Trailer đầy cảnh nóng, phim cổ trang Việt vẫn bị "ném đá"
Những hạt sạn "to đùng" và hài hước trong video đầu tiên của phim cổ trang "Mỹ nhân".
Mỹ nhân là bộ phim điện ảnh chính sử của đạo diễn Đinh Thái Thụy từng được đông đảo công chúng người hâm mộ kỳ vọng sẽ là tác phẩm gây tiếng vang trong tình hình dòng phim cổ trang Việt "vừa thiếu vừa yếu". Bộ phim đề cập đến cuộc chiến tranh đoạt vị chốn cung đình cùng những âm mưu thù hận cá nhân và tình yêu dục vọng giữa Chúa Nguyễn Phúc Lan và con trai trưởng - thế tử Nguyễn Phúc Tần.
Các nhân vật trong phim đều có thật trong lịch sử và kịch bản được xây dựng trên những cơ sở sử liệu có thật, thông điệp rõ ràng. Phim được quay trong thời gian hai tháng và dự kiến sẽ phát hành trên toàn quốc vào ngày 13.11.
"Mỹ nhân" từng được nhiều khán giả yêu phim cổ trang Việt kỳ vọng
Hôm qua 21.10, sau khi trailer của Mỹ nhân được tung ra, phản ứng của khán giả trái ngược hẳn so với sự kỳ vọng trước đó. Trên các diễn đàn mạng và đặc biệt là fanpage của những người yêu thích và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều bình luận đả kích bộ phim quá nhiều sạn ngay trong video đầu tiên.
Ngoài chiêu trò dùng "cảnh nóng câu khách", từ tạo hình nhân vật cho tới bối cảnh lẫn phục trang đều xuất hiện nhiều sơ sót lộ liễu. Không ít thành viên trong diễn đàn nhận xét bộ phim này làm họ nhớ lại những trang phục của dòng phim "mỳ ăn liền" thập niên 90 của Việt Nam.
Trailer phim "Mỹ nhân" ngập tràn cảnh nóng bỏng
Mỹ nhân đặt bối cảnh vào đầu thế kỷ 17. Lúc này, Chúa Nguyễn chỉ mang tước Quốc Công, một tước do vua Lê ban tặng kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận - Quảng. Vì vậy thời này các Chúa không mặc như thời Nguyễn về sau, mà mặc trang phục kiểu thời Lê. Phải đến năm 1744 nhà Nguyễn mới thay đổi toàn bộ trang phục trong nước, chuyển từ giao lĩnh sang áo dài cổ đứng. Tuy nhiên phục trang của diễn viên trong phim đều na ná thời Nguyễn với nhiều chi tiết làm khá ẩu.
Dưới đây là một số hạt sạn đáng tiếc được "mọt phim" phát hiện ngay trong trailer đầu tiên của "Mỹ nhân":
Quách Ngọc Ngoan trong vai Thế tử Nguyễn Phúc Tần diện trang phục được cho là "lai căng" (pha trộn nhiều thứ). Kiểu khăn quấn đầu của anh mang nét phim cổ trang Hàn Quốc và không phải lối phục trang của người Việt trong lịch sử. Cổ áo dính vào nhau ở yết hầu cũng là một chi tiết chưa chính xác (trên thực tế, cổ áo phải cách yết hầu một khoảng vừa đủ lộ yết hầu). Ngoài ra, trong khuôn hình trên, bức tranh treo tường thuộc thời Nguyễn chứ không phải Lê Trung Hưng.
Áo yếm của nhân vật do Hoa hậu Triệu Thị Hà đóng cũng mắc lỗi tương tự khi phần cổ áo được kéo hơi cao so với hình ảnh trong lịch sử. Ngoài ra, phần cổ áo dính vào nhau ở trước ngực được cho là chi tiết phóng tác của đội ngũ thiết kế trang phục.
Một chi tiết nhỏ khác cũng cho thấy sự thiếu cẩn trọng của đội ngũ thiết kế dàn dựng. Đó là hình ảnh chậu nước thả hoa sứ trong cảnh tắm của nhân vật nữ chính. Nhiều khán giả nhận xét đạo diễn không biết về tính độc của nhựa hoa sứ nên đã bố trí một cảnh phim mang tính nguy hiểm như trên.
Ngoài ra, một nhân vật phương Tây ở thế kỷ 17 (thời Lê Trung Hưng khi hai nhà Trịnh - Nguyễn phân tranh) nhưng lại mang trang phục thế kỷ 20 với mũ cao bồi, complet với nơ cài cổ. Các "mọt phim" nói vui rằng nhân vật này đã "xuyên không" trở lại quá khứ.
Mũ của Chúa Nguyễn đội cũng được cho là thiết kế thiếu chính xác. Hình rồng ở trước ngực áo kém tinh xảo đến mức các fan gọi vui là "rồng chibi" (Vẽ Chibi là trào lưu bắt nguồn từ đất nước Nhật Bản, tức là vẽ biến hoá từ hình mẫu thật thành hình dạng đơn giản, ngộ nghĩnh).
Loại mũ được nhân vật Chúa Phúc Tần trong phim Mỹ nhân sử dụng thực ra là mũ kim quan của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm thời Nguyễn thế kỷ 19 -20 (ảnh trái) chứ không dành cho các Chúa Nguyễn.
Trang phục và mũ đội đầu của Chúa Nguyễn (trái) như trong bức tranh người Nhật vẽ thế kỷ 17.
Trên ngực áo của nhân vật nam thêu hình sư tử được khán giả đặc biệt chú ý và gọi vui là "vua sư tử Simba" từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng Vua Sư tử.
Họa tiết rồng trên dây đai cũng kém tinh xảo và tiếp tục bị gọi là "rồng chibi".
Áo ngoài của nhân vật Thế tử theo dạng viên lĩnh nhưng lại bị may thành áo dài cài khuy chéo khiến nhiều người không biết trang phục này thuộc về thời đại nào. Trong khi mũ Chúa Nguyến thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 lại bị áp một chiếc mũ của thân vương thời Nguyễn của thế kỷ 19 - 20.
Dựa trên một sự kiện có thật và diễn ra trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam với sự phân tranh quyền lực giữa 2 chúa Trịnh - Nguyễn, Mỹ Nhân là câu chuyện về cuộc chiến với số phận của 2 người phụ nữ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành: một Thị Thừa mỏng manh yếu đuối và một Tống Thị sắc sảo nhiều mưu mô. Đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại với màn ảnh rộng của Quách Ngọc Ngoan sau một thời gian dài vắng bóng từ khi ly hôn với diễn viên Lê Phương và dính vào scandal không đáng có. |