Cất bằng thạc sĩ loại giỏi, chàng trai về trồng sầu riêng thu lãi cả tỷ đồng/năm
Thạc sĩ trẻ quyết định cất bằng để trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất ruộng của gia đình và có năm thu lãi cả tỷ đồng.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, Dương (27 tuổi, ngụ xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) chứng kiến cảnh bố mẹ làm ruộng vất vả nhưng hay gặp cảnh được mùa thì mất giá. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh luôn mong muốn cải tạo mảnh ruộng của gia đình để trở thành khu vườn trồng cây thu trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định rõ mục tiêu, năm 2015, anh quyết định theo học ngành Khoa học đất của trường Đại học Cần Thơ. Trong thời gian theo học, anh Dương vừa học, vừa thực hành về nhà cải tạo đất lúa với diện tích 1 ha để trồng sầu riêng Ri6 và Mon Thong. Đến năm 2018, anh trồng thêm vườn sầu riêng rộng 0,6 ha.
Tốt nghiệp ngành Khoa học đất, anh tiếp tục học văn bằng 2 ngành Khoa học cây trồng nhằm trang bị thêm kiến thức về lĩnh vực cây trồng. Hoàn thành chương trình học này, anh lại học thạc sĩ để có kiến thức chuyên sâu về cây trồng với mong muốn có thể “đi đường dài” với cây sầu riêng.
Anh Dương cho sầu riêng ra trái trái vụ để bán giá cao hơn.
Các giống sầu riêng anh trồng chủ yếu là Ri6, còn sầu riêng Monthong và Musang King thì anh trồng số lượng khá ít. Sở dĩ anh chọn những giống sầu riêng này là vì đó là những giống có năng suất cao và được thị trường ưa chuộng.
Thông thường, sầu riêng chỉ đậu quả trong mùa khô nhưng muốn có trái vụ nghịch, anh phải tìm cách xử lý cho cây ra bông giữa mùa mưa.
“Tôi phải khảo sát kỹ tính chất đất, áp dụng các biện pháp che chắn, thoát nước để làm cho vườn khô hạn dù trời mưa. Đối với các giống sầu riêng mới, kỹ thuật làm hoa sẽ khó hơn nhưng nhờ nắm vững kiến thức đã học và kinh nghiệm trồng cây nên tôi đã làm được", anh Dương cho biết.
Theo anh, sầu riêng ra trái vụ cần phải có kỹ thuật và kiến thức nhất định.
Cụ thể, anh thường phải bón phân, tạo mầm, che màn phủ ni lông và làm rãnh để thoát nước nhanh hơn, hạn chế sự sinh trưởng của rễ, tạo sự khô hạn tuyệt đối cho cây. Công việc này anh thường thực hiện vào khoảng tháng 9 hàng năm.
Sau khi cây ra hoa, anh bắt đầu bón phân, phun thuốc theo định kỳ để phòng và trị bệnh cho cây. Cây có thể cho thu quả sau 6 tháng chăm sóc đúng quy trình.
Về lý thuyết, việc trồng sầu riêng cho ra quả trái vụ rất đơn giản. Nhưng thực tế, anh cho biết người làm cần nắm vững nhiều kỹ thuật và kiến thức nhất định. Bởi khi rơi vào mùa mưa sẽ ảnh hưởng quá trình thụ phấn. Nước mưa làm loãng nồng độ mật trong hoa, cây thụ phấn không tốt và không lên hạt.
Vườn sầu riêng cho ra quả trái vụ nên bán được giá cao, anh tính trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.
Theo đó, sầu riêng thu hoạch đúng mùa giá khoảng 70 triệu đồng/tấn, nhưng những quả thu trái vụ có thể bán được 110 triệu đồng/tấn. Đối với sầu riêng giống mới, anh có thể bán với giá 130 triệu đồng/tấn. Chi phí để các vườn sầu riêng ra quả gần như tương đương nhau và chỉ chiếm phần nhỏ giá bán.
Khu vườn sầu riêng của anh cho thu trên 20 tấn trái mỗi năm và sản lượng đang tăng theo từng năm. Vườn sầu riêng cho ra quả trái vụ nên bán được giá cao, anh tính trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.
Mô hình trồng sầu riêng trái vụ của anh được nhiều người đến học hỏi.
Mô hình trồng sầu riêng trái vụ của anh được nhiều người tìm đến học hỏi, anh cũng sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho mọi người. Bên cạnh đó, anh còn xây dựng một kênh trên mạng xã hội chuyên về kiến thức chăm sóc sầu riêng, được nhiều người trong giới quan tâm.
Lãnh đạo huyện đoàn địa phương nhận định mô hình trồng sầu riêng của anh Dương được cơ quan này đánh giá rất cao và cũng đang có kế hoạch tổ chức cho thanh niên đến tham quan học tập.
*Đã đổi tên theo mong muốn của nhân vật
Vừa biết bay, biết bò lại biết bơi, loài côn trùng có cái đầu khổng lồ này quả thực sở hữu “siêu năng lực” khiến nhiều người ghen tỵ vì… không bằng chúng.
Nguồn: [Link nguồn]