Bỏ nghề làm muối, lão nông Bến Tre thành tỷ phú nhờ nuôi tôm công nghệ cao
Từ một nông dân nghèo sống nhờ vào nghề muối bấp bênh, lão nông Bến Tre đã quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm công nghệ cao. Nay, ông đã có thu nhập hàng chục tỷ mỗi năm.
Biết nắm bắt cơ hội để làm giàu
Trại nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Minh Nhủ tại ấp Phú Thạnh, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, hiện nay đã trở thành “một điểm sáng” ở khu vực này. Chỉ cần tới địa phương, nói đến tên ông Út Nhủ, ai cũng biết đến trại nuôi tôm của ông và câu chuyện làm giàu từ việc bỏ nghề muối chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao.
"Những năm làm muối cực khổ lắm, mưa nắng thất thường khiến ruộng muối mất trắng, còn khi có muối thì lại bị thương lái ép giá, thu nhập chẳng đủ chi tiêu", ông Nhủ nhớ lại những tháng ngày khó khăn.
Thời đó, nhà ông làm 2ha đất làm muối. Cả gia đình trông chờ vào nguồn thu từ nghề này nhưng thu về chẳng đủ chi tiêu. Cuộc sống nghèo khó và việc thất bại liên tục khiến ông quyết định tìm kiếm cơ hội mới.
Ông Nhủ quyết định nghỉ nghề làm muối để chuyển sang nghề nuôi tôm.
Năm 2010, xã Bảo Thạnh bắt đầu chuyển hướng sang nuôi tôm, ông Nhủ cũng không ngoại lệ. Ban đầu, ông vẫn kết hợp giữa nghề muối và nuôi tôm, như một cách để "dự phòng" khi nghề mới chưa mang lại hiệu quả. Sau đó, nhận thấy tiềm năng phát triển từ loài thủy sản này, năm 2014, ông quyết định chuyển hoàn toàn sang nuôi tôm biển thâm canh trên toàn diện tích 2ha của gia đình.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn ban đầu do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, ông vẫn quyết không bỏ cuộc vì nhận thấy thu nhập từ nghề này ổn hơn. Sau những lần thất bại, ông quyết định tìm đến các mô hình nuôi tôm tiên tiến từ những nông dân đi trước để học hỏi. Sự kiên trì và quyết tâm của ông dần được đền đáp, khi ông bắt đầu thu được những vụ tôm trúng mùa, thu nhập ngày càng nâng cao.
Chủ động học hỏi để tối ưu mô hình làm kinh tế
Năm 2017, ông Nhủ bắt đầu mạnh dạn đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao. Ông áp dụng hệ thống nuôi tôm khép kín với hai giai đoạn, giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng nước và môi trường sống của tôm. Đặc biệt, ông đã cải tiến ao nuôi bằng cách phủ bạt đáy ao và sử dụng màng lưới để che chắn, ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài.
Ông nuôi tôm công nghệ cao nên tỷ lệ thành công lên đến 95%.
Cùng với đó, ông trang bị hệ thống cho ăn tự động và giám sát mọi hoạt động của trại tôm qua điện thoại thông minh. Nhờ vậy, ông có thể theo dõi các yếu tố như thức ăn và sức khỏe của tôm một cách chặt chẽ, từ đó tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Sau khi áp dụng công nghệ, tỉ lệ thành công của mỗi vụ nuôi tôm của ông đạt đến 95%.
Sau vụ nuôi đầu tiên trong năm, với diện tích 2ha mặt nước, ông thu hoạch được hơn 15 tấn tôm. Sau khi trừ mọi chi phí, ông tính còn lãi trên 700 triệu đồng, số lãi này cao gấp đôi so với nuôi theo hình thức truyền thống.
Nhờ lợi nhuận từ vụ tôm đầu tiên, ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi, và hiện nay, ông đã sở hữu tới 18 ha mặt nước nuôi tôm, đạt sản lượng 400 tấn mỗi năm. Tổng thu nhập hàng năm của ông lên tới 45 tỷ đồng, trong đó lãi sau khi trừ chi phí là hơn 20 tỷ đồng.
"Một vụ tôm thẻ chân trắng sẽ cần nuôi khoảng 3 tháng sẽ đạt 25-30 con/kg là có thể xuất bán. Nếu nuôi về size 20 – 25 con/kg thì 4 tháng. Thông thường, tôi nuôi chỉ 3 tháng nên mỗi năm tôi nuôi 4 vụ. Mà tôi nuôi xen kẽ nhau nên là quanh năm đều có tôm để xuất bán ra thị trường”, ông chia sẻ.
Trại tôm nhà ông có thể đem lại cho ông hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông, để nuôi được tôm thành công, người nuôi cần chú ý rất nhiều trong việc chăm sóc. Nguồn nước cần đáp ứng sạch, đủ một số điều kiện, tiêu chí nuôi tôm và con giống cũng cần đảm bảo, rồi đến thức ăn của tôm… Vì vậy, người nuôi cũng cần học hỏi và nắm vững những kỹ thuật nhất định mới có thể thu lại lợi lớn.
Từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông không chỉ trở thành tỷ phú mà còn ông đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Ông tạo việc làm cho 18 lao động địa phương, với thu nhập bình quân mỗi người lên tới 9 triệu đồng/tháng, đồng thời đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội.
Với những đóng góp lớn lao và thành tích xuất sắc, ông Nhủ đã được tôn vinh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2024. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông được xem là tấm gương tiêu biểu để nhân rộng trong khu vực, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Bắt đầu nuôi tôm từ những đầu năm 2000, người phụ nữ này đã có thu nhập “khủng” và trở thành một thành viên của hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre.
Nguồn: [Link nguồn]