Buôn lậu mùa áp Tết, đến hẹn lại lên: Căng mình chống heo lậu
Cứ đến mùa áp Tết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vào mùa làm ăn, nhất là ở những cửa khẩu và đường biên. Phóng viên Tiền Phong có mặt những nơi từng là điểm nóng và ghi nhận.
Heo lậu từ Campuchia sang bị bắt quả tang
Thời gian gần đây, thịt heo (lợn) trong nước đang khan hiếm do người chăn nuôi chưa kịp tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, cùng với đó là chênh lệch giá nên các đầu nậu tìm mọi cách tuồn heo lậu từ Campuchia vào nước ta.
Nóng bỏng
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh An Giang cho biết, hơn tháng nay, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã bắt được 15 vụ với khoảng 400 con heo (30 tấn). Sau khi bắt quả tang, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy số heo lậu trên.
Tối gần cuối tháng 11, phóng viên theo chân một người dân (tên N.) ở khu vực biên giới thị trấn Long Bình (An Phú, An Giang) để tìm hiểu hoạt động buôn lậu heo từ Campuchia về Việt Nam. Chạy một đoạn, ông N. chỉ tay vào chiếc xe tải đang đậu tại bãi đất trống rồi cho biết, xe đậu đây để gom heo lậu trên nhiều xe nhỏ từ Campuchia chở đến rồi đi nơi khác tiêu thụ. Tiếp đến, chúng tôi chạy dọc theo sông Bình Di, thuộc thị trấn Long Bình và xã Khánh An gặp nhiều điểm được cho là để tập kết heo lậu. Tại đây, chúng tôi phát hiện nhiều xe tải đậu sát mé sông để chờ nhận hàng.
Qua dò hỏi, chúng tôi tìm gặp một đầu nậu có tiếng ở khu vực biên giới. Ông này cho biết, heo lậu chủ yếu là của Thái Lan đưa sang Campuchia rồi nhập lậu vào biên giới Việt Nam. Theo đầu nậu này, nửa tháng về trước, heo lậu được vận chuyển bằng xuồng máy hoặc xe tải. “Xe tải được phà chở sang Campuchia, heo lùa vô thùng xe rồi quay về phía Việt Nam tiêu thụ. Hoạt động này diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên mấy ngày nay “bị động” lực lượng chức năng kiểm soát gắt gao nên họ vận chuyển thưa thớt, có khi 1 - 2 hôm án binh bất động” - đầu nậu cho hay.
Trước đây, các lái heo thường tập kết ở bến đò Vạt Lài, tuy nhiên xe tải bị “tuýt còi” liên tục nên chuyển sang chở bằng xe máy. Cứ mỗi xe máy chở 1 con rồi kiếm các lối mòn vượt trạm để né lực lượng chức năng. Sau đó heo được tập kết lại một điểm có xe tải đậu chờ sẵn.
Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, riêng lực lượng biên phòng đã bắt 6 vụ vận chuyển heo qua biên giới với 173 con, trọng lượng trên 12 tấn (khoảng 70 kg/con). Sau khi bắt giữ, đơn vị đã tịch thu tang vật và bàn giao cho đoàn liên ngành tiêu hủy. Vụ đầu tiên vào ngày 2/11 bắt 29 con, mỗi con khoảng 70 kg tại ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú. Vụ nhiều nhất là ngày 16/11 bắt 53 con, mỗi con khoảng 70 kg tại ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú, còn vụ mới nhất là 8 con, vào tối 26/11. Tất cả đều không giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Theo đại tá Huyền, các đối tượng lợi dụng đêm tối, lực lượng mỏng nên tuồn heo bằng đường thủy từ Campuchia sang Việt Nam. Hiện nay tại 2 bên biên giới, giá lợn trung bình chênh lệnh nhau từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, còn nếu sâu vào nội địa sẽ cao hơn. Đồng thời, gần tết nhu cầu thị trường cao nên các đối tượng người Campuchia đã cấu kết với thương lái người Việt Nam vận chuyển trái phép từ bên kia qua biên giới vào An Giang. “Ngoài việc ngăn chặn, các đồn biên phòng còn tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển heo nhập lậu”. Đại tá Huyền cho hay.
Trắng đêm ngăn heo lậu
Thiếu tá Lê Ngọc Tuấn, Phó trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình (An Phú, An Giang) cho biết, trước tình hình heo từ Campuchia tuồn qua biên giới, đơn vị ngoài việc tuần tra kiểm soát đã ngăn chặn và bắt được nhiều vụ.
Hiện tại, đơn vị lập 5 tổ công tác chốt chặn ở các điểm để ngăn chặn không để heo tràn sang, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dịch tả châu Phi. "Đến nay có 4 chiến sỹ bị sốt xuất huyết do muỗi cắn phải vào bệnh viện cấp cứu. Anh em túc trực 24/24, phục kích, ngủ võng hay ngủ nhờ trên bè cá dân làm nhiệm vụ với quyết tâm ngăn chặn, không để heo lậu tuồn qua biên giới”, thiếu tá Tuấn nói.
Địa bàn Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình quản lý dài 15 km, tuy nhiên có đến hơn 11 km là chung dòng sông với Campuchia, còn 4 km là đường bộ. Vì thế công tác đấu tranh, đánh bắt buôn lậu gặp rất nhiều khó khăn.
Trung tá Lại Xuân Trường, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình cho biết, đặc điểm chung dòng sông nên khi buôn lậu phát hiện là chúng lập tức quay trở về hay chạy nửa sông bên Campuchia, mình biết đó là hàng lậu nhưng cũng không bắt được. "Thấy mình mật phục hay tuần tra thì chúng cũng sợ, đó cũng là biện pháp ngăn chặn hàng lậu tuồn sang nước ta", Trung tá Trường nói.
Trung úy Lâm Văn Vụ đang làm nhiệm vụ tuần tra cho biết, chiều rộng sông khoảng 200m, buôn lậu chạy xuồng máy công suất lớn sang sông cái vèo rồi đưa hàng lên bờ có xe đậu sẵn chỉ trong tích tắc. Vì thế, nếu tiếp cận trễ vài phút là coi như trắng tay.
Biên phòng tuần tra ngăn chặn heo lậu ở An Phú
Ông Trần Tiến Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y An Giang cho biết, từ đầu năm đến tháng 10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.223 điểm dịch tả lợn châu Phi, xảy ra tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/11 huyện, thị xã, thành phố và tiêu hủy gần 28.000 con. Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhập heo lậu từ Campuchia sang Việt Nam, nguy cơ gây tái dịch.
(Còn nữa)
“Tôi thường xuyên chứng kiến tiếp viên, phi công của các đường bay có nguồn hàng nhập lậu chủ lực như Úc, Hàn Quốc,...
Nguồn: [Link nguồn]