Bức xúc vì sập bẫy "quả lừa" khi mua hàng trên Facebook

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhận phải hàng cũ, hàng không đúng theo mô tả, thậm chí chuyển khoản nhưng không nhận được hàng… là những rắc rối người tiêu dùng gặp phải khi mua hàng trên Facebook.

Chuyển khoản nhưng không nhận được hàng

Phản ánh đến PLO, chị Thanh Mai (quận 2, TP.HCM) cho biết chị đăng ký mua một bồn tắm nằm trị giá 6 triệu đồng, trên một trang Fanpage chuyên cung cấp các loại bồn tắm cao cấp.

Người bán yêu cầu chị chuyển khoản 50% giá trị mặt hàng, tuy nhiên khi thực hiện giao dịch thành công, chị Mai không nhận được hàng và không thể liên lạc với người bán.

Trang Fanpage chị Mai đã mua bồn tắm nhưng không được giao, khi tìm kiếm trang này đã bị đổi tên và chặn người mua. Ảnh: T.H

Trang Fanpage chị Mai đã mua bồn tắm nhưng không được giao, khi tìm kiếm trang này đã bị đổi tên và chặn người mua. Ảnh: T.H

“Sau khi chuyển khoản thành công, người bán xác nhận số tiền đã nhận được và hứa sẽ lắp bồn tắm cho tôi sau 2 ngày. Tuy nhiên hơn một tuần tôi không nhận được bất cứ thông tin gì về bồn tắm mà mình đã đặt. Khi liên hệ với Fanpage thì họ đã chặn tôi trước đó”- chị Mai cho biết.

Chị Mai cho biết thêm, khi mượn máy bạn bè để vô tìm Fanpage thì mới biết trang này đã đổi tên. “Lỗi do tôi quá tin tưởng với người bán, nên khi mất tiền, tôi thực sự không có số điện thoại cũng như địa chỉ nơi bán để liên hệ”- chị nói.

Giống như chị Thanh Mai, chị Dương Khánh Ly (Thủ Đức, TP.HCM) cũng rơi vào tình cảnh mất tiền mất cả hàng hóa. Theo chị Ly, vào tháng trước, chị có mua hai vé may bay một chiều cho hai người lớn chặng Hà Nội- TP.HCM của một người tên Nguyễn Nương.

Khi thực hiện chuyển khoản xong, chị Ly gọi điện thoại lên tổng đài để kiểm tra thì nhân viên cho biết hiện hai vé của chị chưa được thanh toán và quá thời hạn thanh toán nên tự động hủy.

“Sau khi gọi lên tổng đài tôi vội liên lạc với người bán, nhưng người này không trả lời, số điện thoại cũng không gọi được. Rất may tôi đã mua lại được vé mới để có thể bay về Hà Nội”.

Theo chị Ly, giá vé máy bay của người này bán rẻ hơn so với giá website, và được thông báo là tài khoản có ưu đãi nên mới có giá vé đó.

“Điều này khiến tôi rất mừng vì mua được giá vé máy bay rẻ, nên không ngần ngại chuyển khoản. Khi biết mình bị lừa tôi có đăng lên nhóm mua bán đó, thì mới biết rất nhiều người cũng bị đối tượng trên lừa đảo”, chị Ly kể.

Mua cục phát sóng wifi, nhận cục sạc điện thoại

Anh Nguyễn Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, anh mua cục phát sóng WiFi trị giá 300 ngàn đồng trên một Fanpage có lượt tiếp cận lên đến hàng nghìn người. Tuy nhiên khi giao về, anh chỉ nhận được một cục sạc pin và hai cuốn sổ bé.

Theo anh Bình, Fanpage này có lượt thích từ người dùng rất lớn, đồng thời có địa chỉ kinh doanh kèm số điện thoại nên anh tin tưởng. Theo đó địa chỉ cửa hàng ghi rất rõ "Thiết bị công nghệ cao- Ngõ 89, Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liên, Hà Nội", nhưng khi nhờ bạn bè kiểm tra lại thì ở địa chỉ này không có cửa hàng nêu trên.

"Khi nhận được hàng, tôi rất bất bình và có nhắn tin trên Fanpage này về sản phẩm nhận được, song không có phản hồi. Khi gọi điện đến số điện thoại được chính người bán cung cấp trước đó thì không nhận được phản hồi nào”, anh Bình bức xúc.

Cũng giống như anh Bình, anh Vũ Hoàng (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết anh thực hiện mua đồng hồ xách tay từ một Fanpage có tên "Minh Vũ Store".

Theo anh Hoàng, khi nhắn tin trao đổi sản phẩm, người bán cam kết đây là đồng hồ Apple Watch chính hãng, được xách tay từ Nhật về nên không mất thuế. Kèm với đó, cửa hàng đang xả lỗ 200 chiếc giảm giá 70% để thu hồi vốn, nên anh Hoàng đã nhanh chóng mua sản phẩm.

"Khi nhận hàng, tôi phát hiện đồng hồ đã bị trầy xước, cũ, sau đó không hoạt động, khi liên hệ lại thì người bán không hồi âm"- anh Hoàng cho biết.

Người bán cung cấp địa chỉ "ma" để tạo lòng tin cho người mua hàng. Ảnh: T.H

Người bán cung cấp địa chỉ "ma" để tạo lòng tin cho người mua hàng. Ảnh: T.H

Cũng như anh Bình, anh Hoàng cho hay, Fanpage có hơn 10 ngàn lượt theo dõi. Có địa chỉ kinh doanh ghi rõ “số 489 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng" cũng như số điện thoại liên hệ cụ thể nên anh rất tin tưởng.

Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hải Phòng, phía đơn vị cho biết địa chỉ trên không tồn tại, và người bán này chưa đăng ký kinh doanh tại địa bàn.

Theo những người bị hại khi mua hàng trên Facebook, đặc điểm chung của những vụ lừa đảo này, đều là những trang cá nhân hoặc trang Fanpage có lượt theo dõi lớn, chạy quảng cáo rầm rộ để tạo uy tín cho người mua hàng.

Khi giao hàng, người bán sẽ không cho khách xem hàng, hoặc kiểm hàng trước mà chỉ xem hàng sau khi đã thanh toán thành công số tiền ghi trên đơn hàng. Khi xảy ra sự cố, các đối tượng này thường từ chối khiếu nại bằng cách chặn Facebook, hoặc không xem tin nhắn.

Hầu hết những người mua hàng như chị Thanh Mai, anh Bình hay anh Minh Hoàng… đều ngậm ngùi chịu mất tiền bởi không biết “kêu” ai. “Nhiều người nghĩ rằng, mất vài trăm nghìn nên thôi cho qua, nhưng nhiều người bị mất vài trăm nghìn như tôi cộng lại, thì đó là số tiền lớn. Vô hình chung nếu không có cơ chế quản lý, thì Facebook không khác gì cái nôi của đồ giả, lừa đảo”-anh Hoàng bày tỏ.

Cũng theo anh, không giống như sàn thương mại điện tử, khi người mua gặp các vấn đề rắc rối khi mua sản phẩm, sẽ được sàn thương mại điện tử đứng ra bảo vệ quyền lợi. Nhưng ở Facebook, quyền lợi người tiêu dùng luôn bị phớt lờ dù mua phải hàng giả, hàng nhái thương hiệu lớn, thậm chí là bị lừa số tiền lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Thiếu nữ 23 tuổi bán combo du lịch giá rẻ lừa đảo hơn 3,5 tỷ đồng

Trần Thị Ngọc khai nhận đã nhặt được CMND của một người khác sau đó đem mở hai tài khoản ngân hàng, lập trang Facebook...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THU HÀ ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN