Phim "Kungfu Phở": Đẹp, độc nhưng chưa đủ
Bộ phim được đầu tư về mặt hình ảnh nhưng nội dung và phần diễn viên còn hạn chế.
Từng gây xôn xao cách đây 4 năm với bộ phim kinh dị Cột mốc 23, đạo diễn Nguyễn Quốc Duy vừa có màn chào tái ngộ khán giả Việt Nam trong bộ phim điện ảnh Kungfu Phở. Trong tác phẩm lần này, anh đã thành công trong việc bày biện những hình ảnh đẹp mắt đến với người xem, đồng thời kể lại được một câu chuyện thú vị, hài hước bằng cách kết hợp giữa hai loại hình: võ kungfu và nghệ thuật nấu phở.
Tuy vậy, bộ phim vẫn còn khá nhiều thiếu sót đáng tiếc về mặt diễn xuất và cấu trúc kịch bản. Giá như Kungfu Phở được nhà đầu tư và đạo diễn Nguyễn Quốc Duy trau chuốt kỹ lưỡng hơn, tác phẩm hẳn sẽ còn đột phá hơn nhiều.
Lần đầu tiên, có một bộ phim điện ảnh làm về món phở Việt Nam
Tác phẩm điện ảnh đầu tiên về phở Việt
Trước hết, phải công nhận rằng Kungfu Phở chính là bộ phim đầu tiên có nội dung chính xoay quanh món ăn "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam, và việc chọn đạo diễn Nguyễn Quốc Duy thực hiện tác phẩm này là một lựa chọn đúng đắn của nhà sản xuất.
Nguyễn Quốc Duy là người từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực làm phim quảng cáo, TVC. Anh đã quá quen thuộc và nhuần nhuyễn với việc chuyển tải những hình ảnh đẹp mắt của những món ăn, những góc quay lên màn ảnh rộng. Chính vì vậy mà những nguyên liệu nấu phở như hoa hồi, hoa quế, thịt bò, hành… khi xuất hiện trong bộ phim này đều có mức độ thẩm mỹ rất cao.
Người xem không chỉ trầm trồ thán phục mà đôi khi còn phải… thòm thèm trước hình ảnh những tô phở thơm ngon xuất hiện trong phim (dù không thể gửi thấy mùi hương) và đó chính là thành công bước đầu của Nguyễn Quốc Duy, gây cảm tình cho khán giả ngay từ đầu bộ phim.
Hình ảnh trong phim được đầu tư đẹp mắt
Ngoài món phở, một yếu tố khác cũng được ê-kíp làm phim trau chuốt không kém chính là những màn trình diễn võ thuật đặc sắc. Sự góp mặt của hai gương mặt gạo cội Mai Sơn và Hoàng Phúc trong những phân cảnh chiến đấu đầu phim ngay lập tức đã gây ấn tượng mạnh với khán giả.
Phim mang đến cảm giác chân thực, rõ ràng với mức độ kịch tính của cuộc chiến được đẩy lên tối đa. Không chỉ có cảnh này mà hầu như tất cả các phân đoạn võ thuật kungfu sau đó đều được xử lý khá tốt, không hề mang một chút cảm giác giả tạo hay gượng gạo, kể cả khi người diễn chính trong cảnh đó là Linh Sơn, một nam diễn viên trẻ vốn không mấy thông thạo về võ thuật, hay Mỹ Duyên, nữ diễn viên đã khá lâu không xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Những màn đánh đấm, võ thuật được thể hiện dưới những góc quay đẹp, hoành tráng.
Ngoài sự trau chuốt đẹp đẽ về mặt hình ảnh, Kungfu Phở còn đáng khen ở chỗ mở ra được một thế giới lạ lẫm và đầy màu sắc đến cho người xem. Việc xây dựng một gia tộc nấu phở bằng kungfu giữa thời hiện đại mang lại cho đạo diễn nhiều "đất đai" để khai thác những tình tiết hài hước, kỳ quặc, tạo ra những xung đột mang tính gay cấn giúp câu chuyện được diễn ra theo đúng ý đồ của nhà sản xuất.
Có thể nói, Kungfu Phở là một bộ phim "độc" và sau khi khép lại, dù có thích hay không, người xem vẫn phải công nhận rằng nó để lại một ấn tượng khó phai.
Cần được trau chuốt hơn
Xét về mặt kỹ thuật, Nguyễn Quốc Duy là một đạo diễn giàu kinh nghiệm, "có nghề". Phim anh làm ra rất "sạch nước cản", không bị những mắc nhiều lỗi vụng về về quay phim, dựng phim, âm thanh hay hình ảnh như nhiều đạo diễn "tay ngang" khác. Nhưng xét về mặt chỉ đạo diễn xuất và dẫn dắt câu chuyện, Nguyễn Quốc Duy có thể bị xem là hơi… non tay.
Diễm My và Linh Sơn chưa có phần diễn xuất tốt trong "Kungfu Phở"
Trong Kungfu Phở, Nguyễn Quốc Duy may mắn có được một dàn diễn viên quen mặt khá hùng hậu: Mai Sơn, Hoàng Phúc, Mỹ Duyên, Linh Sơn, Diễm My… nhưng hầu như không mấy ai để lại ấn tượng mạnh với khán giả.
Linh Sơn và Diễm My là hai gương mặt trẻ đáng chú ý nhưng diễn xuất của nữ diễn viên lại có phần hơi gượng và cường điệu, còn Linh Sơn có lối diễn một màu và chưa toát lên được tính cách nội tâm của nhân vật.
Mai Sơn và Hoàng Phúc lại có đất diễn khá ít, đồng thời lại bị lời thoại làm cho tính cách nhân vật trở nên sáo rỗng, nhạt nhòa. Duy chỉ có vai diễn của Mỹ Duyên là còn để lại ấn tượng tốt nhờ đất diễn nhiều, lại thường xuyên có tạo hình kèm chiếc tẩu thuốc nên ai ai cũng nhớ. Dù vậy, Mỹ Duyên vẫn bị mắc lỗi như nhiều người khác thường mắc phải là lối diễn vẫn còn quá… kịch.
Mỹ Duyên có vai diễn ấn tượng sau 8 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng.
Xét về kịch bản, như đã nói, Kungfu Phở có một cái tứ rất hay và khởi đầu suôn sẻ, nhưng càng về sau câu chuyện lại càng… đuối và không thống nhất. Việc loay hoay giữa quá nhiều tuyến nhân vật và quá nhiều câu chuyện để giải quyết đã khiến đạo diễn bị rối, và toàn bộ khoảng 30 phút cuối của phim là các cảnh quay, phân đoạn bị chắp ghép vào nhau một cách thiếu sáng tạo và vô cùng rời rạc.
Những phân đoạn như thi nấu phở ở phần cuối hay cảnh bắt cóc trong nhà kho đã kéo bộ phim đi xuống một bậc, từ mức điện ảnh trở thành… tiểu phẩm kịch, bởi sự nghèo nàn về sáng tạo cũng như hời hợt về cách dàn dựng bối cảnh. Đó là chưa kể diễn biến tâm lý của nhân vật trong phim cũng rất thiếu chiều sâu và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ từ đầu phim mà lại thường xuyên thay đổi đột ngột, khiến khán giả cảm thấy bị… sốc và thiếu thuyết phục.
"Kungfu Phở" có những hình ảnh đẹp, độc nhưng câu chuyện cùng phần diễn xuất của diễn viên chưa thuyết phục người xem.
So với Cột mốc 23 vào năm 2011, đạo diễn Nguyễn Quốc Duy đã lên tay khá nhiều. Nhưng xét về chi tiết, Nguyễn Quốc Duy vẫn mắc phải một số lỗi mà mình từng phạm khi trước khiến Cột mốc 23 bị thất bại về mặt doanh thu.
Kungfu Phở chưa hẳn là một tác phẩm yếu kém và cũng chưa hẳn khiến nhà sản xuất bị… lỗ vốn, nhưng việc tác phẩm này không được lòng giới phê bình lại một lần nữa chứng minh được rằng trong điện ảnh, đôi khi chỉ đẹp và độc đáo thì vẫn chưa đủ. Điều quan trọng vẫn phải là có được một câu chuyện thuyết phục cùng diễn xuất thực sự rung động người xem.