Showbiz và chuyện đàn ông cầm chầu
"Người xưa khôn ngoan bảo: Ở đời có bốn cái ngu/ Làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu..."
Có một đạo diễn lừng danh nổi tiếng, không rõ ở lĩnh vực sân khấu hay điện ảnh, sau một đận có vẻ hạnh phúc ngồi chấm thi cho nhiều game-show truyền hình, thì than thở với một tờ báo chắc chắn không phải lá cải rằng: “Người xưa khôn ngoan bảo - ‘ở đời có bốn cái ngu. Làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu’; bây giờ mới biết có thêm một cái ngu nữa, đó là đi làm giám khảo cho những ‘sô’ tivi giải trí”.
Thực ra, văn minh nhân loại hình như cũng đã ngu đủ rồi, để phát hiện thêm một sự ngu nữa là chuyện thiên nan vạn nan. Có lẽ ông đạo diễn mang tiếng là thông minh này, chắc gặp nhiều nỗi bức xúc (hy vọng không phải là chuyện thù lao) nên khi tủi thân có đôi phần lầm lẫn. Bởi cái sự ngu mà ông tưởng là mới đấy cũng chỉ là sự ngu đã cũ, cái ngu số 4.
Đạo diễn Lê Hoàng
Xét về vài mặt, thao tác “cầm chầu” của ngày xưa cũng từa tựa như thao tác ngồi chấm thi gameshow có ca múa ở ngày nay. Đại loại là một thứ giám khảo, hoặc “bình” hoặc “xét” về người khác, khi người ta đang nồng nhiệt chân thành đôi lúc hớ hênh nhảy hát. “Cầm chầu”, nếu nghiêm ngắn hàn lâm thì có ở tuồng chèo. Nếu phóng khoáng dân dã thì có ở ả đào cô đầu. Nếu buông thả thời thượng thì có ở “nếc tóp mo đồ”, ở “bước nhẩy hoàn vũ”.
Đàn ông cầm chầu thường là loại tinh hoa. Hoặc am tường chuyên môn sâu sắc tự mình trải nghiệm, thậm chí như nhà văn Vũ Bằng đã tả, sẵn sàng bán nhà bán cửa để lăn lộn xóm Bình Khang nhất quyết tay không lơi roi chầu. Hoặc tứ chi mồm miệng linh hoạt, phong độ thẩm mỹ độc đáo phảng phất như có hóm hỉnh uyên bác, ví như một vị chuyên nghiệp giám khảo có nickname là “khùng”. Chính vì sự đòi hỏi già dặn khắc nghiệt đó, nên hầu hết đàn ông cầm chầu thường là người có tuổi, “No country for young men”.
Giống như những “má mì”, giống như những huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia, ở những nghề này không có chỗ cho người trẻ. Từ cổ chí kim, tuyệt không có cái thứ gọi là thần đồng giám khảo. Có điều, đàn ông thời xưa vốn đa phần lịch lãm tinh tế, nên khi chấm thi bắt buộc phải “còm men” thì đành gửi vào tiếng trống “tom” hoặc “chát”. Cẩn thận đến vậy mà cầm chầu vẫn bị ca dao gọi là ngu. Chao ôi, để mua được ít vui cho mình rồi mua được nhiều vui cho người, sao mà cay đắng nhọc nhằn vất vả.
Tuy nhiên, dù vất vả “ngu” đến thế, nhưng không hiểu sao vẫn nườm nượp đông đàn ông nồng nàn thích cầm chầu. Phải chăng cái vô thức vinh dự của nghề giám khảo đã trong trắng thăng hoa ở họ. Theo nhiều nguồn sử liệu Đông lẫn Tây, thì nghề giám khảo là vô cùng tử tế, có từ rất lâu đời và luôn được cả xã hội tôn quý trân trọng. Không có nó, tất tật những cuộc thi kể cả có viết chữ hay không viết chữ bỗng chốc thành vô nghĩa. Ở những cuộc thi có viết chữ, nhất là thời phong kiến, giám khảo bắt buộc phải là danh sĩ tài cao đức trọng kiến văn quảng bác mênh mông. Họ đã chấm là chuẩn không cần chỉnh.
Nhỡ có ai đó được xem, thì cũng tâm phục khẩu phục, tuyệt không dám leo lên diễn đàn này nọ mà “ném đá”. Ở cái thời còn vua quan cho dù mang tiếng là thối nát ấy, những người tài muốn hiển lộ thì duy nhất chỉ bằng con đường chông gai khoa cử. Đương nhiên, để chấm được người tài thì người chấm phải tuyệt vời tài. Hơn nữa, phải có trực giác mang sự chia sẻ của đồng cảm thân phận. Nó hao hao như Kiều nghe chuyện Đạm Tiên. “Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa”. Nó hoàn toàn không hẳn là chuyện “sẽ-là-kỹnữ” xót thương “đã-là-cave”. Bởi “cùng một lứa bên trời lận đận”, chỉ có người đẹp mới xót xa nhận ra được người đẹp.
Thế nhưng, dù nhân cách siêu việt thì giám khảo cũng là con người, họ vẫn mắc những lỗi đẫm đầy nhân tính. Tiểu thuyết “Lều Chõng” của cụ Ngô Tất Tố có kể. Tình cảnh những ông giám khảo khi đang chấm thi là “khổ vô hạn”. Người ta dựng riêng mỗi ông một căn nhà lá. Có bếp, có chuồng xí, bốn bên đều có phên nứa che kín, gian nọ không thông được gian kia. Thời gian chấm thi thì dài, có ông buồn quá đành phải đánh đáo với thằng đầy tớ.
Có ông liều, thuê người cô đầu ăn bận quần áo đàn ông, xách điếu cắp tráp theo vào” (Sđd - Chương 13-NXB Văn Học). Chẳng hiểu có phải do mấy ông cùng chấm tố không, ông này bị xử nặng, tội khi quân. Chính sử “Đại Nam liệt truyện” thì chép: Thiệu Trị năm 1841, Cao Bá Quát chấm sơ khảo, ông và cử nhân Phan Nhạ, lấy muội đèn thay mực thông đồng sửa 24 quyển thi, 5 quyển lấy đỗ. Ông Cao tuy làm mô phạm giám khảo nhưng vốn xuất thân ngông ngạo danh sĩ. Ông trong trắng sửa bài thi chỉ vì tiếc tài chứ chẳng vì cái gì cả. Rồi đây rất nhiều thế hệ thí sinh vẫn kính thương ông, họ thầm mong suốt cuộc đời học hành của mình, được ông chấm bài cho một lần.
Còn ở những cuộc thi không viết chữ, mà giám khảo còn gọi là “cầm chầu”, thì thoạt kỳ thuỷ người chấm thường lại là phụ nữ. Ví như những cuộc thi tuyển phò mã thời cổ đại. Nếu thí sinh chỉ nhõn hai người như trường hợp Sơn Tinh, Thuỷ Tinh thì có thể vua và hoàng hậu cùng chấm. Nhưng nếu thí sinh bạt ngàn đông (thời nào mà chẳng nhan nhản đám đàn ông khao khát lấy được vợ có nhà mặt phố, có bố làm to) thì đích thân công chúa sẽ chọn. Nàng “cầm chầu” đứng trên lầu cao, ném quả tú cầu gieo duyên vào đầu bọn đang ngong ngóng đứng dưới. Để chắc ăn, có nàng nhét thêm vào đấy một cục sắt nặng chừng nửa cân ta, phò mã sẽ là đứa sứt răng hay u trán. Theo thuyết tiến hoá nhân chủng học, cho đến bây giờ, dấu vết điển hình đấy vẫn có rất nhiều ở cơ thể những đàn ông đi làm rể mấy nhà giầu quan lớn.
Có phải vì thao tác chấm thi khá thô bạo này, nên tới nay, hầu hết việc cầm chầu thường do đàn ông đảm nhiệm. Dấu vết truyền thống dịu dàng mang tính nữ, may mắn thay, vẫn còn thấy ở vài vị.
Nhất là khi bọn họ the thé tranh cãi khoe khôn.