Bất chấp lệnh cấm, đuông dừa vẫn được nuôi, bán công khai

Sự kiện: Dạo chợ

Những con đuông dừa được rao bán công khai trên chợ mạng, thậm chí có cả các hội nhóm mua bán và nuôi con vật này bất chấp lệnh cấm.

Đuông dừa thuộc họ vòi voi, bộ cánh cứng, là loại côn trùng nguy hiểm gây hại trực tiếp đối với cây dừa. Đây là sinh vật gây hại và là đối tượng kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt. Việc nhân, nuôi đuông dừa gián tiếp tạo điều kiện phát tán loại côn trùng có hại này đe dọa vườn dừa.

Vì vậy, hành vi nhân nuôi, phát tán, kinh doanh đuông dừa sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 12 triệu đồng theo Nghị định 07 của Chính phủ ngày 10/1/2022.

Thực tế, vào tháng 7 năm 2016, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật - Sở NN&PTNT Bến Tre đã xử phạt đối với chủ vườn ẩm thực ở xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre) 6 triệu đồng về hành vi bán đuông dừa cho thực khách, đồng thời yêu cầu chủ quán cam kết không tái phạm.

Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Bến Tre bị xử phạt về hành vi kinh doanh, phát tán đuông dừa theo nghị định 31 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Qua làm việc, chủ địa điểm ăn uống này cho biết nguồn đuông dừa được dân địa phương cung cấp và nhà hàng bán lại cho thực khách với giá 10.000 đồng/con.

Đuông dừa vẫn được rao bán công khai trên chợ mạng bất chấp lệnh cấm. Ảnh chụp màn hình.

Đuông dừa vẫn được rao bán công khai trên chợ mạng bất chấp lệnh cấm. Ảnh chụp màn hình.

Hiện tại, trên thị trường, đuông dừa vẫn được rao bán công khai, thậm chí có cả các hội nhóm chia sẻ cách nuôi đuông dừa bằng nhiều phương pháp khác nhau. Chỉ cần tra cụm từ “đuông dừa” trên mạng xã hội, người tiêu dùng sẽ thấy hàng loạt các hội nhóm, bài đăng rao bán đuông dừa, giá chỉ từ 3.000 - 6.000 đồng/con.

“Đuông dừa sống thì đắt, đuông dừa cấp đông giá rẻ hơn chút. Với loại đuông dừa sống, mọi người sẽ bán theo con, cứ đếm con tính tiền. Còn đuông dừa cấp đông sẽ bán theo cân, mỗi cân giá hơn 200.000 đồng khi nhập sỉ”, một người bán chia sẻ.

Theo người bán này, đuông dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như rang lá chanh hay nướng… Tuy nhiên, khu vực chị sinh sống, mọi người không biết nhiều đến các món ăn từ đuông dừa nên cũng rất ít người mua.

Theo tìm hiểu, đuông dừa là một loại ấu trùng có nhiều chất dinh dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, đuông dừa có thể chứa chất gây dị ứng ở một số người có cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong đuông dừa. Ngoài ra, một số bào tử nấm độc từ môi trường bên ngoài có thể nhiễm vào đuông dừa, các bào tử này trở thành nấm có độc tính cao.

Biểu hiện của dị ứng sau khi ăn đuông dừa là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc khắp người gây ngứa, người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở, nếu nặng có thể gây sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ khuyến cáo khi bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc là côn trùng, nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn. Trường hợp nặng, khó thở và thở yếu cần hô hấp nhân tạo tùy theo các biểu hiện của nạn nhân. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời.

Quả dừa tươi của Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc khi hai bên đã ký tắt kết thúc đàm phán nghị định thư. Điều này khiến người Thái lo sợ ngành hàng tỷ USD bị chao đảo vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Dạo chợ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN