The Grand Budapest Hotel: Cái đẹp cũ kỹ làm say lòng người

The Grand Budapest Hotel là một tác phẩm điện ảnh hội tụ nhiều yếu tố đặc sắc và thú vị mà những ai yêu điện ảnh không nên bỏ qua.

Trong những danh sách bình chọn các bộ phim hay nhất của nửa đầu năm 2014, khán giả luôn có thể nhận thấy sự xuất hiện của một cái tên giản dị mà ấn tượng: The Grand Budapest Hotel. Nếu đã từng xem qua những tác phẩm giàu màu sắc và đậm chất thơ mộng của nam đạo diễn Wes Anderson, hẳn bạn sẽ hiểu được lý do tại sao The Grand Budapest Hotel lại được nhiều nhà phê bình mến mộ đến vậy.

Phong cách làm phim duy mỹ, độc đáo và hài hước của ông đã thổi vào cho bộ phim một thứ linh hồn sống động, tuyệt đẹp và vô cùng khó phai. Đặc biệt, The Grand Budapest Hotel còn là tác phẩm đánh dấu nhiều thử nghiệm mới của Wes Anderson trong điện ảnh. Những sáng tạo mới này đã giúp nâng tên tuổi của ông lên một tầm mới, ngang hàng với nhiều đạo diễn huyền thoại và tài ba khác của Hollywood.

The Grand Budapest Hotel: Cái đẹp cũ kỹ làm say lòng người - 1

The Grand Budapest Hotel là một bộ phim khá ấn tượng

Lạ từ cốt truyện…

The Grand Budapest Hotel là câu chuyện xoanh quanh những sự kiện xảy ra tại khách sạn The Grand Budapest. Đó là một lâu đài cổ diễm lệ với mái ngói màu xanh ngọc và những bức tường trắng hồng nên thơ nằm sừng sững trên một đỉnh núi. The Grand Budapest đẹp như một bức tranh vẽ, và trong quá khứ, nó từng là một điểm đến yêu thích của giới quý tộc và những người giàu sang.

Sau nhiều năm từng trải với mưa gió, khách sạn này đến năm 1968 chỉ còn là một "thiên đường" vắng khách với những con người già cõi, cô đơn và lạc lõng thường hay lui tới. Đó chính là lúc một nhà văn nọ gặp gỡ Zero Moustafa, người chủ khách sạn, và được ông kể cho nghe câu chuyện đầy biến động của đời mình.

The Grand Budapest Hotel: Cái đẹp cũ kỹ làm say lòng người - 2

The Grand Budapest Hotel có cốt truyện lạ và cách kể của đạo diễn khiến khán giả phải chú ý.

Với những khán giả yêu thích thể loại phim được kể theo lối tuyến tính thông thường, The Grand Budapest Hotel sẽ là một thách thức khá khó nhằn, bởi bộ phim được dẫn dắt theo lối "truyện lồng trong truyện". Chỉ trong vòng 15 phút đầu của phim mà Wes Anderson đã cho bối cảnh "nhảy cóc" ngược thời gian trở về quá khứ đến 3 lần. Mỗi lần, ở mỗi thời đại khác nhau, người xem đều có thể cảm nhận được cái không khí rất riêng và đặc trưng của thời kỳ đó.

Thời điểm "xa xôi" nhất của bộ phim nằm ở năm 1932, khi The Grand Budapest còn trong thồi kỳ hoàng kim còn Zero Moustafa thì vừa đến đây để đảm nhận công việc lobby boy (nhân viên phục vụ tiền sảnh). Đó cũng chính là lúc Zero gặp được ngài Gustave H, quản lý khách sạn, đồng thời cũng là nhân vật trung tâm của tầng thời gian này.

Gustave H. là một con người khá kỳ quặc, vừa tốt bụng lại vừa gian manh. Ông là một quản lý cực kỳ nghiêm khắc nhưng đôi khi làm việc lại rất nặng tính riêng tư. Gustave H. có một mối quan hệ đặc biệt với "bà chị" già giàu có Madame D. Một ngày nọ, khi Madame D đột ngột qua đời, Gustave vì được thừa kế bức tranh "Boy with Apple" nên bị họ hàng của bà thù ghét, hãm hại ông bằng cách vu khống tội giết Madame D.

The Grand Budapest Hotel: Cái đẹp cũ kỹ làm say lòng người - 3

Bộ phim không có thông điệp chủ đạo những lại có khá nhiều chi tiết khiến người xem ngẫm nghĩ.

Phần sau của bộ phim chủ yếu xoay quanh quá trình bị bắt, bỏ trốn rồi phục thù của Gustave H. với sự giúp đỡ của anh chàng Zero. The Grand Budapest dường như không hề có một thông điệp rõ ràng hay hoàn chỉnh nào mà chỉ đưa ra những chi tiết đắt giá để người xem phải ngẫm nghĩ. Mỗi con người, mỗi nhân vật trong The Grand Budapest Hotel tự thân họ đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, cùng với nhau, họ tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh với đầy đủ mảng sáng tối.

...đến kỹ thuật

Điểm thú vị rất dễ nhận thấy đầu tiên của The Grand Budapest Hotel chính là tỉ lệ khung hình của phim được thay đổi theo từng theo điểm. Ở khung cảnh mở đầu của phim, khán giả được xem theo tỉ lệ chuẩn của rạp chiếu phim hiện tại (2:35:1) rồi sau đó khung hình nhanh chóng chuyển sang tỉ lệ 1:85 cũ và cuối cùng dừng lại ở tỉ lệ 1:33 (tức 4:3).

Cách thay đổi khung hình này, đặc biệt khi dùng ở tỉ lệ chuẩn của những ti vi thời xa xưa 4:3 giúp bộ phim khoác lên được một nét đẹp cổ kính và nhẹ nhàng, phần nào nói lên được tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong bộ phim: "Chỉ có cái đẹp cũ kỹ mới làm say được lòng người".

The Grand Budapest Hotel: Cái đẹp cũ kỹ làm say lòng người - 4

Những khung hình trong phim thay đổi liên tục tạo nên một nét thú vị đặc trưng cho phim.

The Grand Budapest Hotel dù mang nhiều sáng tạo mới của đạo diễn Wes Anderson những vẫn không thiếu những phong cách đặc trưng mà khán giả từng thấy qua các tác phẩm như Moonrise Kingdom, The Royal Tenenbaums… Đó là kiểu quay xoay máy theo từng góc cố định như 90 độ, 180 độ. Cách đặt máy đối diện gương mặt nhân vật và từ từ phóng to, thu nhỏ theo nhịp cảm xúc và đặc biệt là cách quay vuông góc mặt đất từ trên cao hoặc dựng ngược từ dưới nhìn lên vô cùng ấn tượng.

Bên cạnh đó, kiểu dựng phim theo lối chương hồi của Wes Danderson cũng giúp khán giả thấy thích thú và dễ dàng theo dõi câu chuyện của phần sau hơn. Kiểu làm phim này rất được ưa chuộng trong thời kỳ cũ của Hollywood và Wes Danderson đã chứng tỏ được một điều dù đã cũ, nhưng nó sẽ không bao giờ lạc hậu.

Pha lẫn với chất nhạc retro trong phim là sự hoàn hảo đến từng chi tiết trong cách sắp xếp bối cảnh, trang phục, tất cả đều toát lên một tinh thần cổ kinh đến tuyệt diệu. Và cuối cùng, cách phối màu của toàn bộ bộ phim thực sự vô cùng xuất sắc và tạo ra được ấn tượng khó phai với mỗi người xem.

The Grand Budapest Hotel: Cái đẹp cũ kỹ làm say lòng người - 5

The Grand Budapest là một tác phẩm đa thể loại đậm tính châm biếm.

Cũng trong The Grand Budapest, Wes Danderson đã thể hiện tài nghệ casting tuyệt đỉnh của mình khi đặt nhiều diễn viên mới đứng ngang hàng với các tên tuổi gạo cội mà vẫn không khiến họ bị chìm lấp. Cả Bill Murray, Owen Wilson, Jason Schwartzman, Tilda Swinton lẫn Saoirse Ronan, Léa Seydoux, Jude Law đều hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình một cách xuất sắc.

Được xếp vào thể loại comedy (hài hước) nhưng nói chính xác the The Grand Budapest là một tác phẩm đa thể loại đậm tính châm biếm. Chất hình sự, trinh thám lẫn phong cách phim tâm lý – xã hội đặc trưng đều toát lên mạnh mẽ ở bộ phim này. The Grand Budapest có thể nói là một trong những tác phẩm nghệ thuật hiếm hoi có khả năng chinh phục cả những khán giả đại chúng, bởi lẽ những gì cũ kỹ và cổ kính luôn có khả năng làm say lòng người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Tùng ([Tên nguồn])
Phim hay ít người biết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN