Tân Thiên long bát bộ phản pháo 3 "lùm xùm"
Kể từ sau khi công chiếu trên đài vệ tinh Hồ Nam, phiên bản Tân Thiên long bát bộ đã gặp không ít lời chê bai, công kích từ người hâm mộ. Đạo diễn cùng đoàn phim hiện đã chính thức lên tiếng phản pháo đáp trả.
Từng nhận "hàng rổ gạch đá" từ phía công chúng và người hâm mộ sau khi Tân Thiên long bát bộ của đạo diễn Lại Thủy Thanh được phát sóng trên đài vệ tinh Hồ Nam. Sắp tới, phim sẽ được phát trên đài vệ tinh Chiết Giang vào ngày 18/1, sau khi đã được biên tập "gọt dũa" lại những chi tiết không cần thiết.
Những lời chê bai, chỉ trích từ công chúng phần lớn tập trung vào sự tương phản giữa diễn viên với nhân vật trong phim, tạo hình, phục trang, kỹ xảo võ thuật... Trong một bài phỏng vấn mới đây, đạo diễn Lại Thủy Thanh đã có những lời đáp trả thẳng thắn và rõ ràng về chủ ý cải biên trong phiên bản Tân Thiên long bát bộ của anh, theo đó, cải biên là để đổi mới: "Có người thích, có người chê, đó là cái giá của sự đổi mới, không có gì lạ cả".
Tân Thiên long bát bộ đang được phát sóng gặp phải nhiều tranh cãi gay gắt.
Đạo diễn Lại Thủy Thanh đứng ra đáp trả những nghi ngờ và tranh cãi của công chúng về Tân Thiên long bát bộ.
Tạo hình quá xấu: Đó là sự đổi mới thế giới võ hiệp
Tháng 12/2013, khi Tân Thiên long bát bộ chính thức ra mắt, những lời chê bai công kích về phần tạo hình của nhân vật được bàn tán xôn xao trên các diễn đàn mạng. Dẫn đầu trong các trang phục bị chê là tấm mạng đăng-ten màu đen che mặt giống như đồ lót phụ nữ, khăn lụa đen quấn quanh đầu với bộ phục trang đỏ của nhân vật Mộc Uyển Thanh. Không ít ý kiến bình luận, bộ trang phục của nhân vật này khiến họ không dám đi ngủ.
Tương tự, tạo hình Cái bang của nhân vật Kiều Phong cũng nhận không ít "gạch đá" từ người hâm mộ: "Thật phí cho một gương mặt đẹp trai như Chung Hán Lương, cái bang mà cứ phải ăn mặc rách rưới như vậy sao?" hay "Tạo hình nhân vật quá bẩn"... Ngay đến phục trang màu xanh lam của nhân vật Đoàn Dự (Kim Ki Bum) cũng vấp phải những lời công kích: "Cảm giác như lũ nhặng bay tứ tung khắp nơi".
Tạo hình nhân vật Kiều Phong của Chung Hán Lương bị chê quá rách rưới và bẩn thỉu.
Trong khi trang phục Đoàn Dự của Kim Kim Bum lại từ trắng chuyển thành xanh ngọc.
Đảm nhận vai trò thiết kế phục trang cho Tân Thiên long bát bộ là chuyên gia thiết kế lừng danh Hề Chung Văn, anh từng nhiều lần nhận giải Phục trang xuất sắc tại các LHP Kim Tượng và Kim Mã, thậm chí cả đề cử giải Oscar.
Đạo diễn Lại Thủy Thanh cho biết, các thiết kế phục trang cho nhân vật trong phim chính là thể hiện mong muốn đạt đến bước đột phá: "Tôi và Hề Chung Văn từng nhiều lần bàn bạc với nhau. Anh ấy là một chuyên gia thiết kế đẳng cấp quốc tế, có con mắt nhìn nghệ thuật riêng, vì vậy mọi người nên nhìn bằng con mắt nhìn mới mẻ".
Đạo diễn Lại nhận xét, các thiết kế phục trang của Hề là sử dụng những khối màu to bản, đó là những thiết kế có tính táo bạo, một sáng tạo trong thế giới võ hiệp cổ trang.
Bản thân thiết kế Hê cũng nhận định, Thiên long bát bộ vốn là một tiểu thuyết hư cấu, tạo hình nhân vật có sự sáng tạo phóng khoáng và không thể chê trách được. Hề Chung Văn tiết lộ, phần nhiều các thiết kế phục trang của nhân vật trong Tân Thiên long bát bộ được anh lấy ý tưởng từ các tạp chí thời trang:
"Thiên long bát bộ có rất nhiều vai nữ, vì vậy tôi cho rằng những người đẹp đó phải thật rực rỡ sắc màu. Hơn nữa, việc vận dụng màu sắc cũng làm sao cho khán giả dễ nhận ra và phân biệt được các nhân vật với nhau", Hề Chung Văn nhận định.
Những tạo hình và phục trang trong Tân Thiên long bát bộ khiến dấy lên nhiều tranh cãi.
Nhà thiết kế phục trang đã táo bạo trong sử dụng các khối màu lớn, nhằm giúp khán giả dễ phân biệt giữa trùng trùng lớp các nhân vật trong phim.
Nhận xét về ý kiến người hâm mộ cho rằng, nhân vật Kiều Phong "quá bẩn", Hề Chung Văn giải thích: "Kiều Phong là bang chủ Cái bang, trang phục có rách rưới một chút cũng là điều hợp lý. Nhưng tạo cảm giác rách rưới cũng phải có hình nét, điều này không phải dễ, tôi tin không phải người bình thường nào cũng có thể làm được".
Diễn viên không giống: Mỗi nhân vật đều có đặc điểm riêng
Trong quá trình tuyển chọn diễn viên, Tân Thiên long bát bộ đã vấp phải nhiều tranh luận khá gay gắt. Nam diễn viên Chung Hán Lương từng bị gắn chặt với hình ảnh một "mỹ nam" thư sinh bạch diện, không hề liên quan đến võ hiệp như nhân vật Kiều Phong. Sau đó những hình ảnh của anh khi thể hiện nhân vật được cho là mang lại cảm giác cứng nhắc.
Về phía "hotboy" xứ Hàn Kim Ki Bum được chọn vai công tử nước Đại Lý là Đoàn Dự càng làm dư luận "sục sôi". Những ý kiến nhận xét khẩu hình và phát âm của Kim Ki Bum "đặc sệt" kiểu diễn viên Hàn Quốc thay vì một công tử phong lưu hào phóng đất Trung nguyên như Đoàn Dự. Hơn nữa, trang phục trắng bay phấp phới quen thuộc của nhân vật nay bỗng được chuyển thành màu xanh ngọc, khiến người xem ngẩn tò te và có cảm giác như đang xem phim Hàn.
Kiều Phong của Chung Hán Lương bị chê thiếu sức mạnh và diễn xuất cứng nhắc.
Vai diễn Đoàn Dự của Kim Ki Bum bị chê không khác đang xem phim Hàn Quốc.
Đạo diễn Lại Thủy Thanh thẳng thắn cho biết, phim có người thích và có người hoài nghi là điều hết sức bình thường. Lại thừa biết Chung Hán Lương từ trước đã gắn với hình tượng một anh chàng thư sinh nho nhã. Ông từng xem cách thể hiện lạnh lùng và khắc nghiệt của Chung Hán Lương trong bộ phim Thiên nhai minh nguyệt đao, vì vậy ông cho rằng không khó để Chung Hán Lương vào vai Kiểu Phong:
"Thần thái, sinh khí phái mạnh có thể tập luyện được. Sự biến hóa trong tạo hình của Chung Hán Lương đã thực sự thành công. Có người cho rằng tạo hình của anh ấy quá bẩn, nhưng đứng từ góc độ một bang chủ Cái bang thì định vị như vậy là đúng đắn. Sau này khi thành Nam Viện đại vương, trang phục sẽ đổi khác. Mỗi giai đoạn sẽ có sự thay đổi rõ rệt".
Nói về nhân vật Đoàn Dự của ngôi sao xứ Hàn, đạo diễn Lại giải thích, đó là lựa chọn và chủ đích của nhà sản xuất: "Khi định vị về nhân vật này, nhà sản xuất muốn Đoàn Dự phải là một người thật dễ thương, tự nhiên phóng khoáng giống như cậu bé nhà hàng xóm vậy. Hơn nữa, chọn một diễn viên Hàn Quốc có thể giúp khuếch trương sức lan tỏa và ảnh hưởng ra quốc tế". Lại Thủy Thanh lấy ví dụ những trường hợp sao Hàn lập nghiệp đóng phim ở Trung Quốc và có những thành công nhất định như Jang Na-ra, Chae Rim, Kim Hee Sun...
Võ công quá khoa trương: Áp dụng khoa học hợp lý
Võ thuật trong Tân Thiên long bát bộ được cho là đã phá vỡ những hiểu biết về võ thuật nội công trong phim võ hiệp cổ trang. Ví dụ khi Kiều Phong tung một đường quyền khiến núi lở đất rung, sau đó chỉ một cái vẫy tay đủ khiến toàn bộ nhân sĩ võ lâm lộn nhào. Một điều khiến nhiều người xem kinh ngạc ở chỗ, nhân vật có thể biến mất trong tích tắc, hay có khả năng thoát khỏi trọng lực Trái Đất, bay lượn như chim... Những điều trên khiến khán giả có chung một nhận xét sau khi xem phim: "Phim võ hiệp đã biến thành phim thần thoại!".
Võ công trong Tân Thiên long bát bộ có phần khoa trương giống phim thần thoại.
Đạo diễn Lại Thủy Thanh lại có cách nhìn khách, ông cho rằng, những nội dung về võ thuật được miêu tả trong tiểu thuyết của Kim Dung có rất nhiều điểm cho người đọc thỏa sức tưởng tượng: "Tiểu thuyết võ hiệp có rất nhiều võ công, ví như Dịch Cân Kinh, Giáng Long Thấp Bát Chưởng..., đều có rất nhiều không gian cho sự sáng tạo. Bây giờ là thời đại khoa học kỹ thuật, vì vậy chúng ta nên vận dụng để làm những điều mà thế hệ đi trước không có điều kiện để thực hiện, giúp mang lại cho khán giả có thể thưởng thức những hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh ngày càng hoàn thiện hơn".
Đạo diễn Lại khẳng định, nếu không đổi mới, không sáng tạo, chỉ nhăm nhăm làm lại các phim đã thực hiện trước đó thì không còn ý nghĩa: "Nếu chỉ đơn thuần là sử dụng cáp treo, dùng quạt máy thổi cho tóc bay phần phật thì quá lạc hậu, có khác gì chục năm trước. Vậy làm lại phim đó để làm gì? Cần khai quật những môn võ trong tiểu thuyết võ hiệp, áp dụng những kỹ xảo điện ảnh thì mới giúp bộ phim mỗi ngày một hay hơn", Lại Thủy Thanh nhận định, cách làm phim hiện đại có nhiều điểm huyễn hoặc nhưng lại rất chân thực, điều đó càng giúp phim tiệm cận với miêu tả trong tiểu thuyết, với nguyên tác.
Đạo diễn nổi tiếng xứ cảng khẳng định, ông quay phim võ hiệp chứ không phải phim thần thoại, viễn tưởng, không có yếu tố xuyên không gian, biến hóa khôn lường, mà vận dụng các kỹ năng trong thế giới võ hiệp để thể hiện trên phim. Lại Thủy Thanh cho rằng, các nhà làm phim trước đó cũng đã sử dụng cách thức trên, chỉ có điều phim võ hiệp ngày nay đã tiến bộ và hiện đại hơn nhiều về khoa học kỹ thuật.
Trailer Thiên long bát bộ phiên bản 2013.
Điểm mặt những phiên bản Thiên long bát bộ trước đây
Thiên long bát bộ (1982): Biểu diễn xuất chúng nhất
Năm 1982, đài TVB Hồng Kông lần đầu tiên đưa Thiên long bát bộ lên màn ảnh nhỏ. Điểm sáng nhất của phiên bản này đó là dàn diễn viên, Lương Gia Nhân vai Kiều Phong, Hoàng Nhật Hoa vai Hư Trúc, Trần Ngọc Liên - Vương Ngữ Yên, Thạch Tu - Mộ Dung Phục... tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Tuy nhiên, vai diễn nhân vật Đoàn Dự của nam tài tử Thang Chấn Nghiệp lại được ngợi khen nhiều hơn cả. Một chàng công tử linh hoạt và có chút tính cách nhân vật phản diện, khiến Thang Chấn Nghiệp khi đó trở thành ngôi sao được yêu mến và hâm mộ hơn cả.
Thiên long bát bộ 82 chia thành hai phiên bản là Hư Trúc truyền kỳ...
Và phiên bản Lục mạch thần kiếm.
Mặc dù vậy, phiên bản này lại chia thành hai câu chuyện riêng biệt là Lục mạch thần kiếm và Hư Trúc truyền kỳ, điểm nhấn không đồng nhất, tập trung quá nhiều vào những nhân vật như Đoàn Dự, Hư Trúc hay Mộ Dung Phục. Có thể nhận thấy rất nhiều cảnh phim của Mộ Dung Phục, thậm chí có chi tiết Mộ Dung phó đã gọi Cưu Ma Trí là Cưu huynh, từng khiến dấy lên những tranh cãi không ngớt trong khán giả.
Thiên long bát bộ (1992): Cải biên quá xa rời nguyên tác
Năm 1990, đài Trung Thị của Đài Loan cho ra mắt bộ phim Thiên long bát bộ. Vì có quá nhiều chi tiết cải biên nên từng trở thành tâm điểm tranh luận và chỉ trích kịch liệt từ công chúng. Biên kịch gia Lương Lập Nhân khi đó đã kết hợp nhân vật của Đoàn Dự với Hư Trúc làm một, Vương Ngữ Yên với Mộng Cô thành một người.
Huệ Thiên Tứ vai Kiều Phong trong phiên bản 90.
Đặc biệt khi dàn diễn viên xuất hiện, càng khiến cho phiên bản 1990 thêm mờ nhạt, bởi ngoài nam diễn viên Quan Lễ Kiệt vai Đoàn Dự và Huệ Thiên Tứ vai Kiều Phong đã có tên tuổi, còn lại đều là những diễn viên mới không ai biết tên tuổi, vì vậy càng khiến phiên bản này được ít người biết đến.
Thiên long bát bộ (1997): Danh bất hư truyền
Năm 1997, đài TVB cho làm lại Thiên long bát bộ do Lý Thiêm Thắng làm đạo diễn, quy tụ các diễn viên như Hoàng Nhật Hoa, Trần Hạo Dân, Phàn Thiếu Hoàng, Lý Nhược Đồng, Lưu Cẩm Linh, Lưu Ngọc Thúy... thủ diễn. Có thể nói, bộ phim quy tụ dàn diễn viên xuất sắc, diễn xuất xuất thần và nổi bật, cải biên bám sát và trung thành với nguyên tác, điều này khiến Thiên long bát bộ 97 trở thành kinh điển, đến nay vẫn được khán giả tấm tắc ngợi khen và nhớ mãi.
Phiên bản Thiên long bát bộ 97 được coi là kinh điển.
Các nhân vật trong phim thể hiện vai diễn một cách tài tình, đặc biệt vai Kiều Phong của Hoàng Nhật Hoa đã trở thành kinh điển, có thể sánh ngang với nhân vật Quách Tĩnh của anh trong Anh hùng xạ điêu phiên bản 1983.
Bên cạnh đó, nhân vật Vương Ngữ Yên của Lý Nhược Đồng cũng làm nên cơn sốt hâm mộ và thần tượng nhân vật này, khiến họ Lý được gọi là thần tiên tỷ tỷ mãi về sau. Tương tự, vai diễn A Tử của Lưu Ngọc Thúy cũng rất được khán giả yêu mến và dành nhiều lời ngợi khen.
Thiên long bát bộ (2003): Dàn diễn viên đẹp long lanh
Năm 2003, đạo diễn Trương Kỷ Chung bắt tay dàn dựng Thiên long bát bộ phiên bản mới. Điểm sáng của phim là sự sáng tạo bất ngờ cùng dàn diễn viên trẻ đẹp, nổi tiếng, đích thực là những trai anh hùng, gái thuyền quyên. Ví dụ nam tài tử Hồ Quân vai Kiều Phong, Lâm Chí Dĩnh - Đoàn Dự, Tu Khánh - Mộ Dung Phục... nhân vật nào cũng đều có fan hâm mộ riêng.
Dàn sao "trai anh hùng gái thuyền quyên" đẹp long lanh trong phiên bản 2003.
Phía sao nữ có Lưu Diệc Phi vai Vương Ngữ Yên, Tưởng Thân - Mộc Uyển Thanh, Lưu Đào - A Châu, Trần Hảo - A Tử... đều là những mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, được công chúng đón nhận và yêu mến. Bên cạnh đó, những nhân vật phụ cũng khiến người xem bất ngờ, như Chung Lệ Đề vai Mã phu nhân, Nguyệ Tông Vạn vai Chung Vạn Cửu, Thân Quân Nghị - Đinh Xuân Thu, Hứa Hoàn Sơn - Tiêu Dao Tử... họ đều diễn một cách xuất thần và đi sâu vào lòng người.
Thiên long bát bộ (2013): Phiên bản ma thuật viễn tưởng nhất
Phiên bản mới của hãng Hoa Sách được cho là phiên bản ma thuật và thần thoại nhất. Hơn nữa, phiên bản này rõ ràng tập trung vào yếu tố thần tượng, thu hút sự quan tâm của phần đông khán giả trẻ, điều này ít nhiều khiến người hâm mộ võ thuật chân chính tỏ ra không mấy mặn mà.