Cá sấu bị bỏ đói, trang trại lớn nhất miền Bắc bù lỗ mỗi tháng 200 triệu đồng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến trang trại nuôi cá sấu lớn nhất miền Bắc gặp khó khăn. Để cầm cự qua đại dịch, chủ trang trại này phải cho ăn cầm chừng khiến hàng trăm con cá sấu bị chết.

Được mệnh danh là ông Vua cá sấu đất Bắc khi là người đầu tiên mang cá sấu từ miền Nam ra miền Bắc nuôi thành công, trang trại cá sấu của ông Cao Văn Tuấn, trú tại quận Hồng Bàng trở thành điểm tham quan, du lịch nổi tiếng suốt hơn 20 năm qua tại Hải Phòng.

Với hệ thống 6 chuồng nuôi liên hoàn, chuyên nghiệp, mỗi chuồng rộng từ 200m2-600m2 với chức năng riêng như chuồng nuôi cá sấu giống, chuồng nuôi cá sấu thương phẩm, chuồng nuôi cá sấu lấy da, xuất khẩu…trang trại của ông Tuấn được coi là trang trại cá sấu lớn nhất miền Bắc.

Ông Tuấn bên khu chuồng trại kiên cố nuôi cá sấu của mình.

Ông Tuấn bên khu chuồng trại kiên cố nuôi cá sấu của mình.

Với chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài, ông Tuấn đã xây dựng xưởng sản xuất các sản phẩm từ da cá sấu và mở cửa hàng bán sản phẩm.

Với chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài, ông Tuấn đã xây dựng xưởng sản xuất các sản phẩm từ da cá sấu và mở cửa hàng bán sản phẩm.

Ngoài nuôi cá sấu, ông Tuấn còn xây dựng nhà hàng, phục vụ khách đến thăm quan, du lịch với 50 món ăn từ cá sấu; xây dựng nhà xưởng sản xuất các sản phẩm từ da cá sấu như túi xách, ví da, thắt lưng…

Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến đã khiến trang trại nuôi cá sấu của ông Tuấn gặp muôn vàn khó khăn. Hàng ngàn con cá sấu đến tuổi xuất bán nhưng không thể bán được, sản phẩm từ da cá sấu cũng khó tiêu thụ, lượng khách đến thăm quan và sử dụng dịch vụ của trang trại và nhà hàng cá sấu giảm đáng kể khiến doanh thu hầu như bằng 0.

Mặc dù treo biển giảm giá đến 70% nhưng các sản phẩm từ da cá sấu vẫn khó tiêu thụ do ảnh hưởng của Covid-19.

Mặc dù treo biển giảm giá đến 70% nhưng các sản phẩm từ da cá sấu vẫn khó tiêu thụ do ảnh hưởng của Covid-19.

“Thức ăn cho cá sấu là 20.000 đồng/kg. Trong khi đó phải mất 5kg thức ăn mới nuôi được 1kg cá sấu thành phẩm, thêm tiền nhân công, tiền điện, nước nữa thì phải 125.000 đồng/kg cá sấu mới hòa vốn. Vậy mà giờ thịt cá sấu chỉ bán được 65.000 đồng/kg, lỗ một nửa”, ông Tuấn phân tích.

Dù lỗ một nửa nhưng theo ông Tuấn, nếu có bán được thì ông cũng bán hết để khỏi lỗ thêm tiền thức ăn nuôi cá sấu hàng ngày. Tuy nhiên, khách hàng thi thoảng mới đến mua 1-2 con về phục vụ nhu cầu gia đình chứ không có ai mua nhiều.

Giá cá sấu xuống chỉ còn 65.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Giá cá sấu xuống chỉ còn 65.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Để cầm cự, ông Tuấn đã phải hạn chế tối đa các chi phí bằng cách cắt giảm số lượng công nhân viên và cho cá sấu ăn cầm chừng. Tuy nhiên, vì cho ăn cầm chừng nên một số con cá sấu yếu hơn không tranh ăn được đã bị chết đói.

“Ngày nào nhìn ra chuồng cũng thấy 1-2 con chết nổi lên mặt nước, mình phải tự tay vớt lên, khử trùng và đào hố, rắc vôi bột rồi chôn xuống. Xót lắm chứ nhưng biết làm sao được vì mỗi ngày cả nghìn con cá sấu ăn hết 4-5 tạ thức ăn, mỗi tháng tôi phải bù lỗ hơn 200 triệu đồng. Tiền cứ đổ xuống mà không biết khi nào mới thu về được”, ông Tuấn nói.

Để cầm cự hơn 1 năm qua, ông Tuấn đã phải cho cá sấu ăn cầm chừng khiến số lượng cá sấu bị chết đói lên đến gần 200 con.

Để cầm cự hơn 1 năm qua, ông Tuấn đã phải cho cá sấu ăn cầm chừng khiến số lượng cá sấu bị chết đói lên đến gần 200 con.

Dù khó khăn chồng chất nhưng theo ông Tuấn đây là tình hình khó khăn chung của tất cả các ngành nghề. Khi dịch bệnh, thiên, tai, địch họa xảy ra, người khổ nhất vẫn là người nông dân bởi họ làm theo mùa vụ. Nếu được mùa thì có của ăn của để nhưng nếu mất mùa hoặc ế ẩm thì coi như chết đói.

Đặc biệt, cá sấu là mặt hàng đặc chủng, không phải các vật nuôi đơn thuần mà mang ra giải cứu được. Để phát triển kinh tế từ cá sấu ông xác định phải có chiến lược dài hơi, không phải một chốc một lát nên để khắc phục khó khăn, phải lấy ngắn nuôi dài, sử dụng nguồn vốn dự trữ có từ trước để duy trì.

“Hơn 1 năm qua đối mặt với khó khăn do những tác động của dịch Covid-19 gây ra, tôi nghĩ rằng, việc phát triển kinh tế nhất là kinh tế nông thôn cần phải có chiến lược cụ thể và sự hỗ trợ đặc biệt của các Bộ, Ngành cấp trên dành cho nông dân để người nông dân tiếp cận được các chương trình hỗ trợ về vốn, về tiêu thụ sản phẩm, vượt qua khó khăn của đại dịch, tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Các cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đang gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ và càng bế tắc.

Các cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đang gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ và càng bế tắc.

Theo Hiệp hội Bò sát, Lưỡng cư Việt Nam thì thị trường xuất khẩu cá sấu sống từ Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc (chiếm đến 99,96%). Năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm thủ tục xuất khẩu 115.776 con cá sấu sống sang Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ xuất được khoảng 32.800 con do bế tắc khi hải quan Trung Quốc không cho nhập khẩu cá sấu sống từ ngày 21/11/2019, kể cả đã cấp Giấy phép CITIES.

Với lệnh cấm nhập khẩu này, từ năm 2019 đến nay, giá cá sấu sống liên tục giảm sâu, từ 125.000 đồng còn 67.000 đồng đối với cá sấu loại 1, và 47.000 đồng đối với cá sấu loại 3. Dù đã rớt giá trầm trọng nhưng các cơ sở nuôi cá sấu cũng không thể tiêu thụ được cá sấu sống mà vẫn phải đầu tư, cho ăn và duy trì tối thiểu số cá sấu hiện có tại trại, nhất là đàn cá sấu sinh sản và hậu bị. Vì vậy, các cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đang gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ và ngày càng bế tắc.

Với tình hình trên, Hiệp hội Bò sát, Lưỡng cư Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan nhằm giúp tháo gỡ ách tắc trong việc xuất khẩu cá sấu sống sang Trung Quốc.

Ế ẩm, hàng nghìn con cá sấu bị bỏ đói, dân nuôi thua lỗ hàng tỷ đồng

“Do bị bỏ đói nhiều ngày nên buổi tối, lũ cá sấu kêu rên rất tội nghiệp, nghe thì tội mà cho ăn thường xuyên lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN