Cẩn trọng với chiêu lừa “giải cứu” nông sản giá rẻ của dân buôn hàng “rởm”
Nhiều người tin tưởng đó là mặt hàng giải cứu giá rẻ nên đã đặt mua. Không ngờ khi nhận hàng, họ mới tá hỏa là bị lừa.
“Cần giải cứu 1 vạn trái dừa sáp. Do Covid không xuất đi được bên em giảm 40% dừa sáp loại 1 còn 89.000 đồng/quả. Combo 3 quả 250.000 đồng miễn ship. Mong mọi người ủng hộ em, em ship mọi miền tổ quốc, nhận hàng thanh toán”, một tài khoản mạng xã hội tên Dừa sáp Bến Tre rao bán.
Sau khi bài viết này được đăng lên, không ít người tin tưởng đặt mua vì nghĩ rằng dừa sáp cần giải cứu và giá rẻ là sự thật. “Đến lúc nhận, tôi mới biết mình bị lừa mất 250.000 đồng. Không có trái dừa sáp nào cả mà là quả dừa già”, tài khoản Nguyễn Thúy viết.
Một tài khoản chia sẻ bài viết người bạn của mình bị lừa khi mua dừa sáp. Ảnh chụp màn hình.
Không chỉ có chị Thúy, hàng trăm người khác cũng chia sẻ bản thân đặt mua dừa sáp từ tài khoản này và nhận được là những quả dừa già. Chị Ngô Thị Hoa (An Giang) mới nhận mà chưa bổ ra.
“Người bán bảo mình đợi 3 ngày mới bổ thì mới ra dừa sáp, còn nếu bổ luôn sẽ là dừa bình thường. Mình nhìn quả thì cũng nghi là dừa khô, thấy một quả bị hỏng nên đã bổ thử, ai ngờ là dừa già thật”, chị nói.
Anh Đức (Hà Nội) cũng biết mình bị lừa nên đã nhắn tin cho người bán yêu cầu đổi hàng nhưng anh đã bị shop đó chặn tài khoản.
Một số người khác sau khi đọc được những chia sẻ lừa đảo từ shop online này liền bổ những quả dừa đã nhận được và họ đều phát hiện không có quả nào là dừa sáp.
Một số người đưa ra dẫn chứng bằng hình ảnh khi mua dừa sáp, về bổ ra là dừa già khô.
Chị Linh – chủ cửa hàng hoa quả sạch ở Hà Nội, cho biết giá này chỉ có thể mua được sáp lỏng loại 2, loại 3. “Với giá rẻ như vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi đặt mua. Đặc biệt, dừa sáp nên mua chỗ uy tín, nếu mua lần đầu tại cửa hàng nào đó thì yêu cầu bổ ra mới thanh toán”, chị chia sẻ kinh nghiệm mua dừa sáp.
Cũng bán dừa sáp, chị Mỹ Duyên (Hà Nội) cho biết chị nhập về cũng không được giá đó. “Vì tính phí vận chuyển, dừa sáp về đến Hà Nội giá đã cao hơn 89.000 đồng rồi. Dừa loại 1 tôi đang bán giá 250.000 đồng/quả, bao ngon. Còn loại sáp lỏng loại 2,3 thấp nhất cũng bán khoảng 120.000 – 130.000 đồng/quả”, chị nói.
Trước đó, nhiều đối tượng lợi dụng giải cứu để trục lợi, bán hàng giá cao hoặc bán hàng kém chất lượng. Vì vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng hơn trước những thông tin bán hàng kêu gọi “giải cứu”. Bởi nhiều mặt hàng gắn mác giải cứu và quảng cáo là hàng xuất khẩu nhưng giá bán và chất lượng hàng bán ra không như quảng cáo. Thậm chí, giá còn cao hơn so với bình thường.
Quả dừa già khô mà mọi người nhận được khi đặt mua dừa sáp trên mạng.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện.
Tội lừa dối khách hàng gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ luật Hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác.
Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Về tội danh này, khách hàng có thể tố giác với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi.
Mới đây, người tiêu dùng lại ngạc nhiên bởi lá bàng tươi được rao bán rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử,...
Nguồn: [Link nguồn]