9x Thanh Hóa kiếm 50 triệu đồng/tháng nhờ nuôi loại gà lạ
Đây là loại gà quý hiếm có màu lông sặc sỡ, cựa nhọn, dáng thon, thần thái tinh nhanh và có đôi tai màu trắng. Nhiều người đã chi cả triệu đồng để tìm mua về làm cảnh như một thú vui tao nhã.
Biết đến gà rừng tai trắng từ khi còn học Đại học, anh Lê Đỗ Chinh, trú tại phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa) mê mẩn loại gà này ngay lần đầu nhìn thấy.
“Đợt đó khi còn là sinh viên, trong một lần đi tham quan vườn bách thú, tôi bị thu hút bởi những con gà với bộ lông sặc sỡ, chiếc mào đỏ chót và đôi tai trắng đặc biệt. Về nhà tôi lao vào tìm hiểu, nghiên cứu về giống gà này và bàn với bố mẹ mua về nuôi thử”, anh Chinh nói.
Mê mẩn loại gà rừng tai trắng, anh Chinh gác lại bằng ĐH để về quê nuôi gà.
Vừa học, anh Chinh vừa nghiên cứu và cùng bố mẹ nuôi thử nghiệm. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh quyết định về quê nuôi gà.
“Lúc đó, khi tôi học đại học xong về quê nuôi gà, nhiều người dèm pha và chê bai lắm. Cũng không ai cho vay một xu nào. Chỉ có bố mẹ 2 bên thấy tôi quyết tâm nên đành theo lao, cho vợ chồng tôi vay mượn 100 triệu đồng để nuôi gà”, anh Chinh chia sẻ.
Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi gà rừng số lượng nhiều nên đàn gà nuôi mua về không được bao lâu bỗng dưng lăn ra chết. Mặc dù vậy, anh vẫn không nản lòng, đi vay mượn người ngoài lấy tiền mua thêm gà về nuôi nhưng hết lứa này đến lứa khác đều không thành công.
Loại gà này có tập tính hoang dã nên bắt buộc phải trồng nhiều cây để tạo môi trường sống cho gà phát triển.
“Tôi thích làm nông nghiệp nhưng nó phải mới và khó thì mới cho hiệu quả kinh tế cao, vì vậy càng thử thách tôi lại càng quyết tâm làm bằng được. Riêng tiền gà, chưa kể thức ăn và công chăm sóc đã ngốn của tôi hết hơn 500 triệu đồng. Nhẫn cưới của 2 vợ chồng cũng phải mang bán tận 3 lần”, anh Chinh nói.
Để tìm hiểu nguyên nhân và đúc rút kinh nghiệm, anh Chinh lại lặn lội khắp nơi, đến các vùng núi hẻo lánh để học cách nuôi gà và tìm mua những con gà rừng tai trắng thuần chủng nhất về nuôi.
Sau thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy, gà rừng tai trắng là con vật khó nuôi cũng như khó thuần hóa. Hơn nữa, đây là loại gà có đặc tính hoang dã nên có giá trị kinh tế cao nếu nuôi thành công.
Sau nhiều lần nuôi thử nghiệm, anh Chinh đã nắm bắt được kinh nghiệm và nuôi thành công gà tai trắng.
Nắm bắt được kỹ thuật nuôi gà tai trắng, anh quay về quê quy hoạch khu nuôi rộng 2.500m2 để nuôi lại từ đầu. Toàn bộ trại nuôi được anh quây lưới xung quanh để gà khỏi bay ra ngoài. Đồng thời trồng các loại rau để chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho gà, trồng nhiều cây xanh cho gà đậu và ngủ trên cành như trong tự nhiên.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, các lứa gà được anh Chinh nuôi và nhân giống thành công. Dần dần, ngày càng nhiều người biết đến loại gà đặc biệt này và tìm mua. Dù liên tục mở rộng diện tích và số lượng nuôi nhưng anh vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.
Anh Chinh dã thành công với mô hình nuôi gà tai trắng tại nhà và cho thu nhập 50 triệu đồng/tháng.
Đến nay, trại gà rừng của anh đang có khoảng 2.500 con gà. Mỗi tháng, anh xuất ra thị trường khoảng 300 con, sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Về giá bán gà tai trắng, anh Chinh cho biết, gà con sau khi ấp nở khoảng 2,5 tháng tuổi có giá khoảng 500.000 đồng/đôi; gà giống sinh sản khoảng 1,2-1,6 triệu đồng/đôi; gà cảnh có giá từ 800.000 đồng/con trở lên. Thậm chí, có người từng trả 4 triệu đồng/con gà cảnh có mã đẹp.
Với những con gà có mã đẹp, giá có thể lên đến vài triệu đồng.
Không chỉ thành công trong việc thuần chủng giống gà rừng tai trắng về nuôi tại vườn nhà, trang trại của anh còn nhân giống và cung cấp cho khách hàng khắp cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài ra, anh còn đúc rút kinh nghiệm của bản thân trong suốt quá trình 10 năm nuôi loại gà này để viết thành sách hướng dẫn nuôi gà rừng và cách phòng bệnh, điều trị bệnh cho gà rừng.
Nhờ cuốn sách này, những người có cùng đam mê với gà rừng như anh đã có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi gà rừng và phòng tránh được tối đa rủi ro trong quá trình nuôi.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ chối cơ hội đi làm việc tại nước ngoài với mức lương hấp dẫn, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Tuyển về quê...