Vùng đất quỷ "hù" khán giả yếu bóng vía
Thông qua việc sử dụng kỹ xảo hiệu quả, Vùng đất quỷ mang đến cho người xem những thước phim kinh dị, kỳ ảo và thú vị
Có thể nói, Vùng đất quỷ là bộ phim hiếm hoi của nền điện ảnh Nga xuất hiện tại Việt Nam trong vòng khoảng mấy năm trở lại đây. Một tác phẩm đến từ một quốc gia lớn được đầu tư công phu hẳn ít nhiều đã gây ấn tượng với khán giả Việt ngay từ khi còn chưa ra mắt.
Kỳ thực, Vùng đất quỷ chưa phải là một bộ phim xuất sắc về mặt nghệ thuật nhưng lại có tính giải trí khá cao. Nội dung độc đáo, diễn viên tròn trịa, hiệu ứng kỹ xảo ấn tượng… chừng đó đã đủ để nó trở nên khó quên trong lòng nhiều fan hâm mộ của thể loại phim kinh dị - kỳ ảo.
Được chuyển thể từ truyện ngắn kinh dị nổi tiếng Viy của nhà văn người Ukraine Nikolai Gogol, nhưng "Vùng đất quỷ" không bám sát nguyên tác mà có nội dung thay đổi đi khá nhiều.
Cuộc chiến của lòng dũng cảm
Vùng đất quỷ xoay quanh câu chuyên của nhà thám hiểm, người vẽ bản đồ Jonathan Green. Một ngày nọ, anh tình cờ lạc vào một ngôi làng mà tất cả mọi người dân ở đó đều vô cùng kỳ lạ và bí hiểm. Càng tìm hiểu, anh càng khám phá ra những sự thật kinh hoàng đằng sau mỗi con người ở đây. Họ đã bị quỷ ám, thứ ác quỷ kinh khủng không dễ dàng tiêu diệt chỉ với một nhát dao.
Được chuyển thể từ truyện ngắn kinh dị nổi tiếng Viy của nhà văn người Ukraine Nikolai Gogol, tuy nhiên, Vùng đất quỷ không bám sát nguyên tác mà có nội dung thay đổi đi khá nhiều. Trong khi phiên bản truyện ngắn tập trung mô tả nỗi sợ và thế giới nội tâm của nhân vật nhiều hơn thì ở phiên bản điện ảnh, đạo diễn Oleg Stepchenko lại chủ ý mang đến cho khán giả một cuộc phiêu lưu ngắn ngày nhưng nhiều bất ngờ và biến chuyển.
Vùng đất quỷ đưa khán giả đến với những cuộc phiêu lưu thú vị
Mọi sự tập trung đều hướng về cái kỳ ảo và sự trúc trắc đầy bất ngờ trong kịch bản. Đây có thể nói là một điểm đáng khen của cả đoàn phim bởi những nỗ lực thoát ra khỏi cái cũ. Viy là truyện ngắn đã từng được chuyển thể vài lần, vì vậy nếu vẫn giữ nguyên cốt truyện, mọi thứ hẳn sẽ rất nhàm chán.
Dù vậy, có lẽ do quá "hưng phấn"; với ý nghĩ mang đến sự ngạc nhiên cho khán giả, đạo diễn Oleg Stepchenko thỉnh thoảng đã hơi quá tay. Một trong những cảnh đáng nhớ và "kinh dị" nhất trong phim là khi một vài người dân ở ngôi làng Cossacks "hóa quỷ" để hù dọa Jonathan Green. Cảnh này rất ấn tượng, độc đáo, kỹ xảo đẹp nhưng không có nhiều ảnh hưởng lên tuyến truyện và đường dây câu chuyện. Điều này phần nào khiến khản giá có cảm giác như đạo diễn đang "dụng công" nhồi nhét chi tiết mà không có cách sắp xếp hợp lý, mang lại cái thiếu logic. Tuy nhiên, dù sao thì đó cũng chỉ là một lỗi nhỏ có thể dễ dàng bỏ qua.
Những mảng miếng tròn trịa
Điều đáng khen lớn nhất của Vùng đất quỷ có lẽ là về mặt kỹ xảo. Trước khi phim ra mắt, nhiều khán giả lẫn các nhà phê bình trên thế giới đều rất lo lắng vì sợ rằng bộ phim sẽ làm "không tới được".
Việc hứa hẹn tạo hình loài quỷ quá phức tạp cùng những cảnh hỗn chiến quá công phu là một thách thức lớn cho cả đạo diễn Oleg Stepchenko và đoàn làm phim nói chung. Tuy nhiên, khi phim ra mắt, nhiều người đã có thể thở phào nhẹ nhòm. Vùng đất quỷ được trau chuốt khá kỹ lưỡng, tỉ mỉ về mặt hình ảnh và hiệu ứng. Kỹ xảo của phim rất mượt mà, sống động, tạo cảm giác trôi chảy từ đầu đến cuối chứ không bị giả tạo hay gượng ép.
Kỹ xảo trong Vùng đất quỷ được sử dụng hiệu quả và ấn tượng.
Xét về tính tổng thể, Vùng đất quỷ có phần nào tương đồng với bộ phim Sleepy Hollow nổi tiếng của đạo diễn Tim Burton. Tuy nhiên, trong khi Sleepy Hollow tập trung vào tính huyền bí, nhấn nhá chậm rãi thì Vùng đất quỷ lại có sự dồn dập và nhiều kịch tính hơn. Dù bị đánh giá là "tay nghề" thấp hơn Sleepy Hollow một bậc nhưng không thể phủ nhận Vùng đất quỷ là một bộ phim "coi rất được".
Bởi ngoài các chi tiết ấn tượng nói trên, bộ phim còn quy tụ được một dàn diễn viên làm khá tốt công việc của mình với diễn xuất khá tròn trịa. Ngoài nhân vật chính do nam diễn viên người Anh Jason Flemyng đảm nhiệm, các diễn viên khác đa số đều đến từ xứ sở Bạch Dương. Jason Flemyng đã mang đến nhiều bất ngờ, ngạc nhiên khi biến chuyển cảm xúc của anh diễn ra khá mượt mà, đầy bất ngờ. Anh không chỉ làm tốt ở các trường đoạn nội tâm mà còn hoàn thành trọn vẹn nhiều phân cảnh chiến đấu mang nhiều thách thức. Các diễn viên còn lại cũng tương tự, đều có kỹ năng đồng đều ở hai mảng miếng diễn xuất đối nghịch.
Dàn diễn viên thể hiện tròn trịa vai diễn của mình.
Điểm đáng khen cuối cùng của phim chính là chất nhạc dồn dập, mạnh mẽ và có khả năng gợi cảm hứng do nhà soạn nhạc Anton Garcia thực hiện. Từng hai lần cộng tác với đạo diễn Oleg Stepchenko trong Jacked$ và Law of Corruption, ở lần thứ ba này cả hai đã tỏ ra ăn ý hơn rất nhiều. Từng phân cảnh, từng góc quay, từng ý đồ của đạo diễn đều được chuyển tải một cách vô cùng chính xác qua chất lượng âm nhạc của bộ phim.