Soi điểm chung "nam thần" phim cổ trang Hoa thế hệ mới
Những bộ phim cổ trang gần đây gây chú ý với dàn nam chính đều là những "nam thần" vạn người mê. Do cùng hướng đến nhóm đối tượng người xem riêng nên những diễn viên nam này vô tình có nhiều điểm tương đồng thú vị.
Những bộ phim như Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ, Tân Thần Điêu Đại Hiệp, Cổ Kiếm Kỳ Đàm hay Kỳ Duyên Trong Gió…được khán giả Trung Quốc xếp vào một thể loại phim hoàn toàn mới là “Cổ trang thế hệ mới”. Lý do bởi dù mang những yếu tố cốt lõi của một phim cổ trang nhưng nội dung phim và bối cảnh xây dựng nhân vật lại không ”cổ” chút nào. Chính vì vậy, không thể đem những tiêu chuẩn đánh giá một bộ phim cổ trang chính thống để áp đặt lên dòng phim mới này được.
Những bộ phim như "Cổ Kiếm Kỳ Đàm" là đại diện tiểu cho dòng phim cổ trang thế hệ mới.
Vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc đại lục, những bộ phim trên còn gây được sự chú ý không nhỏ từ các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Cùng điểm qua những điểm chung của dàn nhân vật nam chính trong các bộ phim từng làm mưa làm gió thời gian qua.
Vẻ ngoài đẹp hơn hoa
Đã qua rồi cái thời phim ảnh chỉ chú trọng vào diễn xuất, gây chú ý với nội dung mới lạ. Giờ một bộ phim muốn công chúng biết tới nhiều trước tiên phải “trưng” ra dàn diễn viên trai xinh gái đẹp sẽ góp mặt trong phim.
Với lượng khán giả là nữ hùng hậu thì nhân vật nam chính càng phải đẹp hơn bao giờ hết. Họ được miêu tả giống như những nam thần bước ra từ một truyện ngôn tình nào đó.
Cả Trần Hiểu (phải) và Lý Dịch Phong (trái) đều được coi là những "nam thần" phim cổ trang.
Hẳn có không ít các fan nữ đã từng thổn thức với hình ảnh một Bách Lý Đồ Tô long lanh trong "Cổ Kiếm Kỳ Đàm" hay xao lòng với nhân vật thần y điển trai Lan Quân (do Kim Thế Giai đóng) trong "Chế Tạo Mỹ Nhân". Trần Hiểu thời gian gần đây cũng nổi lên như một hiện tượng “trai đẹp” trong các phim cổ trang cộp mác “biên kịch vàng” Vu Chính.
“Nam thần” bị thiếu vẻ nam tính
Những anh chàng trai đẹp kể trên hội tụ nhiều yếu tố khiến những khán giả nữ khi xem phim đều phải suýt xoa trong tiếc nuối thì cũng có không ít khán giả nam phải lắc đầu tặc lưỡi vì những hình ảnh có phần “ướt át” thái quá của những nhân vật được coi là “nam thần” này.
Trang phục của Dương Quá khiến anh còn nổi bật hơn cả những cô nương xinh đẹp trong Tân Thần Điêu đại hiệp.
Điển hình như nhân vật Dương Quá được nhà văn Kim Dung miêu tả trong truyện là “tuy có chút lanh ma, quỷ quyệt nhưng tuyệt đối là một đại hiệp đầu đội trời chân đạp đất” ấy vậy mà vào tay Trần Hiểu, Quá Nhi lại trở thành một đứa trẻ nhõng nhẽo, đa cảm suốt ngày khóc lóc. Ngay cả Hoắc Kiến Hoa cũng không hiểu vô tình hay cố ý đã biến Lệnh Hồ Xung thành chàng công tử yếu ớt, cứ những lúc quan trọng là bị thương hay trúng độc, phải nhờ người đẹp tới giải cứu.
Ngay cả Hoắc Kiến Hoa cũng bị chê vì thiếu nam tính khi đảm nhận vai Lệnh Hồ Xung.
Trang phục trong phim cũng phần nào khiến các nam chính trở nên “nữ tính” hơn. Diện trên mình những bộ quần áo lụa là nhiều màu sắc, nhiều phụ kiện từng là nguyên nhân khiến Hoắc Kiến Hoa hay Trần Hiểu bị chê tơi tả về tạo hình. Nhiều khán giả còn đùa rằng trông họ còn lộng lẫy hơn cả các cô nàng trên phim với những trang phục đó.
Long đong phận trai đào hoa
Có lẽ do mang vẻ bề ngoài tuấn tú hơn người nên các chàng nam chính cũng gặp không ít khốn đốn với những mối tình trên trời rơi xuống. Dương Quá được coi là anh chàng đào hoa bậc nhất màn ảnh xứ Trung năm 2014 trong Tân Thần Điêu Đại Hiệp.
Mới qua hơn chục tập đầu phát sóng nhưng Trần Hiểu đã lọt vào mắt xanh của nguyên dàn nữ phụ trong phim. Từ đệ tử Lý Mạc Sầu – Lục Vô Song đến Trình Anh, Hoàng Nhan Bình,…ngay cả con gái cưng của cặp vợ chồng Quách Tĩnh – Hoàng Dung cũng phải siêu lòng trước mỹ nam sinh năm 87 này.
Trần Hiểu biến thành anh chàng lăng nhăng không khác gì Vi Tiểu Bảo.
Đến nhân vật lạnh lùng ít nói như Bách Lý Đồ Tô cũng dễ dàng trở thành người tình trong mộng của không ít mỹ nhân trong phim như Phong Tình Tuyết (Dương Mịch) hay tiểu hồ ly Tương Linh.