Cao điểm mùa du lịch: Giá vé máy bay tăng theo giờ
Vào mùa du lịch, cũng là thời điểm phục hồi của thị trường du lịch sau đại dịch nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, giá vé máy bay nội địa của các hãng lại đang tăng nóng mỗi ngày khiến nhiều người “choáng”.
Giá vé tăng theo ngày, thậm chí theo giờ
Chị Phạm Huệ Nga (Đông Anh, Hà Nội) đang có kế hoạch cùng gia đình đi nghỉ mát, nhưng khi lên mạng tìm vé máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways... cho chặng Hà Nội – Đà Nẵng khứ hồi thì chị Nga nhận được mức báo giá thực sự “choáng”.
Cụ thể, vé khứ hồi đường bay Hà Nội - Đà Nẵng (đã gồm thuế phí) của Vietnam Airlines dao động từ 3 - 5 triệu đồng; Bamboo Airways khoảng 3 - 4 triệu đồng tùy giờ bay; Vietjet Air thấp hơn một chút song cao hơn nhiều so với hồi đầu năm hoặc cùng thời điểm những năm trước.
Giá vé máy bay các chặng nội địa đồng loạt tăng mạnh so với đầu năm và cùng kỳ năm trước
“Nghỉ hè, tôi muốn đưa gia đình đi nghỉ mát, nhưng khảo sát qua các hãng đều báo giá “trên trời". Muốn có giờ bay đẹp để thuận tiện check-in khách sạn vào tầm 14h, tôi dự định mình phải chi đến 15 triệu đồng cho cả gia đình 3 người" – chị Nga nói.
Không chỉ Đà Nẵng, mà các chặng bay đến các địa điểm du lịch nội địa vào cuối tháng 6 và tháng 7 khác như Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc cũng đồng loạt tăng mạnh theo từng ngày.
Phóng viên khảo sát chặng bay Hà Nội - Phú Quốc thời điểm này, cho thấy giá vé của Vietnam Airlines và Bamboo Airways dao động từ 4 - 10 triệu đồng một cặp vé khứ hồi; Vietjet thấp hơn 1 chút cũng trong khoảng từ 3 - 7 triệu đồng/ cặp khứ hồi.
Với đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giá vé của Vietnam Airlines cao nhất tới 11 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi; Bamboo Airways khoảng 10 triệu đồng và Vietjet Air là 7 triệu đồng.
Ngoài ra, chặng Hà Nội – TP HCM là chặng có lượt khách ổn định nhất, nhưng thời điểm này giá vé cũng tăng mạnh, thậm chí tăng theo giờ.
Theo khảo sát, giá vé các hãng chặng Hà Nội – TP HCM phổ biến trong khoảng 4,3-5,5 triệu đồng. Vietjet Air đang bán giá thấp nhất với mức 4,3 triệu đồng, nhưng hành khách phải bay vào khung giờ 22h30-23h30.
Ngọc Diễm (27 tuổi) than vãn khi giá vé thay đổi theo giờ, tăng thêm khoảng 500.000 đồng chỉ sau vài tiếng. “Tôi đặt vé bay từ Hà Nội vào TP.HCM và giật mình vì giá tăng quá cao. Thông thường, vé tôi mua chỉ khoảng 2-3 triệu đồng. Tôi thấy giá cao nên ngần ngại chưa đặt. Chỉ khoảng vài tiếng sau, giá vé đã tăng thêm khoảng 500.000 đồng dù đó là chuyến bay khuya".
Có thể thấy, so với đầu năm và cả năm 2021, mức giá trên đã tăng hơn nhiều, thậm chí có chặng giá vé tăng gấp đôi.
Giá vé bay được dự báo còn tăng tiếp
Được biết, một trong những nguyến nhân khiến giá vé máy bay tăng mạnh là nhu cầu đi du lịch dịp hè tăng rất cao. Người dân ai cũng có kế hoạch đi du lịch sau một thời gian dài giãn cách xã hội, đóng cửa các điểm đến. Cùng với sự phục hồi của kinh tế - xã hội, lượng khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 243% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng lượng khách nội địa lên đến 48,6 triệu lượt.
Theo dự báo, giá vé máy bay còn tăng trong thời gian tới
Nhu cầu khách đi du lịch tăng cao khiến giá vé máy bay nội địa tới các điểm đến hàng đầu của Việt Nam như Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang,... luôn căng thẳng. Dự báo, giá vé bay còn tăng trong thời gian tới.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, giá vé máy bay tăng mạnh xuất phát từ yếu tố đặc biệt quan trọng nhất là giá xăng đang không ngừng lập đỉnh. Kể từ đầu năm 2022, giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014.
Đối với hàng không, chi phí nhiên liệu chiếm đến 30 - 40% tổng chi phí của hãng bay, nếu không có các giải pháp hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước, giá xăng tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến ngành hàng không (ngành động lực phát triển của nền kinh tế).
Mới đây, trả lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về vấn đề giá vé máy bay tăng cao, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết hiện nay giá vé máy bay vẫn được khống chế theo mức giá trần.
"Tính toán phân bổ giá vé của các doanh nghiệp là từ thấp lên đến cao, chạm trần để từ đó khống chế giá trần. Việc xây dựng giá vé trần được thực hiện khi dầu thô ở mức 80 USD/thùng. Hiện giá dầu tăng cao nên các doanh nghiệp hàng không đề nghị xem xét một là nâng giá trần lên, hai là cho chính sách phụ thu", ông Nề cho biết.
Trả lời về giá trần vé máy bay của Việt Nam so với bình quân của quốc tế cao hơn hay thấp hơn? Ông Nề khẳng định mức giá vẫn ở mức cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Nề cho biết nếu biến động giá thêm, chúng ta sẽ mất cơ hội cạnh tranh vào tay các hãng bay nước ngoài.
Ông Nề đề xuất tăng cường các tuyến bay vào sáng sớm và ban đêm để khách hàng có thể tiếp cận nhiều hơn với giá vé máy bay rẻ, qua đó để tăng cạnh tranh.
Các chặng bay từ những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đến các điểm du lịch nội địa nổi tiếng từ khoảng giữa tháng 6 – cuối tháng 8 tiếp tục ghi nhận giá vé cao lập...
Nguồn: [Link nguồn]