Tiết lộ hậu trường của phim hoạt hình độc đáo nhất 2014

340 nghệ sỹ và chuyên gia điện ảnh hàng đầu hành tinh đã làm việc trong hơn 2 năm để cho ra đời tuyệt phẩm hoạt hình kết hợp phong cách stop-motion và công nghệ 3D độc đáo nhất năm 2014 - "Hội quái hộp" (The box trolls).

Hội quái hộp là tác phẩm mới của hãng hoạt hình Mỹ Laika, vừa ra mắt trên toàn thế giới tuần trước và đang được giới phê bình điện ảnh hết sức khen ngợi. Tuyệt phẩm bắt đầu công chiếu từ ngày 12/9 tại các rạp Việt này có vô vàn điểm độc đáo trong quá trình xử lý khiến khán giả phải kinh ngạc.

Kết hợp kỹ thuật nguyên thủy và công nghệ hiện đại nhất

Stop-motion (dừng chuyển động) là một trong những công nghệ điện ảnh sơ khai nhất. Thuật ngữ này chỉ những đoạn phim được ghép từ hàng loạt hình ảnh tĩnh, nghĩa là các nhà làm phim chụp liên tiếp hàng ngàn bức ảnh tĩnh sau đó dựng thành một đoạn phim sống động.

“Stop-motion thực tế không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Bạn chỉ di chuyển các vật thể rồi chụp lại ảnh của chúng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để hoàn thành cho thật tốt thì những việc tưởng chừng đơn giản lại luôn là những việc khó khăn nhất,” ông Travis Knight, nhà sản xuất của Hội quái hộp chia sẻ.

Tiết lộ hậu trường của phim hoạt hình độc đáo nhất 2014 - 1

Chuyện phim kể về một cậu bé được cộng đồng quái hộp cưu mang

Đoạn phim stop-motion đầu tiên trên thế giới là The humpty dympty circus được làm năm 1898, trước cả thời vua hề Sác-lô. Kể từ đó, vô số tuyệt phẩm được làm theo phong cách kinh điển này gồm Rudolph the Red-Nosed Reindeer 1964, Santa Claus is Comin’ to Town 1970, và Wallace and Gromit 1989.

Đầu thế kỷ 21, hình ảnh những chú cừu được xử lý theo công nghệ stop-motion trong loạt phim hoạt hình Shaun the sheep trở thành một nhân vật biểu tượng được đông đảo khán giả trên thế giới mến mộ.

Từ khi có công nghệ 3D, stop-motion được kết hợp trong ba bộ phim khá thành công của hãng Laika là Coraline 2009 và ParaNorman 2012, The Pirates và hiện tại là Hội quái hộp.

Tiết lộ hậu trường của phim hoạt hình độc đáo nhất 2014 - 2

Một ngày cư dân của cộng đồng quái hộp gặp nạn, và người hùng tên Trứng phải tìm cách cứu cả bầy quái hộp

340 nghệ sỹ và chuyên gia chuẩn bị trong 2 năm

Huffpost cho biết, Hội quái hộp có tổng cộng 79 cảnh dựng và hơn 20.000 đạo cụ được làm thủ công, là bộ phim hoạt hình stop-motion có quy mô lớn nhất từng được thực hiện.

Tiền kỳ của phim bắt đầu từ năm 2012 và hoàn tất đầu năm nay 2014. Tổng cộng thì quá trình ghi hình chính thức cho bộ phim kéo dài tới 76 tuần – tương đương 1 năm 3 tháng. Thời gian này gần gấp đôi thời gian ghi hình một phim bom tấn thông thường.

Giai đoạn các nghệ sỹ làm việc cật lực nhất là nửa cuối năm 2013; có tới 340 họa sỹ thiết kế, nghệ sỹ, chuyên gia xử lý hoạt ảnh, chuyên gia kỹ thuật được huy động cùng làm việc trong xương phim, cùng với 50 bộ phận quay phim độc lập làm việc trong suốt quá trình ghi hình.

Một cảnh quay phim dài một phút cần một tuần chuẩn bị, bởi các chi tiết đều được làm thủ công.  “Phải mất tới nửa giờ đồng hồ để chuyên gia đồ họa có thể hoàn thành xong một khung hình đơn giản”, ông Knight kể.

Một con rối trong bộ phim mất 3 đến bốn tháng để nhóm thiết kế gồm 60 người sáng tạo xong. Lý do cho sự phức tạp này là bởi các con rối trong phim được làm bằng chất liệu silicon, cao su và nhựa tổng hợp, bên trong có khung đỡ bằng kim loại. Việc này giúp chúng cử động được nhiều trong suốt một thời gian dài.

Tiết lộ hậu trường của phim hoạt hình độc đáo nhất 2014 - 3

Một chuyên gia đồ họa sẽ phải mất tới 1 tuần để có thể hoàn thiện 1 cảnh quay có độ dài 3,7 giây.

1 nhân vật có tổng cộng 1,4 triệu kiểu biểu cảm

Đáng kinh ngạc nhất, hơn 300 nghệ sỹ hậu trường Hội quái hộp đồng thời làm việc cùng nhau và xử lý mọi khâu trong cùng một thời điểm. Các phòng ban phối hợp với nhau rất chặt chẽ để cùng thực hiện dự án chứ không ngồi chờ từng bộ phận kết thúc công việc rồi mới bắt tay vào việc của mình. Trong lúc bộ phận phục trang đang bận rộn thì nhóm phụ trách cảnh dựng cũng đang tất bật tại trường quay.

Hội quái hộp được ghi hình bằng 56 chiếc máy quay kỹ thuật số. Mỗi máy quay tự động lưu lại những khung hình thu được vào máy tính để các chuyên gia đồ họa có thể xem lại thành quả của mình.

Theo tổng chỉ đạo quay phim John Ashlee Prat cho biết, 3D được sử dụng trực tiếp ngay trong quá trình thực hiện bộ phim để tạo hiệu ứng tối ưu nhất.

Tiết lộ hậu trường của phim hoạt hình độc đáo nhất 2014 - 4

 190 con rối đã được làm ra để thực hiện Hội Quái Hộp

Cuối cùng, biểu cảm nhân vật vốn là linh hồn cho các phim hoạt hình cũng được xử lý đến mức độ mềm mại hoàn hảo trong Hội quái hộp.

Sử dụng công nghệ máy vi tính, các nhà làm phim Hội quái hộp đã tạo ra hàng triệu kiểu biểu cảm khác nhau. Riêng nhân vật Eggs trong phim này có 1,4 triệu biểu cảm, nhiều hơn bất kỳ biểu cảm nào từng có trong các phim hoạt hình trước đây.

Cách đây 21 năm, nhân vật chính trong The Nightmare Before Christmas được xử lý thủ công chỉ có tổng cộng 800 kiểu biểu cảm. Trong khi đó, nhân vật Coraline trong bộ phim cùng tên năm 2009 chỉ có 270.000 biểu cảm.

Trailer phim Hội quái hộp

Những con số gây ngạc nhiên được  tiết lộ từ ê kíp "Hội quái hộp"

Một chuyên gia đồ họa sẽ phải mất tới 1 tuần để có thể hoàn thiện 1 cảnh quay có độ dài 3,7 giây.

Bộ phim sử dụng tới 56 máy quay và 892 bóng đèn chiếu sáng.

Số lượng cảnh quay được tạo ra bằng đồ họa máy tính là 131.

Tồng cộng có tất cả 79 cảnh dựng cùng 26 địa điểm xuất hiện trong câu chuyện. Đó là công sức của một tập thể bao gồm 13 thợ xây, 12 thợ mộc, 9 thợ sơn, 8 nhân viên dựng cảnh và 4 họa sỹ.

190 con rối đã được làm ra để thực hiện Hội Quái Hộp.

200 bộ phục trang đã được thiết kế cho bộ phim.

Có 14 loại vải khác nhau được sử dụng để làm ra chiếc mũ của nhân vật Portley-Rind.

Chiếc áo len mà nhân vật Eggs mặc được dệt từ hơn 200m sợi được nhuộm bằng tay với nhiều màu sắc khác nhau.

Hơn 20.000 đạo cụ đã được sản xuất thủ công phục vụ cho bộ phim này.

Đạo cụ nhỏ nhất của bộ phim chính là sợi chỉ và chiếc kim khâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Vũ (Theo Huffpost, HReporter, LaTimes) ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Hollywood Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN