Quý Bình, Hồng Ánh rút cạn nước mắt khán giả

Xúc động, rưng rưng cảm xúc, ngậm ngùi, thương cảm, cảm phục… cho số phận con người, cho tình yêu đôi lứa là những điều đọng lại trong lòng khán giả khi xem Sông dài, vở kịch nói nổi tiếng một thời của Hà Triều – Hoa Phượng, được đạo diễn Thành Hội dàn dựng lại, công diễn trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vào hai đêm 16, 17/1.

Sông dài là câu chuyện tình yêu hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, thủy chung nhưng cũng đầy trắc trở của Niễng, chàng trai có thân hình, khuôn mặt dị dạng và Lượm, cô gái mù nghèo khổ. Hai số phận bất hạnh ấy đã gặp, đã bù đắp, xoa dịu những khiếm khuyết của cơ thể, nỗi buồn của số phận và sưởi ấm trái tim nhau bằng một tình yêu hồn nhiên, thánh thiện, chân thật.

Quý Bình, Hồng Ánh rút cạn nước mắt khán giả - 1

Quý Bình và Hồng Ánh trong Sông dài

Những tưởng, hạnh phúc giản dị đó sẽ vẹn tròn, đơm hoa kết trái, nhưng không, điều tưởng như hạnh phúc bất tận là sáng mắt của Lượm, sự độc đoán của bà Hai Sa (mẹ Lượm), cộng với sự mặc cảm, tự ti, hoang mang trong lòng Niễng là nguyên nhân, khoảng cách vô hình nhưng diệu vợi đẩy hai người thương nhau xa nhau…

Năm lớp diễn của Sông dài đã mang đến những cảm xúc dạt dào khác nhau cho khán giả. Lớp diễn đầu tiên phác họa đầy đủ số phận, thân phận, tính cách của các nhân vật cũng như mối tương quan giữa họ. Đó là Lượm, cô gái mù hồn nhiên, yêu đời, trong sáng bị mẹ bỏ rơi năm nào; là Niễng, chàng trai mồ côi mồ cút tật nguyền; là ông Hai Tất, người đàn ông bao dung đã nhận Lượm về nuôi; là bà Hai Sa, có mối tình trắc trở, phải bỏ con khi xưa; là mối tình của Lượm – Niễng… Lớp diễn này cũng mang đến nhiều tiếng cười vui tươi, thú vị cho khán giả.

Lớp diễn thứ hai tiếp tục phát triển, mở rộng tình yêu của Lượm – Niễng. Một thứ tình yêu giản dị, bền bỉ, đời thường. Cũng ở lớp diễn này, bằng việc bà Hai Sa trở về Vĩnh Trạch nhận lại Lượm, đưa Lượm đi chữa mắt tại Nhật Bản, khán giả đã thấy sự mặc cảm, tự ti về bề ngoài, thân phận, nỗi hoang mang trong lòng Niễng. Mặc dù khi xưa, khi mới chỉ là cậu bé 8 tuổi, Niễng đã lao vào ngọn lửa đỏ, bị bỏng đến dị dạng nửa khuôn để cứu Lượm thoát chết, thế nhưng, trước việc có thể mất Lượm mãi mãi khi cô sáng mắt đã khiến anh, có lúc muốn cô phải mù mãi mãi.

Lớp diễn thứ ba đã phô bày sự độc đoán, ích kỷ có phần khắc nghiệt của bà Hai Sa khi chia rẽ tình cảm của Lượm và Niễng, khi muốn Lượm phải lấy một người mà cô không hề yêu thương.

Quý Bình, Hồng Ánh rút cạn nước mắt khán giả - 2

Cả hai mang đến những tầng lớp cảm xúc khác nhau với khán giả

Lớp diễn thứ tư có lẽ là lớp diễn mang lại sự lắng đọng, ngậm ngùi nhất cho khán giả. Đêm khuya thanh vắng, nơi vùng quê yên ắng, réo rắt tiếng đàn, ông Hai Tất và Lượm - hai người đàn ông với nỗi cô đơn, nỗi nhớ thương, trăn trở ngập lòng. Nỗi mặc cảm lên đến đỉnh điểm khi Niễng quyết định trốn chạy…

Lớp diễn thứ năm là sự đoàn tụ, hội ngộ trong nước mắt, hạnh phúc sau những tháng ngày đằng đẵng thương nhớ, mong mỏi, đau khổ của Lượm – Niễng.

Cùng với nội dung, câu chuyện cảm động, Sông dài còn đưa người xem vào không khí của những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước. Thời kỳ của những thùng đạn đại liên, nơi Niễng cất giữ những thứ quan trọng, là thời phụ nữ tóc vấn cao, mặc áo dài cổ thuyền, khoét sâu (mà người dân vẫn gọi nôm na là áo dài Trần Lệ Xuân), thời của những bản nhạc Giao Linh réo rắt, sầu buồn; thời mà người dân có thể nghe những câu như: “Kiến thiết quốc gia/Giúp đồng bào ta/Xây đắp muôn người/Được nên cửa nhà. Tô điểm giang san/Qua bao lầm than/Ta thề kiến thiết/Trong giấc mộng vàng. Triệu phú đến nơi/Năm muời đồng thôi/Mua lấy xe nhà/Giàu sang mấy hồi. Kiến thiết quốc gia/Giúp đồng bào ta/Ấy là thiên chức/Của người Việt Nam” trong bài hát Xổ số kiến thiết quốc gia của tác giả Trần Văn Trạch.

Khán giả còn được đắm chìm trong không khí yên bình, tĩnh lặng, với văn hóa của miền Tây qua từng câu hội thoại, với tiếng đàn, câu vọng cổ trong đêm văng vẳng, với con lạch, giàn bầu…

Quý Bình, Hồng Ánh rút cạn nước mắt khán giả - 3

Một câu chuyện thấm đẫm nước mắt và nhân văn

Sông dài cũng cho thấy sự đầu tư, khả năng diễn xuất, lao động nghiêm túc của dàn diễn viên từ chính đến phụ. Năm lớp diễn, kéo dài trong hơn hai giờ đồng hồ, đòi hỏi người diễn viên phải nhập tâm, phải nuôi và truyền đạt sao cho thành công nhất những xúc của mình đến khán giả. Trong đó, không thể không kể đến diễn xuất tài tình, kết hợp thành công giữa họ của Ái Như trong vai bà Hai Sa, Hồng Ánh vai Lượm…. đặc biệt là Quý Bình vai Niễng, Quang Thảo vai Hai Tất.

Quý Bình đã thể hiện xuất sắc, nếu không muốn nói là quá xuất sắc vai Niễng. Không lên gân, Niễng dường như là vai diễn sinh ra là dành cho Quý Bình. Vẻ khắc khổ, cam chịu, xấu xí đến quái đản ở hình dáng; sự sâu sắc, trong sáng trong tâm hồn, tình yêu sâu đậm, thủy chung đến khắc khoải nơi tình yêu với Lượm đều được Quý Bình truyền tải trọn đến khán giả. Anh đã làm khán giả cười cùng niềm vui, hạnh phúc và khóc cùng nỗi đau của Niễng khi phải đành lòng ra đi, phải tự tay đắp nấm mộ gió cho mình để ông Hai Tất nói dối với Lượm rằng anh đã chết.

Quang Thảo diễn vừa duyên, vừa sâu sắc, trầm lắng trong vai Hai Tất. Cùng với Quý Bình, anh đã làm nên một lớp diễn để lại ấn tượng sâu sắc, thổn thức trong lòng khán giả về cái tình, cái nghĩa của người dân nghèo miền Tây Nam bộ.

Kịch sẽ trọn vẹn hơn nếu có sự logic hơn, tiết tấu chậm hơn trong một số phân đoạn. Ví dụ như, cảnh bà Hai Sa biết Lượm là con, rồi về Vĩnh Trạch đón Lượm đi chữa mắt, quá trình trở thành văn sĩ của Niễng, đoạn kết khi Lượm nhận ra văn sĩ viết hồi ký cho mình chính là Niễng. Sự thiếu logic, diễn biến câu chuyện hơi nhanh ấy khiến khán giả có cảm giác “hụt hơi”, cảm giác hẫng và tiếc nuối.

Quý Bình, Hồng Ánh rút cạn nước mắt khán giả - 4

Sông dài được coi như món ngon dịp Tết này cho khán giả

Những ai đã từng xem Sông dài không thể không nhớ câu hát xuyên suốt “Sông dài cá lội biệt tăm. Phải duyên chồng vợ ngàn năm vẫn chờ”. Phải rồi, Niễng và Lượm “sinh ra là để dành cho nhau”, họ như đã có duyên tự ngàn năm trước thì chờ đợi để có nhau, để sống đời vợ chồng đến ngàn năm sau cũng là phải với ý trời, hợp với lòng người.

Ngoài ra, vở diễn còn có sự tham gia của các diễn viên: Lương Duyên, Ngọc Tưởng, Nguyễn Long, Phúc Duy, Guillaume Faugere, Thế Hải, Thái Trang, Đoàn Thanh Phượng, Như Yến…

Cùng với các vở khác, Sông dài sẽ được diễn tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh trong dịp Tết 2014. Tham gia vở diễn có các diễn viên: Ái Như, Hồng Ánh, Quý Bình, Quang Thảo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Yến ([Tên nguồn])
Kịch: Món ngon cho khán giả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN