Bộ Công thương lưu ý đặc biệt về mặt hàng thịt heo

Hai Bộ đã thống nhất nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt heo chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước.

Bộ Công thương cho hay mới đây đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2019, cung cầu các mặt hàng thiết yếu bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Riêng đối với mặt hàng thịt heo do Dịch tả heo Châu Phi bùng phát trên cả nước, số lượng heo mắc bệnh và phải tiêu hủy lớn đã ảnh hưởng đến nguồn cung của sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Từ tháng 3-5 do người tiêu dùng lo ngại về chất lượng và dịch  bệnh đã khiến giá thịt heo giảm sâu. Nhưng từ cuối tháng 6 giá heo đã tăng trở lại, hiện đang ở mức rất cao do nguồn cung giảm mạnh.

Để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng trong những tháng cuối năm và dịp tết, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tại các báo cáo tháng 6, 8, 9 và tháng 10 về một số biện pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa.

Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở ngành phối hợp triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt heo. Các địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt heo qua biên giới không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt heo trong nước.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường cuối năm và tết Nguyên đán. Cũng như phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc bảo đảm nguồn cung thịt heo nói riêng và thực phẩm nói chung cho thị trường, phục vụ bình ổn thị trường.

Đáng chú ý hồi tháng 10, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và tết đối với mặt hàng thịt heo để Bộ có căn cứ điều hành thị trường hợp lý. Bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt heo.

Nguồn cung giảm mạnh làm giá heo hơi đang tăng cao.

Nguồn cung giảm mạnh làm giá heo hơi đang tăng cao.

Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và tết Canh Tý 2020. Theo đó yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố… có phương án chuẩn bị nguồn hàng trong đó chú trọng đến mặt hàng thịt heo, có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo khi có có nhu cầu...

Bộ còn có chỉ thị yêu cầu các cơ quan trên đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung... Tăng cường truyền thông khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt heo. Và sử dụng thịt heo đông lạnh thay thế thịt heo nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...

Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục theo dõi sát diến biến thị trường thịt heo, kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng đã có kế hoạch làm việc với UBND một số tỉnh, thành phố có nguồn cung, hệ thống phân phối mặt hàng thịt heo lớn về kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và tết.

Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ, hai Bộ đã thống nhất nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt heo chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá mặt hàng này.

TP.HCM cũng xem xét nhập khẩu thịt heo

Sở Công thương TP.HCM cho biết, để ổn định thị trường từ nay đến tết Nguyên đán, bên cạnh giải pháp căn cơ là xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, Sở đang tập trung các giải pháp như theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế thịt gia cầm, rau củ quả… Đôn đốc doanh nghiệp tiếp tục chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng thịt heo. Kích cầu các mặt hàng thay thế như thịt gia cầm, rau củ quả.

Trong trường hợp cần thiết, sẽ xem xét phương án tăng cường nhập khẩu thịt heo từ các nước như Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada... Hiện các doanh nghiệp bình ổn thị trường đều đã có kế hoạch, phương án nhập khẩu. Tổng thời gian từ lúc đặt hàng đến cửa hàng bán lẻ dao động 45-60 ngày.

Thiệt hại 5,7 triệu con lợn vì dịch, dân có đủ thịt lợn ăn Tết năm nay?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường liên tục nhấn mạnh thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi là chưa từng có trong lịch sử,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN