Bơ booth vào mùa thu hoạch, nông dân khốn khổ vì giá tuột không phanh
Với mong muốn làm giàu và nâng cao thu nhập, nhiều năm trở lại đây không ít người dân tại tỉnh Đắk Lắk đã không ngần ngại đầu tư, mở rộng diện tích cây bơ booth. Thế nhưng, hiện nay người nông dân đang đứng trước không ít khó khăn vì giá bơ booth trượt dốc chỉ còn 5.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua.
Rớt nước mắt vì giá bơ giảm tận đáy
Ông Bành Việt Tùng, trú tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho hay, gia đình ông đã đầu tư, trồng khoảng 3 ha bơ booth. Với diện tích này, năm 2015 gia đình ông thu được 15 tấn bơ booth, bán với giá 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, thời tiết khắc nghiệt nên toàn bộ diện tích bơ này bị mất mùa liên tiếp. Không chỉ vậy, giá bơ booth cũng ngày càng giảm dần. Vào vụ thu hoạch năm 2019, bơ booth có giá trung bình từ 15-20.0000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn 5.000 đồng/kg đối với bơ booth có mẫu mã đẹp.
Với diện tích 3ha, năm 2020 gia đình ông cũng chỉ thu được khoảng 3 tấn bơ booth, với tổng số tiền khoảng 15 triệu đồng. Trong khi đó, hàng năm, gia đình ông đều bỏ ra từ 70-80 triệu đồng đầu tư cho 1ha bơ booth.
Tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, bà Nguyễn Thị Gác cho biết, gia đình bà trồng khoảng 50 cây bơ booth xen canh trong 5 xào cà phê. So với mọi năm, năm nay vườn bơ của gia đình bà đậu trái nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, do bị sâu bệnh và côn trùng chích, nên da bơ xuất hiện nhiều đốm đen sần sùi. Chính vì vậy, khoảng 1 tháng nay khi bơ booth đến thời điểm thu hoạch, nhiều thương lái vào vườn xem nhưng chỉ lắc đầu ra về. Nhiều người lúc đầu trả cả vườn bơ của gia đình bà được tổng cộng 3 triệu đồng. Thế nhưng, chưa đầy 1 tuần sau, thương lái quay lại trả giá chưa được một nửa tiền so với ban đầu, rồi cũng bỏ đi. Không còn cách nào khác, gia đình bà chỉ biết ngậm ngùi để vườn bơ booth rụng dần.
Không ai mua, bà Nguyễn Thị Gác đành để bơ rụng dần.
Không bán được bơ booth, một hộ dân tại khối 7, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk để quả rụng làm phân cho cây trồng.
Là một thương lái mua thu mua bơ nhiều năm nay, bà Huỳnh Thị Thảo, trú tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tôi đã thu mua bơ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ giá bơ booth lại tụt dốc và khó tìm đầu ra như hiện nay. So với cùng kỳ năm ngoái, sức tiêu thụ bơ booth năm nay giảm khoảng 60% so với mọi năm.
Nhiều hôm, đi thu mua bơ về nhưng tôi không biết bán cho ai vì không có mối tiêu thụ nên chỉ biết để bơ hư dần. Đặc biệt, mọi năm, thị trường Đà Nẵng là nơi tiêu thụ bơ booth rất lớn nhưng năm nay chỉ còn khoảng 50%. Chính vì vậy, nếu như mọi năm, mỗi ngày tôi thu mua và tiêu thụ đi các tỉnh từ 5-7 tạ bơ thì năm nay, cả tuần, chỉ tiêu thụ được 2-3 tạ nhưng rất trầy trật”.
Giá bơ trượt dốc và sâu bệnh khiến cho gia đình bà Gác mất trắng thu nhập từ cây bơ booth.
Theo bà Thảo, hiện nay giá thu mua tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg bơ booth có mẫu mã đẹp và chất lượng. Còn đối với những quả bơ bị đốm đen sần sùi trên da, mẫu mã xấu... thì chỉ có giá 1.000 đồng/kg, thậm chí không có ai mua. Trong khi đó, năm 2019, với lại bơ booth đẹp, chất lượng có giá trung bình từ 15-20.000 đồng/kg, còn với những loại bị lỗi, hàng xô vẫn được với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg.
Theo một lãnh đạo UBND xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, do thời tiết khắc nghiệt nên chất lượng bơ, đặc biệt là bơ booth năm nay giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Nhiều hộ làm, chăm sóc rất kỳ công nhưng chất lượng bơ vẫn không đạt.
Lối đi nào cho người nông dân?
Được mệnh danh là “vua bơ” ở Đắk Lắk, ông Trịnh Xuân Mười, SN 1974, trú tại thôn 9, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho hay, việc bơ rớt giá như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người nông dân. “Với những hộ dân ở Tây Nguyên trồng chuyên về cây bơ booth thì năm nay sẽ rất nghèo khó. Bởi trung bình, chi phí đầu tư, công chăm sóc cho 1ha bơ (với 400 cây) ít nhất là khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, với giá cả hiện nay, trung bình 1ha bơ booth, người dân chỉ thu hoạch được khoảng 50-70 triệu đồng/10 tấn bơ/năm”, ông Mười phân tích.
Vườn bơ booth sai quả của ông Trịnh Xuân Mười.
Ông Mười cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rớt giá bơ booth, trước hết là do ảnh hưởng của dịch bệnh và kinh tế khó khăn nên sức tiêu thụ bơ nói chung, đặc biệt là bơ booth nói riêng giảm mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay quá trình chăm sóc, chăm bón cho cây bơ booth của người dân chưa chuyên nghiệp và chưa đúng kỹ thuật. Điều này không chỉ khiến cho quả bơ không đảm bảo chất dinh dưỡng mà dễ bị sâu bệnh, côn trùng tấn công dẫn đến bơ bị hư hỏng, không đạt chất lượng.
Theo ông Mười, trong quá trình chăm sóc, người dân nên chú ý tạo tán cánh bơ, hạn chế sự phát triển chiều cao. Khi cho quả, hết thời điểm rụng sinh lý, người nông dân nên bọc quả bơ lại nhằm giúp cho quả bơ luôn giữ được độ bóng, đẹp, đảm bảo chất dinh dưỡng, không bị côn trùng chích hút và giảm thiểu việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây bơ.
Để đảm bảo chất dinh dưỡng cho quả bơ, ông Mười cho rằng, người dân cần chăm sóc, đầu tư, bón phân đúng kỹ thuật và bọc quả bơ lại để giữ được độ bóng cho bơ và tránh bị sâu bệnh, côn trùng tấn công.
Để tránh tình trạng giá bơ giảm giá không phanh, ông Mười cho rằng, người dân nên thành lập các hợp tác xã liên minh bơ và báo cáo cho các ban ngành địa phương để kết nối với các doanh nghiệp, đối tác khảo sát, sản xuất bơ theo từng vùng chuyên canh, phát triển cây bơ theo hướng bền vững. Để làm được điều này, trước hết người dân cần lựa chọn loại bơ mà thị trường trong nước và trên thế giới ưa chuộng và có nhu cầu tiêu thụ nhiều như: Bơ hass, bơ bin. Ưu điểm của những loại bơ này là bảo quản được thời gian dài, rất thuận lợi cho việc xuất khẩu. Mặt khác, người nông dân cần đồng lòng, đoàn kết cùng với các doanh nghiệp để tìm các đối tác, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu bơ thì chắc chắn sẽ không bị động trong việc tìm đầu ra như năm nay.
Được biết, gia đình ông Mười có hơn 10ha bơ các loại tại thôn Cao Thành (xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột). Nhờ ký hợp đồng với các đối tác, doanh nghiệp nhiều năm nay nên việc tiêu thụ bơ của gia đình ông không gặp trở ngại gì. Cụ thể, hiện nay trong khi người nông dân khốn khổ vì chỉ bán được 5.000 đồng/kg bơ booth thì ông vẫn bán với giá 20.000 đồng/kg. Để hướng đến thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, thời gian gần đây ông Mười đã cải tạo nhiều diện tích bơ booth, thay bằng dòng bơ hass, bơ bin. Bản thân ông rất mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và các loại giống bơ này đến người nông dân để cùng nhau đẩy mạnh thương hiệu bơ Đắk Lắk và tăng nguồn thu nhập.
Ông Mười cải tạo diện tích bơ booth, thay bằng bơ hass, bơ bin để hướng đến thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, vào năm 2013, tỉnh Đắk Lắk đã có quy hoạch phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Trong đó, thời điểm này theo quy hoạch cây bơ nói chung có diện tích dưới 5.000 ha. Sau này, theo chương trình đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng đã có quy hoạch về cây bơ trở thành 1 trong 2 cây chủ lực của tỉnh với diện tích trên dưới 5.000 ha. Một số năm trở lại đây, người nông dân trồng bơ booth tương đối nhiều. Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên việc ra hoa, đậu quả của cây bơ booth không ổn định dẫn đến việc được mùa, mất mùa rất thất thường.
Cũng theo ông Hiển, hiện nay diện tích bơ trên địa bàn tỉnh gần 7.000 ha (theo số liệu thống kê đến cuối năm 2019). Thực hiện chương trình đề án tái cơ cấu ngành, UBND tỉnh Đắk Lắk và sở NN&PTNT đã có chương trình hành động rất cụ thể trong việc định hướng phát triển cây ăn quả, trong đó có cây bơ. Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở cũng chỉ đạo rất quyết liệt, giao cho các chi cục kết nối thị trường, giới thiệu các mặt hàng và chương trình định hướng phát triển cây ăn quả nói chung và cây bơ nói riêng. Mặt khác, định hướng tập trung làm thương hiệu, làm chứng nhận và mã vùng trồng để nâng cao thương hiệu bơ Đắk Lắk. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thu hút các nhà máy, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển chế biến sâu, nhằm đa dạng hóa các phẩm để làm sao bơ chính vụ của Đắk Lắk ổn định giá cả.
“Khi đã có nhà máy chế biến rồi người nông dân không phải lo sợ sản phẩm bơ trồng ra bị thừa. Tỉnh cũng đang tuyển chọn những cây đầu dòng để làm giống trái vụ. Các ngành chức năng cũng đang định hướng, vận động người dân sản xuất tập trung để xác định các vùng chuyên canh nhằm thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho cây bơ”, ông Hiển thông tin.
Nguồn: [Link nguồn]
Vài năm trở lại đây, nhờ phát triển mô hình trồng hoa nhài, đời sống của người dân xã Đông Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội)...