Truyền hình thực tế Việt “ăn dỗ” trẻ em
3 tháng hè là mùa vàng để các chương trình truyền hình thực tế nhắm vào khai thác đối tượng khán giả nhí. Có ít nhất 3 gameshow sẽ lên sóng mùa hè này là Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí và Đồ rê mí đôi.
Mỏ vàng quảng cáo
Sau thành công của “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên vào năm 2013 với lượng quảng cáo thu hút gấp nhiều lần chương trình đình đám dành cho lứa tuổi lớn hơn là “Giọng hát Việt”, mùa hè năm nay, hàng loạt các chương trình dành cho thiếu nhi sẽ lần lượt lên sóng.
Các thí sinh nhí trong vòng thi tuyển “Bước nhảy hoàn vũ nhí”.
Ngoài các chương trình đã bắt đầu rơi vào sự nhàm chán như “Con đã lớn khôn”, “Ước mơ của em”, “Chung sức nhí” phát sóng rầm rộ trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương trong nhiều năm nay thì mùa hè 2014, có hàng loạt các chương trình mới.
Công ty Cát Tiên Sa tiếp tục tung ra “Bước nhảy hoàn vũ” phiên bản nhí chuẩn bị lên sóng vào đầu tháng 6 tới. Ngoài ra còn có thể kể đến “Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance” dành cho trẻ em cũng vừa sơ tuyển tại Hà Nội.
“Vua đầu bếp - Master Chef” cũng đang rục rịch ra phiên bản dành cho trẻ em, “Đồ rê mí đôi”, “Giọng hát Việt nhí” và “Tìm kiếm tài năng Việt Nam- Vietnam’s got talent” thì vẫn tiếp tục guồng quay như các năm trước.
Các chương trình dành cho trẻ em bao giờ cũng có một lợi thế lớn về quảng cáo, các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng dành phục vụ đối tượng này như sữa, nước giải khát, bánh kẹo, quần áo, đồ chơi, đồ dùng học tập… bao giờ cũng sẵn sàng gật đầu ký hợp đồng quảng cáo trong một chương trình mà họ có cả hai đối tượng khán giả rất quan trọng, đó là trẻ em và phụ huynh học sinh.
Chính bởi nắm được tâm lý này mà các công ty sản xuất các chương trình giải trí bao giờ cũng hết sức tự tin khi bỏ tiền ra mua những format chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng trẻ em, bởi họ chắc chắc không bao giờ lỗ.Ngoài nguồn lợi từ quảng cáo, nguồn phí thu được từ nhắn tin bình chọn, từ việc bán các clip dự thi của các bé cho các nhà mạng khai thác trên thị trường nhạc số, nhạc chuông cũng là một món lợi khổng lồ.
Hiện nay, các clip dự thi của “hiện tượng” Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Ngọc Duy (chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên) vẫn đang nằm trong top các bảng xếp hạng ca khúc được tải và xem nhiều nhất trên các trang mạng khai thác nhạc trực tuyến lớn. Tuy nhiên, chính vì sự vào cuộc rầm rộ của các nhà sản xuất chương trình dành cho thiếu nhi mà các gương mặt tài năng nhí cũng đã bắt đầu rơi vào tình huống lặp lại, nhàm chán hết ở chương trình này tới chương trình khác.
Vũ Song Vũ- một giọng ca nhí ở Hải Phòng từ chỗ là “hiện tượng” trên Youtube đã lần lượt chinh chiến ở “Vietnam’s Got talent” rồi đến “Giọng hát Việt nhí” đã cho thấy em không có nhiều sức bật. Một giọng hát khác là quán quân của Đồ rê mí - Đỗ Trí Dũng cũng đã bị thất bại ở “Giọng hát Việt nhí” ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh này và những người yêu mến em.
Trong chăn mới biết…
Thực ra việc cho con trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí vào mùa hè sau một năm học căng thẳng là việc rất nên khuyến khích, tuy nhiên, trách nhiệm của các bậc phụ huynh khá nặng nề khi họ phải biết chọn lựa để tìm một môi trường tốt cho con cái mình.
Năm ngoái, khi Chương trình “Giọng hát Việt nhí” đang bước vào giai đoạn hot nhất, nhật ký của một người cha đưa con đi thi gameshow này đã được tung ra trên mạng xã hội, gây bất ngờ cho tất cả mọi người.
Đúng là những chuyện chỉ có “ở trong chăn mới biết chăn có rận” khi phía sau những phút phát sóng hào nhoáng trên truyền hình là sự trả giá thật sự của mỗi thí sinh nhí và gia đình họ. Thí sinh và người thân bị vắt kiệt sức sau khi đã ký vào hợp đồng với nhà sản xuất, họ bị ràng buộc đủ điều và trở thành một “con tin” cho guồng máy sản xuất chương trình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai cho biết: “Nổi tiếng sớm là một lợi thế, nhưng cùng với đó, khi còn đang ở tuổi vị thành niên, các thí sinh nhí sẽ sớm phải đối mặt với những mặt trái của sự nổi tiếng không hề dễ chịu và có khả năng sẽ bị ảnh hưởng đến phát triển tâm lý. Đó là những thực tế mà các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ khi quyết định cho con mình tham dự một cuộc thi truyền hình thực tế”. |
Hầu như không có chương trình nào kết thúc trọn vẹn trong 3 tháng hè mà vì lịch phát sóng thường phải kéo dài ra đến 6, 7 tháng thậm chí hơn. Các thí sinh nhí đang trong độ tuổi học sinh cấp 1, cấp 2, lịch học, lịch thi của các em chắc chắn bị xáo trộn, tâm lý bị ảnh hưởng khi phải dành hết mọi tâm trí và sức lực cho việc tham gia thi thố, chắc chắn việc học sẽ bị giảm sút đáng kể.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. Hẳn mọi người còn nhớ trường hợp của Quang Anh- quán quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên, sau đêm đăng quang, bên cạnh lượng fan hâm mộ tung hô, em còn bị “ném đá” tả tơi trên nhiều diễn đàn vì “thái độ đáng ghét khi nghe công bố kết quả”, vì ngành giáo dục Thanh Hóa quê em “chống lưng” bằng công văn vận động nhắn tin…
Phương Mỹ Chi bên cạnh việc trở thành một “con gà đẻ trứng vàng” vì đắt show sau khi rời cuộc thi thì cũng trở thành một đề tài nóng của truyền thông, từ chuyện trang phục hở hang không hợp lứa tuổi đến chuyện “vô ơn” với huấn luyện viên Hiền Thục...
Nhìn một cách tổng thể các chương trình giải trí cho thiếu nhi trên truyền hình hiện nay có thể thấy có một sự thiếu cân bằng đáng kể, thậm chí là lệch lạc khi chỉ các chương trình gameshow tìm kiếm tài năng thì nở rộ, còn các chương trình phim truyện, khoa giáo, văn học nghệ thuật gợi mở phát triển và nuôi dưỡng đời sống tâm hồn thì vắng bóng và thiếu sức hấp dẫn.
Bà Đoàn Thị Hòa Bình - Giám đốc Kênh Kids & Family TV – VTC11 cũng thẳng thắn thừa nhận với báo chí: “Đúng là hiện nay truyền hình dành cho thiếu nhi đang có quá nhiều nội dung và các quảng cáo không phù hợp”.
Vậy làm thế nào để lấy lại sự cân bằng cho các sân chơi thiếu nhi trên truyền hình hay cứ để gameshow lấn lướt như hiện nay? Câu hỏi rất này cần những người có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng.