8x làm các loại bánh chuối, có tháng tiêu thụ hết 4 tấn quả
Do làm bánh chuối thủ công nên không thể sản xuất nhanh được, chị cho biết vào tháng Tết lượng bánh bán ra tăng gấp đôi gấp ba lần, có đôi khi làm không kịp bán.
Năm 2016, chị Nguyễn Thanh Dung (Hà Nội) bắt đầu tập tành làm và bán bánh chuối. Đó là thời điểm chị vừa sinh con được vài tháng, cũng như bao bà mẹ khác, chị ưu tiên việc chăm sóc con lên hàng đầu nhưng lại vẫn muốn có thêm thu nhập.
Trong khi vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm mặt hàng kinh doanh, chị vô tình được một người dì ở nước ngoài gửi hình và nói chị tự làm bánh chuối cho con ăn, vừa tốt vừa ngon. “Vậy là mẻ bánh chuối đầu tiên cũng ra đời trong sự hoan nghênh của gia đình. Thưởng thức thấy ngon, mọi thành viên trong gia đình cũng động viên tôi làm bán xem sao”, chị cho hay.
Nhà chị để sẵn chuối trong kho để chín tự nhiên.
Dù chưa tự tin về sản phẩm, nhưng chị vẫn làm liều đăng lên nhóm chợ ở khu vực để xem có mẹ nào muốn mua cho con thì chị sẽ làm cùng. “30 đơn hàng đầu tiên tôi nhận được, một con số nhiều hơn so với mong muốn ban đầu”, chị cười nói.
Đơn cứ đi, khách quay lại đặt tiếp, rồi lại khách mới tò mò đặt ăn thử. Có nững ngày chị vừa trông con vừa làm 150 chiếc bánh, bở hơi tai với chiếc lò nướng bé tí và máy đánh trứng cùi bắp. Nhưng được khách ủng hộ, đơn hàng cứ tăng lên lại giúp chị có thêm động lực làm tiếp.
Công việc kinh doanh của chị đang diễn ra thuận lợi, chị lại phải dừng lại để hỗ trợ chồng xây dựng thương hiệu bánh mỳ kẹp – ý tưởng của 2 vợ chồng từ khi mới cưới. Nhưng thương hiệu này cũng tồn tại một thời gian, đã mở đến 8 cửa hàng rồi mà lại đóng cửa hàng loạt.
Một số loại bánh chuối chị làm.
Kẹo chip chip làm từ chuối dành cho trẻ em, được rất nhiều khách hàng ưa thích.
Khi 2 vợ chồng còn đang trong thời gian bị khủng hoảng về tài chính, chị bỗng nhiên được một người khách yêu thích bánh chuối chị làm ngỏ ý muốn hợp tác đưa sản phẩm lên kệ và muốn giúp chị mở cửa hàng bánh chuối.
Sau nhiều lần suy nghĩ, đầu tháng 7/2020, vợ chồng chị tiến hành xây dựng thương hiệu bánh chuối. Vì tài chính hạn hẹp, mọi thứ lúc đó đều phải tự làm cho tiết kiệm chi phí: từ thiết kế bộ nhận diện, tem nhãn, bao bì, làm bánh, bê vác…
Do không học qua trường lớp đào tạo bài bản nào về làm bánh, kinh doanh, tất cả đều tự mày mò nên khi chuẩn bị mở cửa hàng, chị làm các món bánh khác nhau, thất bại rất nhiều lần. Không dưới 5 lần, chị phải đổ lệ với thức trắng đêm suy nghĩ, cảm xúc bực bội, bất lực, chán nản cứ ập tới hàng ngày.
“Có lần hỏng mẻ bánh Banana yogurt lần thứ 5 trong ngày, tiếc tiền chưa được việc, tôi khóc. Lần thì làm bánh su kem chuối, làm bao nhiêu lần cũng ưng ý rồi mà đến tay khách lại bị khô. Khách đến nơi góp ý khiên tôi thấy áy náy quá lại ngồi một chỗ khóc…”, chị kể lại. Mỗi lần thất bại chị đều khóc vì bất lực.
Cửa hàng của chị thu hút rất nhiều khách hàng đến mua.
Ý định dừng lại nhen nhóm trong đầu và chị chia sẻ với chồng. Được sự động viên của chồng, chị lại tiếp tục cố gắng thêm lần nữa. Dần dần nhờ sự góp ý của khách hàng, chị cũng đã hoàn thiện được các loại bánh làm từ nguyên liệu chuối.
Sau 2 năm hoạt động, chị đã mở được 2 cửa hàng. Các sản phẩm cũng khá đa dạng: bánh chuối socola, bánh chuối dừa, su kem chuối, bánh chuối phô mai, bánh mì chuối, chip chip chuối… Tất cả đều sử dụng chuối tiêu hồng chín kỹ. Trung bình mỗi tháng, 2 cửa hàng của chị phải cần từ 2-4 tấn chuối chín để làm bánh. Vào dịp Tết, số lượng chuối làm nguyên liệu tăng lên gấp 2, gấp 3 lần và đôi khi “cháy” hàng vì sản xuất vẫn thủ công.
Về kế hoạch tương lai, chị dự định sẽ nhân rộng mô hình mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Bên cạnh đó, chị vẫn tìm kiếm thêm các đối tác tâm huyết với nông sản Việt để hợp tác, đưa sản phẩm làm từ nông sản ra thế giới.
Giá một kg nhãn không hề rẻ nhưng khách hàng vẫn đặt mua rất nhiều, chỉ trong vòng hơn một tuần, chủ vườn đã hái bán được nửa tấn quả.
Nguồn: [Link nguồn]