"Tiên hắc ám" của Angelina Jolie: Hốt bạc vẫn bị chê
“Maleficent” làm mưa làm gió tại các phòng vé toàn cầu nhưng nhận không ít đánh giá trái chiều từ giới phê bình
Dựa trên câu chuyện cổ tích Sleeping Beauty nổi tiếng, bộ phim Maleficent của hãng Disney tiếp cận câu chuyện theo một góc nhìn hoàn toàn khác. Tuy đem về doanh thu rất ấn tượng trong tuần đầu tiên ra mắt (hơn 170 triệu USD toàn cầu), tác phẩm lại nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ các nhà chuyên môn.
Tỷ lệ khen - chê của bộ phim trên chuyên trang tổng hợp ý kiến giới phê bình Rotten Tomatoes lúc này đang là 50-50. Dù có cách tiếp cận mới mẻ thì Maleficent vẫn là một câu chuyện cổ tích truyền thống và hướng đến đối tượng gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vậy thì sự “vênh” giữa khán giả đại chúng và giới phê bình xuất phát từ đâu?
Tuyến nhân vật phụ quá mờ nhạt
Ngay từ tựa đề, khán giả đã biết rằng bộ phim sẽ nói đến ai. Tất nhiên, Maleficent sẽ chỉ tập trung kể lại câu chuyện xoay quanh Tiên hắc ám. Tuy nhiên, tuyến nhân vật phụ của bộ phim lại quá mờ nhạt và chẳng có ai thực sự nổi trội. Hãy thử điểm danh họ: Stefan, một kẻ bất chấp tất cả để có ngai vàng quyền lực; Aurora, cô công chúa ngây thơ và hồn nhiên; Diaval, chú quạ hầu cận của Tiên hắc ám; ba bà tiên vụng về, và tất nhiên là vị hoàng tử mờ nhạt.
Nhân vật vua Stefan trong Maleficent được cho là để lại nhiều tiếc nuối khi được phát triển chưa tới.
Aurora xuất hiện dưới một hình tượng công chúa đã quá nhàm chán trong các tác phẩm cổ tích. Ba bà tiên xuất hiện với mục đích chủ yếu tạo ra các tình tiết gây cười cho phim. Mỗi nhân vật đều có một đặc điểm để khán giả nhớ tới, nhưng nếu so với Tiên hắc ám của Angelina Jolie, họ bị áp đảo một cách hoàn toàn.
Đạo diễn và biên kịch đã dành cho các nhân vật này quá ít đất diễn để thể hiện. Nói một cách nào đó, Tiên hắc ám đã chiếm luôn cả vai thiện lẫn vai ác chủ đạo trong phim. Chính bởi vậy, nhà vua Stefan gây ra nhiều sự tiếc nuối khi là một nhân vật tiềm năng nhưng được xây dựng chưa tới. Dẫu vậy, khán giả đại chúng đến với Maleficent phần đông vì Angelina Jolie. Chuyện tuyến nhân vật phụ thiếu đất diễn cũng chẳng phải là một vấn đề gì quá to tát cả.
Định hướng dư luận sai lầm
Maleficent đã có một chiến dịch marketing rất rầm rộ. Từ các hình ảnh, trailer, trích đoạn, đa số khán giả sẽ nghĩ rằng đây là một bộ phim có tông màu và cốt truyện “đen tối”, thậm chí là “căng thẳng, bạo lực”. Chính tâm lý định sẵn này khiến một bộ phận khán giả trở nên thất vọng sau khi xem phim.
Maleficent không hắc ám như những tài liệu quảng cáo ban đầu gợi ý, song, người hâm mộ hoàn toàn có thể đoán định trước được chuyện này
Tuy nhiên, lẽ ra nhiều người phải hiểu ngay vấn đề khi bộ phim được Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ MPAA xếp hạng PG (viết tắt của Parental Guidance, tức là chỉ có một số ít hình ảnh không phù hợp với trẻ em).
Nhãn PG đồng nghĩa với việc bộ phim hướng tới đối tượng khán giả nhí và là một tác phẩm cổ tích nữa đến từ Disney. Thử nhìn lại truyền thống làm các phim live-action của Disney, khán giả sẽ nhận ra ngay rằng Maleficent vẫn đi theo định hướng bây lâu nay của hãng: luôn sản xuất phim hướng tới trẻ em và gia đình đầu tiên, không quá tăm tối và căng thẳng và luôn tránh xa các tình tiết quá bạo lực. Alice in Wonderland, Oz the Great and Powerful hay xa hơn nữa là Enchanted… đều là các ví dụ khá rõ ràng. Từ đó cũng gây ra một tranh cãi tất yếu khác…
Sự thay đổi về nhân vật Maleficent
Từ định hướng sai lầm kể trên, trước khi xem phim, hẳn có nhiều người vẫn nghĩ rằng Tiên hắc ám của Angelina Jolie sẽ “hắc ám” như phiên bản hoạt hình gốc. Nên nhớ rằng, Tiên hắc ám của Sleeping Beauty được đánh giá là một trong những nhân vật phản diện kỳ quái bậc nhất trong lịch sử hoạt hình Disney khi mang mối oán hận kéo dài tận 16 năm… chỉ vì lỡ không được mời tới dự lễ rửa tội của cô công chúa.
Maleficent trong Sleeping Beauty được đánh giá là một trong những nhân vật phản diện xuất sắc nhắt mà hoạt hình Disney từng đem đến cho khán giả.
Vậy Maleficent của Angelina Jolie thì sao? Tiên hắc ám vẫn xuất hiện ở lễ rửa tội và nguyền rủa công chúa Aurora. Nhưng ngoại trừ khoảnh khắc được coi là độc ác và ma quỷ nhất này thì trong hầu hết khoảng thời gian còn lại, Tiên hắc ám trở thành một bà tiên hết sức nhân từ và nặng tình cảm. Trên hết, hành động nguyền rủa của Tiên hắc ám bắt nguồn từ những oán hận trong quá khứ với nhà vua Stefan.
Trong khi đó, Tiên hắc ám ở Sleeping Beauty là một cái ác thuần túy, thậm chí là có phần khó giải thích. Điều này đã phá hủy hoàn toàn hình tượng Tiên hắc ám trước đó tồn tại trong một bộ phận người hâm mộ. Không chỉ Tiên hắc ám, chàng hoàng tử trong bộ phim mới trở nên vô dụng trong khi từng có một trận chiến quyết liệt với con rồng do Tiên hắc ám hóa thành.
Tiên hắc ám của Angelina Jolie có nhiều sự khác biệt với phiên bản gốc và gây ra sự so sánh không thể tránh khỏi.
Nói đến đây, chúng ta cũng chợt nhận ra rằng Tiên hắc ám của Angelina Jolie cũng chẳng hóa thành rồng như trong phiên bản gốc. Tất nhiên, dù Maleficent là một tác phẩm mới, được kể với cách tiếp cận mới, nhưng nó không thể nào tránh khỏi những sự so sánh với phiên bản gốc từ khán giả. Chúng ta có thể phân chia thành ba luồng ý kiến như sau:
a. Hình tượng của Tiên hắc ám trong truyện và hoạt hình trước đó: hoàn toàn độc ác và đen tối.
b. Hình tượng của Tiên hắc ám mà nhiều khán giả dự đoán qua trailer và các quảng cáo khác: bản chất tốt nhưng bị dòng đời xô đẩy.
c. Hình tượng của Tiên hắc ám trong phim: sinh ra đã là một vị tiên tốt bụng, bị lừa dối và nung nấu hận thù nhưng sau đó phần thiện trong tâm hồn vẫn chiến thắng.
Có thể thấy trong suốt bộ phim, phần thiện của Tiên hắc ám vẫn vượt trội hơn hẳn và sự đấu tranh thiện ác trong nội tâm không hề quá căng thẳng. Chuyện một khán giả đánh giá bộ phim Maleficent hay đến đâu nhiều khi lại phụ thuộc vào việc họ chọn ý kiến nào về nhân vật Tiên hắc ám cho riêng bản thân.