Cá chép đỏ “ngập chợ” trước ngày ông Công ông Táo, bán vài cân thu cả triệu đồng
Với giá từ 15-20 nghìn đồng/con cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo, nhiều người thu về cả triệu đồng mỗi ngày nhờ việc mua cả cân, bán từng con vào dịp 23 tháng Chạp.
Vài ngày gần đây, thị trường cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo trở nên nhộn nhịp nhất năm. Người mua người bán rộn ràng khắp các chợ lớn nhỏ ngày từ ngày 20/12 âm lịch.
Được coi là làng lo phương tiện cho ông Công ông Táo, những ngày này, các hộ dân ở làng Thuỷ Trầm, xã Tuy Lộc (Cẩm Khê, Phú Thọ) đang thu hoạch nốt những ao cá cuối cùng để phục vụ thương lái khắp nơi về mua cá chép đỏ.
Cá chép đỏ tăng giá gấp 2 lần, người nuôi cá chép bội thu.
Theo ông Bùi Đình Chữ, Trưởng Làng nghề nuôi cá chép đỏ Thuỷ Trầm thì 90% số hộ dân tại đây nuôi cá chép đỏ với diện tích hơn 30ha, sản lượng ước đạt khoảng gần 100 tấn.
“Thời điểm này năm ngoái, giá cá chép đỏ chỉ từ 60-80 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay lên tới 130-180 nghìn đồng/kg, khoảng từ 30-40 con/kg, tăng gấp đôi năm ngoái. Trừ chi phí, bình quân mỗi sào nuôi cá chép đỏ, người nuôi thu lãi 25 triệu đồng”, ông Chữ cho biết.
Tại chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) những ngày này, hàng chục xe tải lớn nhỏ tấp nập ra vào, chở cá về chợ để phục vụ “dân buôn” với đầy đủ kích cỡ.
Nhiều tiểu thương mua cá chép theo cân rồi về bán theo con với giá từ 15-20 nghìn đồng/con.
Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán cá chép tại chợ này cho biết, cá chép tại đây chỉ bán theo cân, chủ yếu phục vụ dân buôn mua về bán lẻ tại các chợ dân sinh.
Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng giá cá chép năm nay cao hơn so với năm ngoái, dao động từ 200-230 nghìn đồng/kg.
Vừa bán hết 5kg cá chép đỏ tại chợ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội), chị Huế cho biết, chị chỉ bán theo bộ, mỗi bộ gồm 3 con cá chép có giá 50.000 đồng.
“Tôi sợ ế nên mỗi ngày chỉ mua khoảng 4-5kg cá chép về bán kèm với các loại tôm, cá khác nhưng chỉ bán trong 1 buổi sáng là hết veo. Mỗi cân cá tôi mua tại chợ Yên Sở là 230 nghìn đồng, được khoảng 30 con”, chị Huế nói.
Như vậy, với giá 50.000 đồng/3 con thì mỗi cân cá chép bán hết, chị Huế thu lãi từ 200-300 nghìn đồng.
Theo quan sát, chỉ riêng khu chợ này đã có khoảng gần chục hàng bán cá chép đỏ đủ các kích cỡ phục vụ nhu cầu người dân cúng ông Công ông Táo.
Cá chép được bán theo combo 50.000 đồng/3 con.
Ngoài cá chép đỏ đang bơi, tại các chợ còn bày bán các loại xôi cá chép, thạch hình cá chép hay chè cá chép với giá từ 60-110 nghìn đồng/set 3 con.
Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian; tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của con người dưới hạ giới một cách khách quan, trung thực.
Vì vậy, vào ngày này, người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời và cầu may mắn.
Ngoài việc đưa ông Táo bay về trời, với quan niệm, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", phóng sinh cá chép còn mang ý nghĩa của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công.
Loại gà này có tướng mạo hùng dũng cùng bộ lông ngũ sắc, mào đỏ như máu, mắt sáng tinh anh, ngực nở, đuôi cong vút tựa...
Nguồn: [Link nguồn]