từng “hái quả trả vàng”, nhiều người vỡ mộng làm giàu vì cau rớt giá
Đang có giá từ 85-100 nghìn đồng/kg, cau tươi bất ngờ lao dốc chỉ trong thời gian ngắn khiến nhiều người trở tay không kịp, lòng như lửa đốt vì ôm đống hàng hơn chục tỷ đồng chưa bán được.
Cau tươi tăng giá kỷ lục, một tấn quả được cả 1 lượng vàng
Thời gian vừa qua, cau tươi bất ngờ tăng giá lên mức cao chưa từng thấy đã khiến nhiều hộ dân khắp cả nước phấn khởi vì cứ bán đi một tấn cau có thể mua được 1 lượng vàng.
Những ngày cau tăng giá, tại xã Cao Nhân - nơi có truyền thống trồng và chế biến thô các sản phẩm về cau từ lâu đời ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), khắp trong làng, ngoài ngõ, hoạt động thu mua cau tươi khá nhộn nhịp. Những chiếc xe máy trở đầy cau tươi từ các nơi di chuyển, tập kết về các điểm cân cau. Những lò sấy rực lửa ngày đêm, hoạt động hết công suất để có đủ cau xuất đi Trung Quốc.
Có thời điểm mỗi tạ cau tươi đổi được một chỉ vàng
Theo người dân ở đây, chưa năm nào giá cau tươi tăng cao kỷ lục và kéo dài như năm nay, lên đến 80-90 nghìn đồng/kg gồm cả cành, gấp tới 4 lần năm trước. Cứ mỗi tạ cau tươi đổi được một chỉ vàng.
Anh Hoàng Văn Quang ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, cho biết, mỗi cây cau nhà anh cho thu hơn mức trung bình 15kg. Nhờ cau tăng giá, anh đã thu được hơn 800 triệu đồng từ bán cau trước đợt bão số 3. “Với giá cau hiện tại, 1 tạ cau tươi đổi được 1 chỉ vàng”, anh Quang phấn khởi.
Cùng thời điểm đầu tháng 10/2024, tại Đắk Lắk, giá cau tươi đã có thời điểm lên tới trên 100 nghìn đồng/kg. Đây được xem là là mức giá cao chưa từng có và mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
“Đầu tiên giá chỉ 50-60 nghìn đồng/kg rồi cứ thế tăng dần lên 80-90 nghìn đồng/kg. Mức cao nhất tôi bán là 105 nghìn đồng/kg, họ tự hái, mình chỉ việc ngồi nhìn cân tính tiền thôi đấy”, chị Trâm trú tại Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết
Chị Phạm Thị Trâm cho biết gia đình trồng khoảng 500-600 cây cau từ 6-9 năm, xen trong rẫy cà phê và sầu riêng
Chị Phạm Thị Trâm, trú tại Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, gia đình chị trồng khoảng 500-600 cây cau từ 6-9 năm, xen trong rẫy cà phê và sầu riêng, không phải chuyên canh trồng riêng cây cau trên đất. Năm nay, giá cau liên tục tăng cao, thương lái lùng sục khắp nơi tìm mua tận vườn với giá lên đến 105 nghìn đồng/kg.
“Đầu tiên giá chỉ 50-60 nghìn đồng/kg rồi cứ thế tăng dần lên 80-90 nghìn đồng/kg. Mức cao nhất tôi bán là 105 nghìn đồng/kg, họ tự hái, mình chỉ việc ngồi nhìn cân tính tiền thôi đấy”, chị Trâm nói.
Cau được giá, thương lái lùng sục khắp nơi để tìm mua với giá cao chưa từng thấy đã khiến nông dân khắp nơi mở rộng diện tích trồng cau. Vì thế, giá cau giống từ 2-3 nghìn đồng/quả tăng lên tới 10 nghìn đồng/quả. Cây cau giống từ vài nghìn đồng/cây cũng tăng giá lên 15-20 nghìn đồng/cây. Nhiều nhà vườn không đủ hàng để bán vì có bao nhiêu cây giống được người dân mua hết bấy nhiêu.
Lò sấy cau đỏ lửa, thương lái Trung Quốc chờ sẵn ở cửa
Cau tươi được giá, những lò sấy cau khắp cả nước hoạt động hết công suất, rực lửa ngày đêm. Trước cửa các lò sấy, những xe container xếp hàng dài, cứ lò nào ra mẻ cau sấy vừa kịp nguội đã được sàng lọc, đóng container, chuyển đi Trung Quốc.
Bên trong, ngoài những người thợ hái cau chở cau đến cân, người nhặt cau, người sấy cau còn có những thương lái người Việt và khách hàng người Trung Quốc túc trực tại chỗ để kịp mua cau khô.
Cau tươi được giá, những lò sấy cau khắp cả nước hoạt động hết công suất
Gắn bó với nghề cau hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Tấm, trú tại Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, cả gia đình mình làm về cau tại đảo Hải Nam, Trung Quốc nhưng chưa năm nào, giá cau lại cao, nhu cầu của phía Trung Quốc lại lớn như năm nay. Từ đầu tháng 10, chị đặt thu mua hết lượng hàng tại các lò nhưng vẫn không đủ để giao cho các công ty Trung Quốc.
Sinh năm 1984 nhưng có đến 20 năm gắn bó với nghề sấy cau, anh Nguyễn Văn Trung ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên cho biết, các đơn hàng dồn dập về lại cần giao gấp nên ngoài 2 thợ chính, anh phải thuê thêm khoảng 40 người lao động phục vụ cho việc sấy cau.
Lượng cau nội địa không đủ, chị Đỗ Thị Nhung, chủ lò sấy cau tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên vừa phải đặt hàng cau Thái Lan, Indonesia, Malaysia... về sấy lại, vừa đi các lò sấy cau khác để gom hàng cho thương lái.
Chủ nhiều lò sấy phải đặt hàng cau Thái Lan, Indonesia, Malaysia... về sấy lại
“Giá cau cao, hàng cứ mẻ nào ra lò còn nóng hổi đã được đóng container chuyển đi Trung Quốc bất kể đêm ngày”, chị Nhung nói.
Theo các thương lái, sở dĩ giá cau tươi cao như vậy là vì, sau khi thu mua, cau tươi sẽ được luộc chín rồi sấy khô, bán cho thương lái Trung Quốc để làm kẹo cau. Nguyên nhân giá cau tươi năm nay tăng cao là do ảnh hưởng của bão số 3 khiến sản lượng cau trên đảo Hải Nam bị thiệt hại, nguồn cung cho các nhà máy tại Trung Quốc bị thiếu hụt.
Giá cau đột ngột lao dốc không phanh, nhiều người lỗ hàng chục tỷ đồng
Cau tươi tăng giá chóng mặt, lên mức giá cao chưa từng thấy nhưng chỉ sau vài ngày lại bất ngờ lao dốc xuống chỉ còn 25 nghìn đồng/kg, nhà vườn nào còn cau thì ngóng chờ thương lái thu mua, các lò sấy như ngồi trên đống lửa vì hàng trăm tấn cau sấy ra vẫn còn trong kho, thương lái Trung Quốc bỏ về nước hết, không còn một bóng người.
Đầu tư lò sấy hết 4 tỷ đồng để làm cau sấy xuất đi Trung Quốc, thế nhưng, chị Đỗ Thị Nhung (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho rằng, giá cau luôn luôn bất ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào bạn hàng Trung Quốc nên phải có “gan to” mới có thể “chơi được”. Theo chị Nhung, việc giá cau đẩy lên cao rồi bất ngờ rớt giá không phải lần đầu mà diễn ra như cơm bữa.
“Trung Quốc họ dừng thu mua, thương lái về nước hết rồi. Trong kho nhà tôi còn tồn khoảng 5 container cau khô, mỗi container khoảng 12 tỷ đồng. Bây giờ, họ mà không thu mua nữa thì xác định làm không công từ đầu vụ, kèm theo lỗ khoảng 20 tỷ đồng”, chị Nhung – chủ lò sấy cau tại Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) thở dài.
Theo chị Nhung, việc giá cau đẩy lên cao rồi bất ngờ rớt giá không phải lần đầu mà diễn ra như cơm bữa
Lấy ví dụ, chị Nhung cho biết, năm 2017, giá cau tự dưng lên cao, 100 nghìn đồng/kg. Năm đó, nhà chị làm cau sấy thu lời khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2018, 2019, giá cau lại rớt xuống chỉ còn 5 nghìn đồng/kg, đắt nhất chỉ 20 nghìn đồng/kg khiến gia đình chị ôm lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Tiếp đó, năm 2021, giá cau cũng được đẩy lên mức 60-80 nghìn đồng/kg do Trung Quốc gom mua ồ ạt nhưng 2 năm tiếp theo, nước bạn dừng thu mua, cau rụng đầy gốc không ai nhặt.
Năm nay, Trung Quốc lại thu mua khiến cau tăng giá vượt lên 100 nghìn đồng/kg rồi bất ngờ dừng mua khiến nhiều lò sấy lao đao.
“Nhà tôi còn hơn 100 tấn chưa xuất đi được, phải dùng kho lạnh để bảo quản, tiền điện hết 10 triệu đồng/tháng/kho. Kho của gia đình không đủ chứa, phải đi thuê kho lạnh của người khác với giá 500 nghìn đồng/container. Lò sấy cũng tạm dừng hoạt động, công nhân nghỉ hết”, chị Nhung nói.
Người buôn cau lâm vào cảnh “mất cả chì lẫn chài” vì giá cau lên xuống thất thường
Không chỉ lò sấy cau, người buôn cau như anh Đỗ Hữu Hơn (Hải Phòng) cũng từng lâm vào cảnh “mất cả chì lẫn chài” vì giá cau lên xuống thất thường.
Theo anh Hơn, vào thời điểm năm 2016, giá cau tự dưng tăng cao. Bán được giá, dân buôn tranh nhau đi mua vườn với giá từ 200-500.000 đồng/cây. Tuy nhiên, năm sau thời tiết khiến cau ra ít quả lại còn bị rụng hết, có vườn bị mất trắng, giá thu mua lại thấp. Nhiều người thua lỗ, bán cả nhà cả đất mới có tiền trả nợ. Bản thân anh năm 2022 cũng bị lỗ mất 700 triệu đồng vì cau rớt giá, tình trạng lặp lại như năm 2016.
Tuyệt đối không nên phá cây trồng khác để trồng cau
Việc giá cau tăng vọt, thương lái đổ xô đi mua, người dân ồ ạt tăng diện tích rồi lại lao dốc không phanh, thậm chí có nơi ngừng thu mua khiến nhiều người thua lỗ, “khuynh gia bại sản” đã thành công thức lặp đi lặp lại nhiều năm qua.
Vì vậy, các địa phương, ban ngành chức năng đều khuyến cáo, người dân đừng nhìn thấy giá cau tăng mà ham trồng nhiều. Bởi vì, giá cau tăng chỉ mang tính đột biến mà không theo quy luật thị trường.
Giá cau tăng chỉ mang tính đột biến mà không theo quy luật thị trường
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, cây cau không phải cây trồng chủ lực như lúa, gạo, cà phê nên việc thu mua giá cao kỷ lục chỉ mang tính chất đột biến và nhất thời. Quy luật thị trường không có sự bền vững như các loại nông sản xuất khẩu khác.
Theo công Cường, đối với cây cau, từ khi xuống giống đến lúc cho thu hoạch phải mất 4-5 năm. Lúc đó, không giữ giá được nữa thì vấn đề gì sẽ xảy ra? Chưa kể, nếu lượng cau dư thừa mà không xuất đi đâu được thì thiệt hại bao giờ người nông dân cũng chịu hết.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn
Vì vậy, ông Cường cho rằng, trước khi trồng bất kỳ loại cây trồng gì với diện tích lớn, người dân cần tự tìm hiểu thật kỹ càng và được tư vấn về giống, kỹ thuật trồng, khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với các thông tin về thị trường tiêu thụ và các giải pháp kỹ thuật khác chứ không nên trồng theo dư luận.
“Người dân không nên vì một thời điểm cau tăng giá mà xuống giống ồ ạt, mở rộng diện tích trồng cau. Đặc biệt, tuyệt đối không nên phá cây trồng khác để trồng cau. Nếu người dân vẫn giữ thói quen trồng – chặt, chặt – trồng thế này thì người chịu rủi ro đầu tiên và trước nhất chính là bản thân những người nông dân chứ không phải ai khác”, ông Cường nhấn mạnh.