Bất chấp hạn mặn gay gắt, lão nông trồng nhãn vẫn thu gần nửa tỷ/năm
Nhờ bí quyết riêng, khu vườn cây của lão nông Bến Tre vẫn cho thu nhập đều đặn mỗi năm gần 500 triệu đồng bất chấp biến đổi khí hậu gay gắt bủa vây.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, trong nửa đầu tháng 1, nước mặn mức 4‰ đã bao quanh xã đảo này, diễn biến càng nghiêm trọng hơn về nửa cuối tháng. Năm nay, dự báo hạn mặn cũng sẽ nghiêm trọng hơn những năm qua.
Biến đổi khí hậu gay gắt, không ít khu vườn ở xã Tam Hiệp mất hoa lợi, thậm chí cây chết, đất nhiễm mặn chưa thể phục hồi. Ông Hồ Út (67 tuổi, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) có vườn nhãn hơn 2ha là sinh kế duy nhất của gia đình nên ông rất lo lắng.
Ông Hồ Út đã làm bể chứa nước ngọt bằng bạt.
“Trước đây, người làm vườn tại xã tôi rất mừng vì mưa gió thuận hòa, không ai phải lo lắng gì cả. Nhưng đợt hạn mặn năm 2016, hầu như không ai trở tay kịp, những vườn nhãn đều cháy lá, chết rất nhiều”, ông kể lại.
Sau đợt đó, chủ vườn nào cũng tìm đủ mọi cách để cứu vườn. Có người đắp đê quanh vườn, có người đào mương sâu trữ nước ngọt nhưng đều không mang lại hiệu quả cao. Thu nhập từ vườn rớt thảm, có người bỏ luôn vườn để đi làm mướn.
Ông cũng tìm đủ mọi cách để cứu vườn sau đợt hạn mặn lịch sử đó. Ông từng đắp đê cao cả mét nhưng khi triều cường lên cao, nước mặn vẫn thẩm thấu vào đất. Có khi, ông lại bơm nước ngọt đầy khu vườn để dự trữ nhưng nước không lưu thông, phèn từ đất nổi lên, cây lại héo lá.
Ông cho biết bể nước này tốn rất ít chi phí lại có thể sử dụng được vài năm.
Đến năm 2020, ông đi thăm nhà người bạn nuôi tôm. Ông thấy họ dùng bể bạt trữ nước mặn để nuôi tôm giữa vùng nước ngọt. “Tôi hỏi về chi phí thì biết chi phí đầu tư rất rẻ mà dùng mấy năm mới hỏng”, ông nói.
Ông về mua bạt thử nghiệm để trữ nước ngọt. Lúc đó, ông chỉ dám đầu từ 20 triệu đồng làm bể khoảng 600m3 tưới cho một nửa khu vườn, thấy hiệu quả nên mới làm tiếp cho nửa còn lại.
Theo ông, cách làm bể nước bằng bạt rất đơn giản. Ông đặt bạt làm bể ở giữa mương nước của 2 luống cây. Trước khi đặt bạt, người làm cần dọn sạch sẽ, bẳng phẳng, đắp bờ cao và diệt hết các sinh vật có tập tính đục khoét.
Sau đó, ông đặt mua loại bạt chống thấm có kích thước, độ bền phù hợp để lót. Bể đã hoàn thiện, nhà vườn sẽ bơm nước ngọt từ sông vào, một phần khác thì tận dụng nước từ những cơn mưa nghịch mùa để dự trữ.
Bể nước này giúp ông có thể chủ động nguồn nước, làm cho cây ra quả nghịch vụ, bán giá cao hơn.
Hiện tại, ông thu gần 500 triệu đồng/năm nhờ vườn nhãn 2ha.
"Tôi nhận thấy với vườn diện tích 1ha thì cần làm bể 500m3 là đủ để tưới qua giai đoạn mặn gay gắt nhất. Nhưng nhà vườn không được chủ quan, phải tận dụng cả những mương nước hiện hữu để trữ nước tưới cho 1-2 tuần đầu tiên, đề phòng hạn mặn kéo dài hơn dự kiến”, ông chia sẻ thêm.
Ông cho biết bể nước này cũng có thể sử dụng để nuôi một số loại cá sinh trưởng nhanh để tăng thu nhập. Vì môi trường bể rất ổn định.
“Nhờ chủ động được nguồn nước, tôi đã khống chế chu kỳ sinh trưởng, cho cây ra trái nghịch vụ, giá bán tăng gấp đôi. Ngày trước, 1ha chỉ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, nhưng nay có thể thu trên 200 triệu đồng/năm", ông Hồ Út chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Dũng, cán bộ khuyến nông xã Tam Hiệp, cho biết mô hình thích nghi hạn mặn của ông Út là mô hình đầu tiên ở xã, đang đưa lại hiệu quả. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng hạn mặn gay gắt, có khi thời gian nước nhiễm mặn kéo dài gần nửa năm, xã Tam Hiệp đang khuyến khích nông dân học tập, sáng tạo những mô hình thích nghi hiệu quả.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm nào cũng vậy, những chậu dừa bonsai này rất hút khách, người làm năm nào cũng bán cả trăm chậu ra thị trường Tết.