Bóc mẽ cơ sở sản xuất nước giặt nhãn hiệu cao cấp bằng... “công nghệ xô chậu”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Một cơ sở sản xuất đang thực hiện pha chế hơn 2.000 can nước giặt giả mạo nhãn hiệu D-nee, 400 can nước giặt nhãn Comfort thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Hàng nghìn can nước giặt giả mạo bị phát hiện

Theo đó, ngày 6/4 vừa qua, đội Quản lý thị trường số 17 (cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của công ty TNHH hóa mỹ phẩm T&T Á Châu do ông Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1994, có hộ khẩu thường trú tại thôn Phú Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) làm chủ.

Xưởng sản xuất nằm trên một ngã ba lớn tại thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Địa điểm này khác so với địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cơ sở đã đăng ký với sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Thời điểm lực lượng chức năng ập đến kiểm tra, các công nhân tại xưởng sản xuất đang làm việc bình thường.

"Công nghệ xô chậu" được sử dụng tại hiện trường

"Công nghệ xô chậu" được sử dụng tại hiện trường

D-nee, Comfort là 2 sản phẩm chính của xưởng sản xuất này

D-nee, Comfort là 2 sản phẩm chính của xưởng sản xuất này

Tại hiện trường, đội Quản lý thị trường số 17 ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D- nee cùng 05 chiếc mô-tơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.

Tại xưởng, chủ cơ sở đã phân chia thành nhiều khu sản xuất, khu thành phẩm rất chuyên nghiệp như: Khu nguyên liệu 1 và 2, khu bán thành phẩm, khu thành phẩm, khu sản xuất, kho hàng... Đáng nói, để sản xuất ra các sản phẩm nước giặt, nước xả vải, chủ cơ sở đã sử dụng một loạt “công nghệ xô chậu” với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, tại một góc bên trong xưởng sản xuất có rất nhiều vỏ can các nhãn hiệu có dấu hiệu đã qua sử dụng trong tình trạng thủng, méo cùng một lượng lớn vỏ can nhựa trắng trong tình trạng mới, chưa dán nhãn các thương hiệu.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Thái - chủ cơ sở sản xuất cho biết, cơ sở này nhập chai, thùng để đóng nước giặt, nước xả vải từ một cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nhãn mác đều mang tên của các thương hiệu nổi tiếng, nhưng được nhập theo thùng, theo cân

“Chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm để xác định mức độ vi phạm của sản phẩm”, ông Nguyễn Đạo An - Phó Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 17 cho hay. Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ để xử lý theo quy định.

Nước giặt nhãn hiệu giả bị phát hiện ở Thái Nguyên

Đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, hơn 2.000 can nước giặt nhãn hiệu D-nee đã bị cơ quan Công an tỉnh Thái Nguyên thu giữ.

Mới đây, Công an TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phát hiện vụ việc có dấu hiệu về tội phạm “Buôn bán hàng giả” với tang vật là gần 2.500 can nước giặt nhãn hiệu D-nee.

Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo Công an TP. Thái Nguyên cho biết: "Trước đó, vào hồi 7h ngày 6/1/2021, tại tổ 7, phường Đồng Quang TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, đội Cảnh sát kinh tế phối hợp với đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Thái Nguyên phát hiện 3 xe ô tô (gồm 1 xe ô tô nhãn hiệu Ford Everest, 2 xe tải chở hàng) có biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên các xe có tổng cộng 620 thùng nước giặt nhãn hiệu D-nee (bên trong chứa 2.480 can nước giặt thể tích 3l), chủ lô hàng trên là Dương Hải Vinh (38 tuổi) trú tại xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội.

Khi đó, các đối tượng đã không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng, tất cả các đối tượng, tang vật được đưa về cơ quan Công an lấy lời khai để xác minh, xử lý.

Qua xác minh với đơn vị chuyên phân phối, nhập khẩu nhãn hiệu nước giặt D-nee, các nhãn phụ được in, dán trên hơn 2.000 can nước giặt là giả. Theo đó, Vinh khai nhận mua số hàng trên qua mạng internet với giá 217 triệu đồng, vận chuyển từ Hà Nội về Thái Nguyên để tiêu thụ. Ngay sau đó, cơ quan Công an đã tạm giữ số hàng trên và đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc giả mạo nhãn hiệu D-nee và Comfort của công ty TNHH hóa mỹ phẩm T&T Á Châu ở Sóc Sơn, TP. Hà Nội, đội Quản lý thị trường số 17 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về trụ sở Đội để bảo quản. Đồng thời niêm phong toàn bộ mô-tơ điện dùng để pha chế thành phẩm tại địa chỉ sản xuất và giao cho chủ cơ sở tự bảo quản, trông giữ.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiêm ngững chú chó Bắc Hà có giá chuyển nhượng “khủng” nhất Việt Nam

Tam Mao sở hữu những đặc tính nổi trội của giống chó Bắc Hà như bước chạy uyển chuyển, thay đổi hướng khéo léo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Huyền - M.Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN