Bắc Giang: Lên sẵn kịch bản để vải thiều không còn phụ thuộc vào Trung Quốc
Xác định là thị trường chính với đa phần sản lượng nhưng Bắc Giang đã lên kịch bản để vải thiều không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ngày 11/6, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, rút kinh nghiệm từ năm 2021, mùa vải đúng vào cao điểm của dịch Covid-19, huyện đã tham mưu tỉnh Bắc Giang làm việc trực tiếp với các cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương vải thiều.
Năm 2022, công tác kiểm dịch của Trung Quốc chặt chẽ và kỹ càng hơn, ngay từ đầu vụ, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã chủ động làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các cơ quan, đơn vị liên quan của hai nước.
Qua đó, cơ quan nước bạn và Việt Nam đều khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vải thiều xuất khẩu. Cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho vải thiều xuất khẩu ở luồng xanh, có đường di chuyển riêng sang cửa khẩu mà không phải xếp hàng, chờ xuất khẩu như các mặt hàng, nông sản khác.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.
“Để tránh việc ùn tắc, kiểm dịch thuận lợi, nhanh hơn tại cửa khẩu, chúng tôi đã khuyến cáo, yêu cầu các chủ hàng, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật liên quan của nước bạn. Đơn cử như vải thiều phải không còn lá, cuống ngắn dưới 10cm”, ông La Văn Nam nói.
Bên cạnh đó đã chuẩn bị sẵn kịch bản, kể cả cho điều kiện việc tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc gặp khó khăn. Cụ thể, Lục Ngạn sẽ chú trọng quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu đến thị trường các nước có nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ.
Khuyến khích áp dụng công nghệ sấy vải bằng điện, sấy dẻo để phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh chế biến vải thiều thành thực phẩm, nước ép...
Người dân Lục Ngạn sơ chế, đóng gói vải sớm, phục vụ xuất khẩu.
Được biết, vụ vải thiều năm nay, dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện Lục Ngạn đạt khoảng 95.465 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 20.850 tấn, vải chính vụ khoảng 74.615 tấn). Nhân dân đã bắt đầu thu hoạch vải sớm từ ngày 25/5, dự kiến kết thúc vụ khoảng ngày 30/7.
Năm nay, ngay từ khi cây vải chuẩn bị ra hoa, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn, tập huấn, giám sát người dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc để đảm bảo sản phẩm quả vải có chất lượng tốt nhất.
Toàn huyện có khoảng 16.000 ha vải thiều, trong đó hơn 12.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đến nay, đã có hơn 10 thương nhân đến Lục Ngạn thu mua vải thiều sớm, dự kiến tại thời điểm chính vụ sẽ có hơn 100 thương nhân Trung Quốc được cấp phép đến Lục Ngạn thu mua vải thiều.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhìn bề ngoài, con vật này trông đáng sợ nhưng nó là đặc sản lạ lẫm được các nhà hàng, khách sạn lùng mua.