Phim “Quyên”: Bản nhạc hay chưa được chơi đúng cách
Phim Quyên xúc động nhưng còn nhiều hạn chế.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Quyên là bộ phim điện ảnh thứ ba do đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thực hiện. So với tác phẩm trước đó của anh là Cánh đồng bất tận, Nguyễn Phan Quang Bình đã cho thấy được một góc nhìn mang tính thẩm mỹ cao hơn và đậm tính nghệ thuật hơn trong bộ phim lần này.
Quyên không chỉ lay động về mặt cảm xúc, đẹp đẽ về mặt hình ảnh mà còn để lại một nỗi băn khoăn về thân phận của người phụ nữ trong lòng khán giả.
Sau "Cánh đồng bất tận", khán giả đang đặt nhiều kỳ vọng vào tác phẩm điện ảnh "Quyên" của Nguyễn Phan Quang Bình.
Một bộ phim đặc biệt
Nói Quyên đặc biệt trước hết là vì đây là bộ phim hiếm hoi ở Việt nam được đầu tư thực hiện những cảnh quay ở Đức, càng đáng chú ý hơn khi đó là bối cảnh núi tuyết vào mùa đông lạnh lẽo và khắc nghiệt.
Ê-kíp của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã khá "chịu chơi" khi tự làm khổ chính mình chỉ để mang đến cho khán giả những khung hình mướt mắt và đặc sắc nhất.
Sự hùng vĩ có sẵn của thiên nhiên khi kết hợp cùng tài năng của đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh đã khiến người xem không khỏi xuýt xoa, đặc biệt là khi hai lần nhân vật chính Quyên cố tìm đường tẩu thoát khỏi ngôi nhà mà gã giang hồ tên Hùng đã giam cầm mình.
Một màn tuyết trắng xóa dường như mênh mông vô tận đã góp phần đẩy mạnh cảm xúc của khán giả, giúp họ có thể hòa mình một cách tuyệt đối vào nhân vật.
Khung cảnh tuyệt đẹp trong phim "Quyên".
Điểm đặc biệt thứ 2 của Quyên là đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã khá mạo hiểm khi dám chọn Vũ Ngọc Anh, một gương mặt hoàn toàn mới trong làng điện ảnh để thủ vai chính trong bộ phim này. Quyên là một vai diễn rất khó với sự dằn vặt về nội tâm cao độ, cảm xúc liên tục chuyển biến và đặc biệt là sự thay đổi giữa phần đầu và phần kết của phim rất rõ rệt.
Cơ bản thì Vũ Ngọc Anh đã làm tốt vai trò của cô, lột tả được nét cam chịu, hy sinh pha lẫn sự mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam trên đất khách. Sự kết hợp giữa Vũ Ngọc Anh với Trần Bảo Sơn (vai Hùng), David Trần (vai Dũng) và nam diễn viên Hollywood Gary Daniels (vai Hans) cũng rất ăn ý và tự nhiên, không hề có cảm giác gượng gạo hay giả tạo.
Tuy nhiên, Vũ Ngọc Anh chỉ mới dừng ở mức hoàn thành vai chứ chưa thực sự xuất sắc. Một phần là do kịch bản hơi dàn trải, phần khác là do vai diễn quá khó nên có lẽ Vũ Ngọc Anh vẫn chưa thực sự chuyển tải được phần sâu kín và dữ dội nhất của nhân vật. Thế nhưng, dù sao đi nữa thì qua bộ phim này, khán giả vẫn có thể thấy được Vũ Ngọc Anh là một gương mặt tiềm năng.
Vũ Ngọc Anh khá tròn vai trong lần đầu bén duyên với điện ảnh.
Ba diễn viên nam chính nhắc trên cũng hoàn toàn làm chủ được nhân vật của mình, đặc biệt là Trần Bảo Sơn. Dù khán giả đã từng nhiều lần nhìn thấy Trần Bảo Sơn gai góc, dữ dội trên màn ảnh rộng nhưng vai Hùng này vẫn có một số điểm đặc biệt rất riêng. Thế giới nội tâm đen tối và đầy góc khuất của Hùng chính là một điều thú vị mà khán giả sẽ dần dần được khám phá trong phim.
Tốt nhưng chưa đủ
Không thể phủ nhận Quyên là một bộ phim xúc động với một câu chuyện đầy bi kịch của nhân vật chính. Đồng thời tác phẩm này còn được đầu tư khá cao về mặt bối cảnh, diễn viên, âm nhạc… Tuy nhiên, ở Quyên vẫn còn khá nhiều thiếu sót có thể thấy được rất rõ rệt khiến nó trở nên thiếu hoàn hảo trong mắt một vài khán giả khó tính.
Bối cảnh trong phim đẹp và ấn tượng nhưng còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục.
Đơn cử như phần thoại của phim. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình có lẽ đã có chủ ý khi cho nhân vật nói chuyện hơi lơ lớ và kiểu trao đổi chậm chạp để tạo nên mạch căng thẳng cho phim. Tuy nhiên, điều này lại bị phản tác dụng bởi các diễn viên hầu như đều chưa quen với kiểu đối thoại này. Họ diễn thiếu tự nhiên, kiểu kể chuyện mang tính trình bày, diễn giải.
Có thể thấy rất rõ khuyết điểm này trong lời thoại của Trần Bảo Sơn khi tâm sự cùng nhân vật của Vũ Ngọc Anh trong ngôi nhà gỗ, hay những trường đoạn hồi tưởng cũng gặp phải khuyết điểm này. Nó đã vô tình khiến mạch tâm lý của khán giả ngắt quãng và người xem khó lòng có thể thâm nhập sâu và thế giới của nhân vật.
Hà Trần đảm nhận việc thể hiện ca khúc chủ đề trong phim.
Yếu điểm thứ hai của Quyên chính là nhạc phim. Nhạc phim do Quốc Trung biên soạn được sử dụng dàn nhạc giao hưởng là một phần đầu tư khá dụng công của phía nhà sản xuất. Thế nhưng, có lẽ do đầu tư quá mức nên đoàn phim đã tận dụng âm nhạc gần như bất cứ khi nào có thể.
Âm nhạc vang lên mọi lúc, mọi nơi, kể cả những trường đoạn đáng ra cần sự yên tĩnh và im lặng. Việc lạm dụng nó quá mức đã làm mất đi hẳn những thanh âm môi trường - một yếu tố rất cần thiết để khiến bộ phim sống động. Vắng đi cái sống động đó, Quyên vô tình lại giống như một đoạn MV dài 100 phút chứ không còn là một tác phẩm điện ảnh thực thụ.
Khâu dựng phim cũng là một điểm hạn chế cần khắc phục của "Quyên"
Điểm yếu cuối cùng cũng khó lòng bỏ qua với những người xem khó tính là việc dựng phim quá đơn giản. Người dựng ở đây gần như không có bất cứ thao tác gì ngoài việc cho khung cảnh mờ dần thành màu đen rồi từ màu đen lại sáng dần lên và chuyển sang cảnh khác.
Việc lạm dụng gần như 90% kiểu chuyển cảnh này cho thấy cả đạo diễn lẫn người dựng đều không coi trọng khâu này và thiếu tính toán kỹ lưỡng ngay từ khi bắt đầu bấm máy.
Cần đột phá hơn nữa
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình mất 5 năm mới làm đươc một phim, thế nên sự kỳ vọng của khán giả dành cho Quyên khi ra rạp là rất lớn. Xét về măt cảm xúc, Quyên chạm được đến một số trái tim khán giả, nhưng xét về mặt kỹ thuật làm phim thì đây là một tác phẩm còn nhiều thiếu sót.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình có lẽ cần đột phá hơn nữa, dữ dội hơn nữa và đồng thời phải trau chuốt những thứ nhỏ nhặt. Dù vậy, Quyên vẫn là tác phẩm xứng đáng được ủng hộ, bởi nó không mượn chiêu trò hay scandal hay những tình tiết kỳ quặc, vô lý để thu hút khán giả. Bản thân Quyên là một bản tình ca xúc động, chỉ có điều chưa được "chơi" đúng cách.