Bí đỏ, cá tra rớt giá thảm hại, người dân loay hoay tìm đầu ra
Tuần qua, cá tra, bí đỏ rớt giá thảm hại trong khi giá cà phê trong nước phục hồi theo đà tăng của thế giới.
Bí đỏ mất mùa, rớt giá thảm hại
Những ngày gần đây, người dân huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai đang vào mùa thu hoạch bí đỏ. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, đúng thời điểm bí ra trái non nên sản lượng vụ này giảm chỉ bằng một nửa so với vụ trước đó. Không những vậy, trước khi vào chính vụ giá bí đỏ từ 8.000 – 10.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn chưa tới 3.500 đồng/kg.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, hiện trên địa bàn huyện người dân trồng hơn 200 ha bí đỏ. Năm nay do thời tiết thất thường, nắng hạn kéo dài khiến sản lượng bí giảm 50%. Giá bí đỏ xuống còn dưới 3.500 đồng dù chưa phải thấp lắm nhưng do người dân bị mất mùa nên chắc chắn lỗ.
Cá tra rớt giá, càng bán càng lỗ
Hiện ở ĐBSCL, giá cá tra rớt xuống còn 19.500 đồng/kg, dưới mức giá thành sản xuất 2.000 - 3.000 đồng/kg. Tính ra cứ thu hoạch 100 tấn cá thương phẩm, người nuôi lỗ 300 - 400 triệu đồng.
Nguyên nhân được cho rằng trong thời gian qua, diện tích nuôi trồng cá tra gia tăng ồ ạt, khiến sản lượng tăng nhanh. Cùng đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực của cá tra như Trung Quốc, Mỹ ngày càng gia tăng rào cản.
Giá cá tra giảm còn 19.500 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng.
Tuy vậy, tình hình chưa quá bi quan, dự đoán sau mỗi chu kỳ thị trường cá tra ảm đạm sẽ tự điều tiết, phục hồi. Dấu hiệu mới đây từ các cơ sở bán cá tra giống cho thấy cá tra giống bán chạy trở lại.
Tuần qua, giá cá tra giống tăng lên 21.000 - 22.000 đồng/kg, tăng lên 4.000 - 5.000 đồng/kg so 3 - 4 tháng trước đó. Được biết giá thành ương nuôi cá tra giống khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg, chưa tính phí nhân công lao động.
Lô nhãn Việt Nam nhập khẩu lần đầu tiên vào Australia bị dừng thông quan
Thương vụ Việt Nam tại Australia (Bộ Công thương) vừa cho biết ngày 7/9, lô nhãn Việt Nam nhập khẩu lần đầu tiên vào Australia đã bị Cơ quan Kiểm dịch Australia tại Melbourne dừng thông quan, do lỗi doanh nghiệp đóng gói không đúng quy định.
Nhận được tin báo của doanh nghiệp nhập khẩu, Thương vụ đã khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp Australia, nhờ xem xét giúp đỡ. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, phía Bộ Nông nghiệp Australia có chỉ thị xuống Melbourne đồng ý thông quan. Đây được xem là ngoại lệ vì Cơ quan Kiểm dịch Australia cực kỳ nghiêm khắc.
Liên quan trực tiếp đến lô nhãn được giải cứu, Bộ Nông nghiệp Australia đã gửi thư cho Thương vụ nhắc lại các điều kiện đóng gói bao bì.
Cụ thể, hàng hoá xuất khẩu phải đáp ứng được ít nhất một trong các phương pháp đóng gói an toàn để tránh côn trùng xâm nhập. Thứ nhất là thùng carton kín, đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi. Thứ hai là thùng carton có lỗ thông hơi. Nếu thùng carton có lỗ thông hơi thì các lỗ này phải được che bằng lưới và kích thước không quá 1,6 mm và độ dày của lưới không nhỏ hơn 0,16 mm hoặc các lỗ thông hơi phải được dán lại. Mục đích của các điều kiện này là để tránh hàng hoá bị nhiễm bẩn hoặc tái nhiễm sau khi chiếu xạ.
Giá cà phê trong nước hồi phục theo đà tăng thế giới
Bộ Công thương cho biết, giá cà phê Robusta trong nước phục hồi theo đà tăng của thị trường cà phê thế giới.
Giá cafe trong nước phục hồi theo đà tăng của thị trường cà phê thế giới.
Cụ thể, ngày 11/9/2019, giá cà phê Robusta tăng từ 0,9 - 1,9% so với ngày 30/8/2019, tăng từ 2,1 - 3,4% so với ngày 12/8/2019. Ngày 11/9/2019, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa phổ biến từ mức 32.800 đồng/kg – 33.900 đồng/kg. Tại các kho quanh khu vực Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta R1 ở mức 35.100 đồng/kg, tăng 1,4% so với ngày 30/8/2019 và tăng 2,9% so với ngày 12/8/2019.
Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê tháng 8/2019 đạt mức 1.727 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng 7/2019, nhưng giảm 6,2% so với tháng 8/2018. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.709 USD/tấn, giảm 10,7% so với 8 tháng đầu năm 2018.
Về thị trường xuất khẩu trong tháng 8/2019, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm 2018, trừ xuất khẩu sang Tây Ban Nha và Bỉ tăng.
Không chỉ ở Kon Tum, người dân ở Gia Lai cũng đổ xô đi bắt bọ 3 sọc để bán cho thương lái, giá bán lên đến 1,7 triệu...