Buôn hàng "xách tay" có thể bị phạt tới 200 triệu: Muôn chiêu đối phó
Từ 15/10, buôn bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu, song cơ quan thực thi e ngại vẫn chưa đủ để ngăn chặn hành vi buôn lậu này.
Kinh doanh hàng xách tay mà không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan (hàng nhập lậu), có giá trị 100 triệu đồng có thể bị phạt tới 200 triệu đồng.
Giới buôn tìm “chiêu” đối phó
Hiện nay, kinh doanh hàng xách tay rất phổ biến và thậm chí còn được ưa chuộng trên thị trường do cách hiểu “đúng chất lượng nhưng mua được giá rẻ” của người tiêu dùng khi mặt hàng này được “xách về” nên không phải chịu thuế.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ 15/10 khi thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP được nâng lên theo hướng tăng mức phạt nặng. Trong đó, buôn bán hàng hàng xách tay có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trái ngược với tâm lý lo lắng, giới buôn hàng xách tay vẫn tự tin với cách bán hàng của mình mặc dù đã nắm rõ những thay đổi của Nghị định mới về tăng mức xử phạt.
Chị H. (Khâm Thiên, Hà Nội), một lái buôn chuyên ôm hàng xách tay từ EU để phân phối cho các đại lý khác khá tự tin khi chia sẻ: "Chúng tôi sẽ chia hàng ra nhiều kho và để nhiều nơi thì giá trị của hàng sẽ ít đi. Trên các trang mạng cũng sẽ thay đổi, không bán nhiều sản phẩm trên cùng trang mà sẽ lập nhiều trang khác nhau để bán."
“Tôi không sợ bị xử phạt, vì hàng của chúng tôi đúng chất lượng sẽ tự thu hút khách cho dù chúng tôi không rao bán”, chị H. nói.
Cũng theo chị H., trong trường hợp bán cho khách buôn thì chỉ giao cho những mối quen nhất định. Sau đó, đảo khách và các địa điểm với nhau trong khoảng thời gian đủ dài để khi có “bị lọt tầm ngắm” cũng không làm gì được.
Tương tự, chị Trang (Mỹ Đình), cũng rất yên tâm khi bán hàng xách tay tại nhà, trong một chung cư cao cấp có bảo vệ kiểm tra nghiêm ngặt việc ra vào nên việc lực lượng chức năng “đột kích” là rất thấp.
Theo chị Trang, chị làm nghề này được hơn 2 năm nay. Thường thì cứ 2 tháng 1 lần, chị lại bay sang Nhật, Úc, Anh để nhập hàng. Với lợi thế chồng làm về lĩnh vực hàng không nên chị khá thuận lợi để đưa hàng về.
“Phần lớn hàng được mua vào những dịp săn sale nên giá rẻ hơn nhiều, lại không mất phí thuế theo nhập khẩu nên khách rất chuộng”, chị Trang nói.
Ngoài những “chiêu” đối phó, giới buôn cũng ồ ạt xả, thanh lý hàng xách tay giá siêu rẻ trước lệnh xử phạt mới. Các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng trong gia đình với mức giảm 5-15% cho giá trị mỗi đơn hàng và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại…
Tăng tính răn đe chưa đủ!
Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10 quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu. Mức phạt thấp nhất là 500.000-1 triệu đồng áp dụng với giá trị hàng hóa dưới 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng, phạt từ 40-50 triệu đồng. Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng). Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng). |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Hà, đội trưởng đội QLTT số 17 (đội cơ động) nhận định, mặc dù bản chất Nghị định 98/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm ra đời với mức phạt được nâng lên có tăng tính răn đe từ đó giúp hạn chế hoạt động này, tuy nhiên, nó cũng có thể khiến việc thực thi thêm khó khăn.
Ông Hà cho rằng, bắt được đã khó, việc tăng mức phạt khiến giới buôn cảnh giác hơn và tìm cách đối phó dưới nhiều hình thức khi hoạt động này ngày càng tinh vi.
Hơn nữa, việc kinh doanh những mặt hàng này sẽ không đăng ký kinh doanh, đồng nghĩa với việc địa điểm kinh doanh không có, cũng không biết được chủ thể chịu trách nhiệm nên khi mức phạt càng nặng, họ càng sẵn sàng bỏ hàng khi bị phát hiện.
“Cũng phải nói rằng, hàng xách tay là rất nhiều nhưng thường kinh doanh nhỏ, phần lớn bán online một vài mặt hàng mỹ phẩm nên họ cũng không quan tâm đến mức phạt răn đe này.
Còn một số phố hàng xách tay có tiếng như Nguyễn Sơn (Long Biên), người ta thường tráo khái niệm hàng xách tay để dễ bán do tâm lý sinh ngoại của người dân, nhưng thực tế đến 90% là hàng nhập khẩu. Nếu kiểm tra thì cũng chỉ bị phạt lỗi hàng nhập nhưng quên gián nhãn phụ”, ông Hà thông tin.
Ông Tô Sơn Hồng, đội trưởng đội QLTT huyện Thanh Trì cũng cho rằng, việc xử phạt trong lĩnh vực này cũng đã áp dụng trước đó và theo những thực tế triển khai thì xử phạt chỉ chiếm một phần. Quan trọng vẫn là làm sao “đe” tận gốc, có nghĩa là chúng ta phải ngăn chặn từ 2 nguồn.
“Nếu kiểm soát theo chính ngạch thì phải đồng bộ từ cơ quan Hải Quan, kiểm soát thật chặt luồng này. Song song đó là kiểm soát từ nguồn hàng qua biên giới tránh việc thẩm lẩu vào nội địa.
Để làm được điều này, sự đồng bộ giữa các ngành cần bền chặt bởi lâu nay vẫn là chỉ nổi lên trong một thời điểm nhất định, một vài vụ việc mà chưa có sự thống nhất cao giữa các ngành liên quan”, Ông Hồng bày tỏ.
Cũng theo ông Hồng, ngoài chế tài và sự kết nối bộ ngành, cũng cần có sự khích lệ đối với những đơn vị thực thi trực tiếp. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy tính sáng tạo, năng nổ từ những chiến dịch thực tế.
“Việc đối phó với kinh doanh hàng xách tay không dễ do sản phẩm thường được phân tán nhiều nơi không có địa chỉ rõ ràng, nên muốn biết ở đâu cần mất nhiều thời gian, công sức để theo dõi.
Hơn nữa, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này cũng cần báo cáo quy trình và xin chấp thuận của địa phương nên những vụ nhỏ lẻ thường bị bỏ qua nên việc phân cấp nhóm hàng và tăng thưởng phạt cũng là giải pháp thúc đẩy”, ông Hồng chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Tới đây, nếu kinh doanh hàng xách tay không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ sẽ bị phạt lên tới 200 triệu đồng....