Ám ảnh với thực phẩm thừa sau Tết
Chiều mùng 8 Tết, nhìn ba tủ lạnh chật cứng đồ ăn, chị Thanh Thúy ước tính một tháng nữa không phải đi chợ.
Trước Tết, chị đã mua 8 kg thịt bò, 8 con gà loại 3-4 kg mỗi con, 5 kg hải sản (tôm, bề bề, cá), 8 kg giò các loại và nem rán cùng 15 cái bánh chưng, chưa kể rau, củ, quả. Toàn bộ chỉ phục vụ cho 9 người trong gia đình bởi nhà không có tục lệ làm cỗ mời khách đến chúc Tết.
"Năm ngoái hết tháng 2 âm lịch nhà tôi mới ăn hết đồ Tết do mua thêm nửa con lợn, năm nay mua ít hơn thì đến giữa tháng 2", chị Thúy, 50 tuổi, ở Hải Phòng nói.
Số lượng có giảm nhưng thực phẩm vẫn chất đầy ba tủ lạnh. Phần còn thừa sẽ gửi nhờ ở tủ đông nhà hàng xóm.
Hết 8 ngày Tết, gia đình chưa ăn hết 1/3 số thực phẩm đã mua. Mối đau đầu của chị Thúy lúc này là làm thế nào tiêu thụ hết để giải phóng tủ lạnh.
Toàn bộ giò, chả và đồ ăn chín được hút chân không và cấp đông, khi ăn chỉ cần hâm nóng. 5 con gà chưa cúng, 6 cân thịt bò, lòng lợn, sườn tảng được chia thành nhiều túi nhỏ. Riêng các sản phẩm như trứng, sữa, hoa quả sắp hết hạn sẽ chia đầu người ăn "cho nhanh hết".
Vợ chồng chị Thúy cũng nhờ hàng xóm sang giải cứu nhưng đều bị từ chối bởi nhà nào cũng tồn đọng nhiều không kém. Hơn 10 gia đình trong xóm đành rủ nhau góp thịt gà, thịt lợn cùng nấu đông, làm pate hoặc gỏi để đổi món.
"Trong Tết thì cố ăn hết cỗ thừa. Ngoài Tết lại ăn thực phẩm tồn, nhìn thịt, cá trên bàn mà phát ớn", Tùng Dương, con trai chị Thúy, nói. Nhiều thời điểm chàng trai 17 tuổi trốn gia đình ra ngoài ăn bởi ám ảnh các món ăn thừa từ Tết.
Một trong ba chiếc tủ lạnh nhà chị Thanh Thúy ở Hải Phòng vẫn chật cứng thực phẩm phục vụ Tết, ngày 5/2 (tức mùng 8 Tết). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ 23 tháng Chạp, chị Diễm Hằng, 52 tuổi, ở Nghệ An bắt đầu mua thức ăn chất đầy 5 tủ lạnh. Theo lời mẹ chồng chị, chuẩn bị nhiều món ngon không chỉ thể hiện sự sung túc, đủ đầy của gia chủ mà còn bày tỏ tấm lòng hiếu khách, sự đảm đang của dâu trưởng.
Chị đặt mua 20 kg thịt lợn, 15 con gà, hàng chục kg thịt bò, muối sẵn vài kg dưa hành, hàng chục kg rau củ chưa kể bánh tét, giò nạc, giò xào phục vụ 5 ngày Tết. Tất cả đồ ăn được chất đầy trong bốn tủ lạnh và một tủ đông 500 lít.
"Thừa thì đổ đi, chứ thiếu biết xoay xở ở đâu, lỡ dở công việc lại xấu hổ với khách", chị Hằng nói.
Minh Thư, 24 tuổi, con gái chị Hằng, ví nhà mình như siêu thị thu nhỏ. Thói quen tích trữ đồ của mẹ khiến cô không thể mua thêm kem hay đồ ăn vặt bởi tất cả ngăn tủ lạnh đều chứa đầy thịt, cá, rau củ làm cỗ Tết.
Hết ngày nghỉ, Thư ám ảnh việc phải mang theo 2-3 thùng đồ ăn thừa lên Hà Nội. Mẹ cô cũng giao nhiệm vụ phải giải quyết hết đồ ăn trong nửa tháng để gia đình gửi thêm. Không ít bữa cô phải mời bạn bè sang ăn hộ bởi tủ lạnh chật kín đồ.
Gia đình chị Hằng ở Nghệ An luôn chuẩn bị đủ thực phẩm để mời 10-15 khách mỗi bữa ăn dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tình trạng trữ đồ trước Tết, hết Tết lại chật vật giải quyết đồ thừa xuất hiện ở không ít gia đình. Khảo sát của VnExpress với câu hỏi Tình trạng tích trữ thực phẩm ngày Tết ở nhà bạn, 10% cho biết gia đình tích trữ thực phẩm ăn tới rằm tháng Giêng, 41% nói tích trữ ăn đủ kỳ nghỉ Tết.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết việc dự trữ đồ ăn cho ngày Tết là nét văn hóa của người Việt, thể hiện ước muốn sung túc, đủ đầy cả năm.
Ngoài ra, người Việt cũng có tâm lý phòng xa, lo thiếu thốn lương thực, thực phẩm vào ngày chợ không mở bán. Một số vùng nông thôn, nơi còn đặt nặng văn hóa phong tục, họ chuẩn bị nhiều đồ ăn vào dịp Tết bởi khi khách đến nhà, gia chủ sẽ bày mâm cơm, rượu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết tâm lý tích trữ đồ ăn có thể phù hợp với những năm trước khi nguồn cung chưa dồi dào, nhiều gia đình không gần chợ, khó khăn di chuyển. Nay nguồn cung thực phẩm phục vụ lễ Tết rất đa dạng, giá cả bình ổn. Đặc biệt, các chợ dân sinh và siêu thị cũng mở sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm nên người dân nên bỏ việc tích trữ quá đà.
"Tích trữ đồ ăn trước Tết không chỉ tạo gánh nặng phải tiêu thụ đồ mà còn khiến một số tiểu thương trục lợi, nâng giá bán hàng hóa lên cao hơn trong những ngày cuối năm, gây xáo trộn kinh tế thị trường", ông Thịnh nói.
Tâm lý chuẩn bị cỗ cúng đủ đầy, tươm tất khiến nhiều gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm phục vụ Tết. Ảnh minh họa: Minh Hằng
Rút kinh nghiệm nhiều năm ăn đồ thừa hết tháng Giêng, Tết 2025, chị Hồng Nhung ở Hà Nội lập danh sách những món ăn sẽ chuẩn bị và ước lượng số người tham dự. Người phụ nữ 40 tuổi ví dụ vào mùng 1, mùng 3 Tết, gia đình tiếp đón khoảng 10 người nên cần thực phẩm đủ làm hai mẫm cỗ mỗi ngày. Nếu phát sinh, chị sẽ mua thêm bởi chợ dân sinh và siêu thị mở cửa từ mùng 2.
Bà mẹ hai con cũng nhận thấy hàng hóa dồi dào, giá bán thực phẩm trong Tết năm nay không đắt hơn trước. Thậm chí một số mặt hàng như rau củ, hoa tươi và hải sản có giá bán rẻ hơn 10-20%.
"Không chỉ giá rẻ, mua đồ ăn theo ngày cũng giúp gia đình tôi được ăn đồ tươi sống thay vì đông lạnh. Tết nay khác Tết xưa, chỉ lo thiếu tiền chứ không sợ thiếu thực phẩm", chị Nhung nói.
Giá rau xanh đang rẻ chưa bằng một nửa so với cùng thời điểm nhiều năm qua. Nhiều người bán buồn bã vì cả phiên chợ không thu nổi 100.000 đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
-06/02/2025 09:31 AM (GMT+7)