"Tôi đóng Biệt động SG như cảnh sát 113"

"Cảnh quay tôi nhớ nhất là khi đột nhập vào ngôi nhà của trùm ma tuý. Tôi phải leo thang cây lên hai tầng lầu mà không có bảo hiểm. Khi xem lại cảnh này tôi mới thấy rợn người. Có lúc, chiếc thang gần như bật ra và nếu không phản ứng kịp thời sẽ ngã xuống đất. Tốc độ leo của tôi tương đương với các chiến sĩ 113, thậm chí có phần nhỉnh hơn", Bá Cường chia sẻ về một cảnh quay nguy hiểm trong Những đứa con Biệt động Sài Gòn 2.

Bá Cường từng để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả truyền hình qua các bộ phim: Miền đất phúc, Thiên mệnh anh hùng, Bắt bướm, Đôi mắt trái tim, Chuyên án kì lạ… Tuy nhiên, khán giả có thể nhớ đến nhân vật của anh nhưng họ lại không biết tên thực ngoài đời của anh là gì. Ngay cả vai diễn Đắc Vi trong Những đứa con biệt động Sài Gòn, dù được đánh giá cao nhưng tên tuổi của anh cũng chưa được khán giả biết đến rộng rãi.

Trầm tính và khá ít nói, anh thừa nhận, trước đây chưa bao giờ nghĩ đến việc quảng bá tên tuổi của mình. Cuộc trò chuyện với chàng cảnh sát Đắc Vi cởi mở và nhiều câu chuyện thú vị được  hé lộ.     

Chấn thương cột sống vì đóng cảnh hành động

Có thể thấy, Những đứa con biệt động Sài Gòn 2 có rất nhiều cảnh hành động nguy hiểm, Bá Cường làm thế nào để vượt qua những cảnh quay này?

Hầu hết những cảnh hành động đuổi bắt tội phạm đều nguy hiểm. Ngay từ phân đoạn mở màn khi vây bắt các băng nhóm tội phạm tại Hoà Bình chúng tôi cũng phải đua xe trên địa hình rừng núi hiểm trở.

Với phim này, tôi hoàn toàn đóng thật mà không dùng đến cascadeur (diễn viên đóng thế cảnh hành động). Trên thực tế, khi quay phim đạo diễn đã phải tiết chế bớt độ khó so với kịch bản gốc. Có những phân cảnh chỉ ekip làm phim nước ngoài mới dám thực hiện. Để hoàn thành những cảnh quay như thế này, tôi phải hoàn toàn hóa thân vào nhân vật, sống cuộc sống của nhân vật.

"Tôi đóng Biệt động SG như cảnh sát 113" - 1

Bá Cường vào vai cảnh sát Đắc Vi trong series Những đứa con biệt động Sài Gòn

Phim cũng sử dụng nhiều cảnh quay cháy nổ. Có khi nào anh sợ hãi mà không dám đóng?

Điều may mắn khi tham gia phim là phần khói lửa, vũ khí đều nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công an. Do đó, an toàn của diễn viên luôn được đảm bảo.

Cảnh quay tôi nhớ nhất là khi đột nhập vào ngôi nhà của trùm ma tuý. Tôi được chỉ đạo dẫn đầu nhóm cảnh sát cơ động 113 thực hiện nhiệm vụ. Phân cảnh yêu cầu phải leo thang cây lên hai tầng lầu mà không có bảo hiểm. Lúc quay, tôi đóng như phản xạ tự nhiên mà không cảm thấy lo sợ gì.

Khi hoàn thành, xem lại cảnh quay tôi mới thấy rợn người. Có lúc, chiếc thang gần như bật ra và nếu không phản ứng kịp thời sẽ ngã nhào xuống đất. Đạo diễn nói rằng, tốc độ leo của tôi tương đương với các chiến sĩ 113 được đào tạo bài bản, thậm chí có phần nhỉnh hơn.

Trước những cảnh quay khó như thế anh có được luyện tập hay hướng dẫn cụ thể?

Khi đóng phim này tôi không có thời gian để huấn luyện về chuyên môn. Trước đó, tôi chỉ tham gia học võ thuật.

Sau khi kết thúc phần 1, tôi bị chấn thương cột sống. Sang đến phần 2, dù chưa khỏi hoàn toàn nhưng tôi vẫn cố gắng để không ảnh hưởng đến đoàn phim. Nếu xui rủi mà có tai nạn nào đó, dù nhỏ thôi nhưng có khi mình nằm một chỗ luôn.

Anh có thể kể chi tiết hơn về tai nạn nhớ đời đó?

Tôi nhớ đó là phân cảnh kết của phần 1. Bối cảnh xảy ra tại nhà thờ Đức Bà khi tôi chạy bộ rượt đuổi theo một tên cướp đang lái xe máy.

Đến khúc cua, tôi bay người để hạ gục hắn. Cảnh quay thực hiện đến 10 lần cũng là 10 lần tôi bị ngã. Khi về nhà, tôi thấy cột sống của mình bắt đầu đau. Để đảm bảo tiến độ đoàn phim tôi vẫn cố chịu đựng. Trước mỗi phân cảnh tôi đều phải sử dụng thuốc giảm đau.

Có khi nào anh nghĩ mình sẽ bỏ nghề vì diễn những cảnh vừa khó, vừa nguy hiểm như thế?

Tôi nghĩ, sau những cảnh đó chắc mình không dám đóng phim hành động nữa. Nhưng rồi, một năm chữa trị, cột sống tôi dần hồi phục. Đúng lúc đó, phim lên sóng và nhận được nhiều phản hồi tích cực khiến tôi hào hứng hơn.

Cùng thời điểm, tôi nhận được hai lời mời tham gia Thiên mệnh anh hùngMắt bướm. Dù có rất nhiều cảnh hành động nhưng vì thích quá, tôi liều mình nhận lời. Mỗi lần đóng phim, tôi đều phải nẹp lưng rất chắc để đảm bảo an toàn.

"Tôi đóng Biệt động SG như cảnh sát 113" - 2

Bá Cường từng bị chấn thương cột sống khi đóng phim nhưng anh vẫn luôn tự mình thực hiện tất cả các cảnh hành động

Đạo diễn Long Vân từng chia sẻ, có nhiều cảnh quay của anh mà đoàn phim cũng không dám dựng lên phim. Anh có thấy tiếc vì điều đó?

Thông thường khi đối đầu với các băng cướp có nghĩa mình đang ở trong tình thế một sống một còn. Có thể vì lý do đó, những cảnh quay này bố Long Vân sợ sẽ ảnh hưởng đến khán giả nên không dám đưa vào phim.

Tất nhiên, bị cắt những cảnh quay đó tôi tiếc lắm vì mình đã phải đổ mồ hôi, tập trung rất nhiều cho từng phân đoạn.

Khi bấm máy phần 2, anh có gặp nhiều áp lực khi phần 1 đã quá thành công?

Các bạn có thể thấy đa phần các phim dài kì ở Việt Nam, phần 2 thường không thành công như phần 1. Chính vì thế tôi đã chịu cả núi áp lực. Nhiều lúc ra phim trường tôi vừa sợ, vừa căng thẳng.

Cách duy nhất tôi an ủi mình là nắm chắc kịch bản, làm tốt nhất những gì có thể. Tôi và ekip chỉ ước phần 2 này bằng 8/10 điểm so với phần 1 là đã mãn nguyện rồi.

Từng muốn bỏ diễn xuất

Cơ duyên nào đưa anh đến với Những đứa con biệt động Sài Gòn vì sau phim đầu tay, anh dường như bặt tăm khỏi màn ảnh nhỏ?

Khi còn là sinh viên trường Sân khấu điện ảnh, tôi có tham gia Miền đất phúc (đạo diễn Đinh Đức Liêm). Sau bộ phim, tôi cũng nhận được khá nhiều lời ngợi khen. Nhưng vì những khó khăn trong công việc, cuộc sống cá nhân, tôi phải bỏ nghề diễn trong vòng 6 năm. Thời gian không đóng phim tôi chuyển qua làm trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn.

Tôi còn nhớ khi chuẩn bị bấm máy phần 1, trợ lý đạo diễn phim có nhờ tôi tham gia một vai nhỏ. Từng học diễn xuất, đã đóng phim, lại là anh em trong nghề nên tôi nhận lời luôn. Tình cờ hôm đó, tôi cũng gặp phó đạo diễn phim.

Sau khi hỏi chuyện, anh nói với trợ lý đạo diễn rằng tôi phải vào vai Đắc Vi và dẫn tôi qua gặp đạo diễn Long Vân. Tôi được biết, trước khi mình được chọn thì đoàn phim cũng đang lao đao đi tìm diễn viên thủ vai này. Sau vai diễn đó, tôi bắt đầu trở lại diễn xuất và xuất hiện thường xuyên trên màn ảnh nhỏ.

6 năm nghỉ không diễn xuất mà chỉ đứng sau máy quay, anh có gặp nhiều khó khăn trong lần trở lại đó?

Tôi từng là diễn viên, lại tham gia công tác đạo diễn nên có nhiều cơ hội quan sát các bạn đồng nghiệp khi họ đóng phim. Qua mỗi bộ phim, tôi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn, tầm nhìn với nhân vật có thể cũng sâu sắc hơn.

Do đó, khi hoá thân vào mỗi nhân vật tôi biết phải làm gì, phát triển tích cách nhân vật ra sao. Đó là những lợi thế không phải ai cũng có được.

"Tôi đóng Biệt động SG như cảnh sát 113" - 3

Từng đảm nhận vai trò trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn, Bá Cường thừa nhận đó là những lợi thế của mình

Đó có phải lý do để sau Những đứa con biệt động Sài Gòn 1 anh quyết định nhận lời tham gia rất nhiều dự án khác nhau từ điện ảnh cho đến truyền hình?

Tôi đã tham gia một số phim như: Mắt bướm, Đôi mắt trái tim, Lòng dạ đàn bà, phim điện ảnh Thiên mệnh anh hùng… Tôi tự thấy dù là vai chính hay phụ, các nhân vật của mình đều rất ấn tượng với khán giả.

Cùng thời với những cái tên như Lương Thế Thành, Khương Ngọc… dù có nhiều vai diễn ấn tượng nhưng anh vẫn còn là cái tên khá xa lạ với khán giả. Điều đó có khiến anh chạnh lòng?

Tôi nghĩ một phần do tính cách của mình, vì tôi khá trầm lắng. Trước đây, tôi ít quan tâm đến truyền thông vì nghĩ đóng phim cũng là một công việc bình thường. Bên cạnh đó, suốt thời gian dài tôi cứ lưng chừng giữa việc đi đóng phim hay làm phó đạo diễn vì vai trò nào mình cũng rất yêu nó.

Khi đảm nhận vai trò phó đạo diễn, tôi chỉ tập trung vào công việc hậu trường chứ không hề chú tâm đến chuyện sẽ phát triển tên tuổi của mình ở lĩnh vực diễn xuất.

Vậy khi trở lại với các dự án phim khác nhau, anh có thay đổi suy nghĩ đó?

Tôi không thay đổi suy nghĩ nhưng chính tính chất công việc khiến mình phải khác đi. Ngoài đời, khán giả vẫn gọi tôi bằng tên của các nhân vật trong phim như Bảy thẹo trong Lòng dạ đàn bà hay Đắc Vi trong Những đứa con biệt động Sài Gòn. Điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và yêu nghề hơn.

Đóng cảnh nóng phải an toàn cho bạn diễn

Vai Đắc Vi trong Những đứa con biệt động Sài Gòn không chỉ có hành động mà phần đấu trí, diễn xuất tâm lý cũng không hề dễ dàng. Anh đã xử lý như thế nào để vai diễn của mình cuốn hút khán giả?

Tôi nhận thấy Đắc Vi là vai diễn khá toàn diện cả về hành động lẫn diễn xuất tâm lý. Nhân vật này luôn được đặt trong các tình huống có xung đột về tư tưởng. Trong phần 1, anh ta là người máu chiến với nghề, lại được sinh ra trong gia đình có quyền thế nên tính cách có phần bốc đồng. Vì thế, khi diễn xuất tôi cố gắng lột tả đúng tính cách nhân vật mà vẫn không làm mất đi hình ảnh của một chiến sĩ công an chân chính.

Sang đến phần 2, vai Đắc Vi lại được nâng tầm khó hơn về diễn xuất tâm lý. Anh ta không còn xung đột với đồng nghiệp mà với chính bản thân, tình cảm của mình. Đắc Vi đem lòng yêu con gái của một vị tướng nguỵ trong chế độ cũ.

Suốt 35 tập phim, nhân vật này luôn bị giằng xé giữa một bên là nhiệm vụ của chiến sĩ công an và một bên là tình yêu cá nhân. Đỉnh điểm của câu chuyện, anh ta tự tay bắt người yêu của mình khi cô giả danh là nhân viên một công ty sản xuất điện tử nhưng thực chất lại là kẻ buôn ma tuý.

Các bộ phim của anh phần lớn thuộc thể loại hành động, vậy trong số các bạn nữ đã đóng chung, anh ấn tượng nhất với ai?

Đó là Kim Tuyến. Chúng tôi đã hợp tác cùng nhau trong 2 bộ phim là Đôi mắt trái timChuyên án kỳ lạ. Tuyến không chỉ chuyên nghiệp mà còn luôn biết cách tạo không khí thoải mái khi làm việc.

"Tôi đóng Biệt động SG như cảnh sát 113" - 4

Kim Tuyến - bạn diễn ăn ý nhất với Bá Cường trên phim

Với những cảnh nóng cùng bạn diễn nữ, anh xử lý như thế nào?

Nói đến cảnh nóng, ai cũng thấy nó vốn nhạy cảm. Do đó, điều quan trọng đầu tiên mình phải biết cách tạo cảm giác an toàn cho bạn diễn. Trước mỗi cảnh quay, chúng tôi ngồi cùng đạo diễn bàn bạc phải thực hiện nó như thế nào.

Nói gì thì nói, khi quay những cảnh này, diễn viên nữ bao giờ cũng thiệt thòi và có cảm giác lo sợ hơn. Tôi may mắn vì khi đóng những cảnh này với Kim Tuyến cô ấy hiểu rất rõ và cả hai hợp tác với nhau rất tốt.

Còn với Những đứa con biệt động Sài Gòn không có cảnh nóng mà chỉ là cảnh tình cảm nhẹ nhàng.

Gắn liền hình ảnh với những vai hành động, anh có sợ bình cứ bị đóng khung trong hình tượng nhân vật này?

Tôi vừa tham gia bộ phim Hãy để anh yêu em với một vai diễn hoàn toàn khác biệt. Trong phim, tôi vào vai một chàng phi công trẻ sẵn sàng đánh đổi bản thân để đạt được mục đích. Vai diễn này đòi hỏi tôi phải thật mềm mại, dịu dàng, ẻo lả. Suốt một tuần đầu, tôi muốn bỏ vai vì cứ bấm máy là mình không diễn được. Sau đó, tôi ngồi lại với đạo diễn, nghiên cứu nhân vật kĩ hơn và cuối cùng có thể nhập vai.

Mơ ước của tôi, sau này nếu được làm đạo diễn sẽ chọn diễn viên có tính cách hoàn toàn đối lập với ngoại hình của họ. Có thể các bạn sẽ thấy những anh chàng hiền lành, thư sinh nhưng sẽ là những sát thủ máu lạnh và ngược lại.

Còn về một vai điện ảnh để có thể bật tên tuổi của mình lên, anh đã nghĩ tới?

Là diễn viên, ai cũng mong ước có một vai điện ảnh để thể hiện khả năng của mình. Tôi tin mình sẽ có cơ hội. Trước mắt, tôi cũng vừa nhận lời tham gia một bộ phim điện ảnh nhưng chưa thể tiết lộ thông tin gì.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Phim mới: Những đứa con Biệt động Sài Gòn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN