Cá mú rớt giá thê thảm, người nuôi “chạy nợ” lấy tiền mua thức ăn
Suốt nhiều tháng qua, hàng nghìn tấn cá mú tại Khánh Hòa rớt giá thê thảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người nuôi cá mú như “ngồi trên đống lửa” vì không bán được cá mà hàng ngày vẫn phải chi hàng triệu đồng để mua mồi duy trì việc cho cá ăn.
Dù là thương binh năm nay gần 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Thạo ở tổ dân phố Hải Thủy, phường Cam Phúc Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn nuôi gần 1.000 con cá mú. Nếu như năm trước, cá đến tuổi xuất bán được thương lái đến tận đìa thu mua toàn bộ với giá từ 180-250.000 đồng/kg thì năm nay không bán được.
Chưa năm nào giá cá mú lại rẻ như năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, nếu như khi cá con bé, mỗi ngày chỉ mất chừng 300-500.000 đồng tiền mua thức ăn nuôi cá thì hiện tại, mỗi ngày nhà ông Thạo phải mất khoảng 1,5 triệu đồng. Để có tiền mua thức ăn duy trì đàn cá, chị Nguyễn Thị Phương Vân (con gái ông Thạo) phải lên chợ mạng bán lẻ từng con.
“Bố tôi là thương binh, mẹ đi bán vé số, nuôi cá cả năm trời mà giờ không ai mua, thời gian gần đây phải mượn nợ tùm lum để lấy tiền mua thức ăn nuôi cá mú. Thương ông bà nên tôi phải đăng bán lên chợ online, mong bán được cá cho ông bà lấy tiền mua mồi nuôi tiếp”, chị Vân nói.
Để có tiền mua thức ăn duy trì đàn cá, nhiều hộ dân phải bán bớt cá với giá rẻ hoặc lâm vào cảnh nợ nần.
Theo chị Vân, suốt mấy tháng trời bán cá giúp bố mẹ nhưng chị mới bán được một nửa số cá với giá từ 80-100.000 đồng/kg, thậm chí nhiều khi khách mua 1 con và phải chạy xe hơn chục km để giao nhưng để bán được cá chị vẫn làm.
“Nghe đâu mấy cửa hàng, siêu thị bán giải cứu cá với giá 160-170.000 đồng/kg mà mình có chui vô được mấy chỗ đó đâu. Phải bán lẻ với giá thấp quá nên chắc năm nay ông bà lỗ nặng”, chị Vân cho hay.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Phê, người nuôi cá mú tại thị xã Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, nếu như mọi năm thương lái đến tận đìa mua với giá từ 180.000 đồng/kg trở lên thì năm nay không có người mua.
“Nhà tôi có 30 lồng nuôi cá mú với sản lượng khoảng 10 tấn, mỗi ngày riêng tiền thức ăn cũng hết khoảng 4-5 triệu đồng. Nuôi cả năm giờ đến khi được bán mà không có người mua khiến cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa”, anh Phê nói.
Nếu như trước đây cá mú được thương lái thu mua tận nhà thì nay người dân phải tự bán lẻ từng con.
Để có tiền xoay vòng mua thức ăn, hàng ngày, anh Phê cũng phải mang cá đi rao bán khắp các vựa hải sản và đăng bài bán lẻ trên chợ mạng với giá 110.000 đồng/kg. Thế nhưng, thay vì thương lái đến mua hết một lúc như mọi năm thì năm nay, mỗi ngày anh Phê chỉ bán được vài chục cân, nhiều nhất cũng chỉ được trên dưới 1 tạ.
Theo anh Phê, để cầm hòa, mỗi cân cá mú bán ra phải được từ 140-150.000 đồng/kg, với giá hiện tại, người nuôi đang lỗ rất nặng,. “Nếu bán hết 1 lúc thì còn đỡ, đằng này không có người mua, cứ mỗi ngày bán một ít không biết khi nào mới hết”, anh Phê thở dài.
Chương trình giải cứu cá mú tại một hệ thống siêu thị với giá 169.000 đồng/kg.
Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP.Cam Ranh, toàn thành phố có 120ha đìa nuôi cá mú với sản lượng khoảng 80 tấn/ha. Trước đây, hải sản nói chung và cá mú nói riêng chủ yếu được tiêu thụ cho khách du lịch và xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa biết khi nào thị trường du lịch mới khởi sắc trở lại, việc xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn. “Để xuất khẩu bằng đường chính ngạch phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe như nuôi đúng quy hoạch, đảm bảo sản xuất sạch và có doanh nghiệp xuất khẩu được cấp phép”
Để chia sẻ khó khăn cho người nông dân, theo ông Hải, Phòng Kinh tế TP.Cam Ranh đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cá mú, đồng thời sẽ có văn bản báo cáo thành phố kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi vay cho người nuôi.
Sau khi sụt giảm xuống đáy, giá tôm hùm tăng mạnh trở lại. Thị trường lợn hơi cũng chứng kiến đà tăng trở lại. Trong...
Nguồn: [Link nguồn]