Sao nhí "Bánh đúc có xương" bị túm tóc hỏi thăm vì...ác
"Tôi nhớ một lần đi ăn bún cá, có người cầm tóc tôi lên rồi hỏi: "Ê sao trong phim mày ác thế?".
Ở tuổi 17, Hà Anh đã tham gia khá nhiều phim truyền hình nổi tiếng như: Chàng trai đa cảm, Lập trình cho trái tim, Nhà có nhiều cửa sổ...Và hiện tại, vai Hoài Anh - cô gái ngỗ ngượng trong bộ phim Bánh đúc có xương của Hà Anh đang thu hút sự chú ý của khán giả.
Dù bận rộn với việc ôn thi đại học sắp tới nhưng Hà Anh vẫn dành thời gian để chia sẻ với độc giả về vai diễn cũng như những phản hồi của khán giả mà cô nhận được khi phim Bánh đúc có xương phát sóng.
Diễn viên nhí Hà Anh được đánh giá cao về diễn xuất trong "Bánh đúc có xương".
- Lý do vì sao Hà Anh lại nhận lời tham gia vai diễn Hoài Anh - một cô bé ghê gớm trong phim "Bánh đúc có xương"?
Hồi hè năm ngoái tôi đi quay phim Kim Đồng thì có một chú trong đoàn đã giới thiệu tôi với cô đạo diễn Đặng Thái Huyền của phim Bánh đúc có xương. Tôi có đến gặp và trò chuyện với cô Huyền một lần thì cô ưng và giao vai Hoài Anh cho tôi luôn.
Khi đọc kịch bản tôi thấy Hoài Anh là một cô bé khá ương bướng và xét về mặt tâm sinh lý thì hơi lớn chậm hơn các bạn bằng tuổi. Trong khi bạn bè bắt đầu biết để ý làm đẹp và yêu đương thì cô bé Hoài Anh vẫn hồn nhiên như con trai. Những đặc điểm đó khá giống tôi ở ngoài đời thật.
Ngoài lý do trên, tôi tham gia phim để được gặp cô Diệu Hương. Đặc biệt là gặp lại chú Đức Khuê, cô Nguyệt Hằng... những cô chú mà tôi từng đóng cùng từ hồi phim Chàng trai đa cảm. Có thể nói tôi tham gia phim cũng vì ham vui nữa (cười).
- Trong mắt Hà Anh nhân vật của mình chỉ ương bướng và chậm lớn về mặt tâm sinh lý... nhưng trong mắt khán giả thì nhân vật của Hà Anh rất đáng ghét và độc ác. Hà Anh nghĩ sao?
Mọi người cũng hỏi tại sao ngoài đời thì hiền thế mà trong phim lại đanh đá quá. Tôi cũng tự nhận xét, bên ngoài tôi là người khá nhát, ngại tiếp xúc với người lạ, nói chuyện cũng ít. Nhưng chắc ở trong sâu thẳm con người tôi vẫn có cái mạnh mẽ tiềm tàng.
Tôi nhớ một lần đi ăn bún cá, có người cầm tóc tôi lên rồi hỏi: "Ê sao trong phim mày ác thế?". Tôi cũng đã kể chuyện này cho cô Diệu Hương và cô cứ cười rũ rượi, cô bảo hồi trước cô cũng bị như vậy nhưng nên vui vì đó là bước đầu thành công của mình cho một vai diễn.
- Không chỉ đóng đạt những cảnh "đanh đá cá cầy", Hà Anh còn khiến nhiều người ngạc nhiên trước những cảnh khóc rất "ngọt". Là diễn viên nghiệp dư, Hà Anh lấy cảm xúc từ đâu để diễn những cảnh như vậy?
Hồi bé tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mặt mình được lên tivi đâu nhưng cơ hội lại đến bất ngờ khi tôi tham gia học ở Cung thiếu nhi.
Tôi nhớ lúc đóng phim Chàng trai đa cảm khi tôi còn là một cô bé nhỏ xíu, tôi có khoảng 3 cảnh khóc trong đó có một cảnh phải khóc thật to. Và vì còn nhỏ nên tôi rất háo hức và đọc kịch bản rất kĩ.
Tôi hỏi bố mẹ làm thế nào để tôi có thể khóc được, tôi lo không diễn đạt thì đạo diễn không cho tôi đóng nữa. Đến hôm quay, khi ngồi trong lòng chú diễn viên Công Dũng và nghe chú ấy kể câu chuyện bố mẹ ly hôn thì tự dưng tôi bật khóc nức nở. Diễn thành công, tôi cảm thấy tôi giỏi lắm nên về nhà khoe loạn lên.
Tuy nhiên, mấy phim sau như Nhà có nhiều cửa sổ thì không phim nào tôi phải khóc nữa cả. Câu chuyện khóc giỏi cũng đi vào dĩ vãng cho đến khi làm phim Bánh đúc có xương, tôi mới nhận ra là có một tỉ cảnh phải khóc.
Lúc mới nhận phim tôi nghĩ khóc dễ mà, mình khóc giỏi mà, nhưng khi quay một hai cảnh khóc đầu tiên, tôi mới nhận ra mình khóc không được. Sau đó, đạo diễn đã phải động viên tôi tập trung suy nghĩ và đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật để lấy cảm xúc.
Một hai cảnh đầu tôi còn khá ngượng nhưng sau đấy, tôi chỉ cần nghĩ về số phận của nhân vật là diễn được. Đặc biệt, có một cảnh tôi chỉ cần nghe câu thoại “bố vẫn luôn luôn yêu con” tự dưng nước mắt tôi chảy xuống. Tôi nghĩ, đó không còn phải là diễn nữa mà là cảm xúc từ trong lòng mình.
Ở ngoài đời ,Diệu Hương và Hà Anh khá thân thiết.
- Khi theo dõi lại phim phát sóng trên đài truyền hình quốc gia, Hà Anh có thấy hài lòng với những gì mình đã thể hiện không?
Thói quen từ bé của tôi là ngại xem mình ở trên màn hình nên chỉ có một bộ phim duy nhất là tôi xem hết là phim một tập. Vì là một tập nên nó không tiêu tốn thời gian của tôi lắm nhưng Bánh đúc có xương dài những 3 tháng nên tôi không thể ngồi trước màn hình tivi để xem.
Tuy nhiên, tôi vẫn chú ý đến phản hồi của khán giả tất nhiên không phải là chạy đi hỏi mọi người xem cháu đóng phim thế nào. Nói chung là ra ngoài đường thấy mọi người bàn luận bảo nhân vật mình đóng là ác, là đáng ghét thì tôi thấy có nghĩa là mình đã làm được rồi.
Với lại, phim cũng đã làm xong rồi thì không cần phải hối hận hay dằn vặt bản thân về diễn xuất của mình nữa mà sẽ đợi nếu có cơ hội đóng phim sau sẽ cố gắng hết sức hơn.
- Không xem lại phim mình đóng, có vẻ Hà Anh cũng không thiết tha lắm với nghệ thuật?
Tôi không thấy quá sung sướng vì mình được nổi tiếng. Chỉ là ra đường được mọi người hỏi han quan tâm nên có một chút vui vui. Chứ tôi cũng không nghĩ vì cái sự nổi tiếng của bộ phim này mà mình quyết định chọn con đường nghệ thuật để theo. Trước giờ tôi cũng không có ý định chọn nó, tôi chỉ coi đấy là niềm đam mê của tôi thôi. Nhưng nếu thực sự quá có duyên thì biết đâu đấy nó sẽ thành nghiệp của tôi.
- Nhưng sự thành công của bộ phim Bánh đúc có xương, có khiến Hà Anh gặp áp lực hay phiền toái gì khi đến trường lớp không?
Tôi học lớp chuyên văn các bạn của tôi cũng khá khéo léo trong cư xử nên ở lớp các bạn cũng ít nhắc tới. Chỉ là thỉnh thoảng có bạn chạy ra bảo, "ôi hôm qua bố mẹ tớ xem phim bảo cậu ác quá!". Nói chung bạn bè tôi hạn chế nói chuyện phim ảnh lắm.
Còn bố mẹ tôi thì quan niệm, tôi thích cái gì thì sẽ cho tôi làm cái đó nhưng ở trong khuôn khổ quản lý của bố mẹ. Đôi khi bố mẹ tôi cũng có kể, hôm nay cô chú ở chỗ nọ, chỗ kia khen đóng cũng được đấy nhưng bố mẹ tôi không "bốc" tôi lên hay "hạ" tôi xuống mà chỉ nói với cảm xúc rất bình thường.
Bố mẹ tôi biết đóng phim là một công việc tôi yêu thích nên để tôi làm thôi chứ không đòi hỏi gì ở tôi cả.
- Cảm ơn Hà Anh về những chia sẻ!