Nhận diện rau củ bị phun hóa chất "trăm phát trăm trúng"
Nếu mua phải rau củ dư lượng chất kích thích, thuốc trừ sâu, người dân sẽ phải đối mặt với không ít nguy hại cho sức khỏe.
Tác hại khi ăn rau củ tồn dư hóa chất
Rau củ quả là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người. Để đạt được hiệu quả cao trong quá trình canh tác, người nông dân buộc phải sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nhằm phòng tránh sâu bệnh.
Tuy nhiên do người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá tràn lan, thiếu tính khoa học, dẫn đến dư lượng của các loại hóa chất đọng trong các loại rau, quả vượt quá mức độ cho phép, gây tác hại cho người tiêu dùng khi tiêu thụ các loại nông sản này. Điều này gây không ít sự lo lắng cho người tiêu dùng.
Rau củ quả tồn dư hóa chất sẽ gây tác hại cho người tiêu dùng.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhóm thuốc bảo vệ thực vật có chứa Clo khi phun cho rau quả sẽ tạo thành hợp chất Perexit rất độc hại cho người sử dụng. Ngoài ra, các hợp chất thuốc bảo vệ thực vật có chứa phospho rất độc hại với hệ thần kinh và cơ quan nội tạng của động vật và con người.
Khi ăn phải các loại rau quả có chứa các hoá chất độc hại này thì cơ thể con người không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống, gây nên nhiều bệnh tật nguy hiểm trên con người như đãng trí, giảm thị lực và sức đề kháng...
Các hoá chất bảo vệ thực vật độc hại không chỉ được người nông dân phun trừ sâu, bệnh, cỏ dại, phun trên rau quả mà còn được dùng trong bảo quản, lưu trữ rau quả khi vận chuyển nhằm tránh bị thối.
Những hoá chất này khi tích luỹ trong cơ thể đến một liều lượng nhất định có thể gây đột biến gen ở một số bộ phận trong cơ thể con người làm cho một số tế bào phát triển bất thường, đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư.
Chính vì các loại hoá chất bảo vệ thực vật gây độc hại tới sức khoẻ con nguời nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục "Qui định các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau quả".
Cách nhận biết rau củ chứa thuốc trừ sâu, thuốc kích thích
Rau cải
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), rau cải là loại rau thu hút nhiều sâu bọ khi trồng trên đất. Vì vậy các chủ vườn thường tăng cường tưới thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau vào thời gian trước khi thu hoạch. Khi đưa vào sử dụng, dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong rau còn rất cao do không có đủ thời gian để phân hủy.
Rau cải xanh non mơn mởn, không có dấu vết của sâu bọ, thân chắc mập và đều tăm tắp một cách bất thường là dấu hiệu rau được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên ăn những bó rau cải như vậy, đặc biệt là để ăn sống.
Rau muống
Rau muống có nguy cơ nhiễm nhiều thuốc trừ sâu, thuốc kích thích hay nhiễm chì. Rau muống sạch có thân rắn chắc, lá màu xanh tự nhiên.
Ngược lại, rau muống bẩn thường có thân to hơn bình thường, lá xanh đen do bón nhiều hóa chất.
Nước luộc rau để nguội chuyển sang màu xanh đen, có vẩy đen kết tủa là rau không an toàn. Rau bị nhiễm chì khi ăn thường có vị chát.
Mồng tơi
Rau mồng tơi an toàn có màu xanh nhưng không bóng mượt; thân hình nhỏ hơn; lá nhỏ và mỏng có thể có đốm sâu.
Ngược lại mồng tơi chứa nhiều hóa chất có mầu xanh lợt nhưng lá óng mướt, ngọn vươn dài, mẫm mụp, không có biểu hiện gì của sâu bệnh.
Rau cần nước
Nếu bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, thân rau sẽ to, ngó trắng bất thường. Nếu để một ngày không nhúng nước, rau sẽ khô héo, thân tóp lại.
Dưa chuột
Dấu hiệu dưa chuột có chứa nhiều chất hóa học là luôn có màu xanh đậm bắt mắt. Quả đều, thon và bóng bẩy, có thể có những vết ố vàng.
Khi ăn thường sẽ rất nhạt, không có vị thanh mát và ngọt như dưa sạch, đôi khi còn ngửi thấy mùi hắc khó chịu. Ngoài ra, dưa leo có chất kích thích còn mềm và dễ nát
Khi chọn mua dưa chuột nên chọn quả đều màu, cầm chắc tay, không có vết thâm hay màu ố vàng.
Mướp đắng
Mướp đắng sạch cho trái nhỏ hơn quả dài và có nhiều gân nhỏ li ti.
Ngược lại mướp đắng chứa chất kích thích sinh trưởng sẽ cho trái to hơn có màu xanh đậm, da láng bóng.
Súp lơ
Súp lơ sạch thường ra hoa ít đồng đều và sần sùi. Ngược lại thì súp lơ chứa nhiều hóa chất sẽ cho ra những bông rất đều nhau. Ngoài ra cuống của chúng có màu xanh đậm hơn nhiều so với súp lơ thường.
Cà rốt
Cà rốt nhiễm hóa chất có màu đỏ tươi đậm, đầu thường bị đen do để lâu và được ngâm hóa chất. Hình dạng rất to, đều củ; không có cuống hay rễ.
Bắp cải
Bắp cải hóa chất thường có kích thước nhỏ gọn hơn bắp cải thường, lá bên ngoài màu xanh đậm, lá cuộn không chặt và dễ bóc.
Giá đỗ
Những cọng giá đỗ mập mạp, thân trắng phau, ít rễ trông rất hấp dẫn và ngon mắt. Tuy nhiên, rất có thể chúng được sử dụng hóa chất kích thích độc hại trong quá trình sản xuất.
Để giá đỗ to mập mạp, khi hạt đỗ nảy mầm, nhiều người dùng phân bón lá trộn với thuốc trừ sâu pha loãng tưới lên mầm rồi ủ kín. Hỗn hợp này sẽ giúp giá đỗ nảy mầm và phát triển nhanh nhưng lại rất độc hại. Loại giá đỗ này khi xào sẽ tiết ra thứ nước đục ngầu.
Đậu cô ve
Những quả đậu cô ve bóng, ít lông tơ, dài, đốt nào rõ đốt nấy là kết quả của việc lạm dụng phân bón lá.
Nếu tất cả số đậu được bày bán đều không có vết sâu bọ, chứng tỏ đậu đã bị phun thuốc trừ sâu trước khi đưa ra tiêu thụ.
Chỉ với vài dấu hiệu đơn giản, chị em đã có thể phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn chứa chất cấm.
Nguồn: [Link nguồn]
-25/02/2025 12:15 PM (GMT+7)